Dù ăn nhiều loại gạo ST 25 sản xuất trên các vùng canh tác thông thường hay lúa tôm của miền Nam nhưng tôi vẫn ấn tượng với lúa rươi của miền Bắc hơn.
Mà ấn tượng nhất với tôi là vùng lúa rươi của Kiến Thụy, Hải Phòng qua một bữa cơm trải nghiệm ngay trên bờ đầm của 3 năm về trước. Khi nồi cơm đang còn sôi xình xịch thì một mùi thơm ngọt ngào tỏa ra quyến rũ đến mê hoặc. Từng hạt, từng hạt bới ra trông như những con nhộng ong tí hon, càng nhai lại càng thấm vị ngọt, vị đằm không thể trộn lẫn của thứ gạo ruộng rươi cấy trên vùng nước lợ, cứ vấn vương mãi nơi cuống họng.
Để hôm nay tôi lại về khu ruộng rươi ấy theo lời hẹn với anh Đỗ Danh Hưng, một nông dân vừa nuôi rươi và cấy lúa ở bãi Sâu, xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Từ xa, tôi đã thấy một đàn chim trắng bay rập rờn trên những luống cày, ngỡ tưởng là cò nhưng không, anh Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Hải Âu Việt bảo, đó là hải âu, cái tên anh đặt cho doanh nghiệp của mình.
Anh Hưng có 16ha lúa rươi liên kết với công ty Hải Âu Việt nhưng vụ xuân năm nay bị nhiễm mặn cấy đi cấy lại 2 lần mà vẫn chết, phải cày hủy đi. Vụ mùa này anh đầu tư 10 tấn phân hữu cơ của Nhật trị giá 150 triệu đồng. Khi cây lúa đang phơi màu, bông to và dày đến nỗi nhiều người làng đi qua nắc nỏm khen, vụ này anh chắc thu được 100 tấn lúa.
Nghe tin có bão Yagi anh đã cho nước dâng lên cao để chống lúa đổ, rồi cẩu cả cột điện lên dằn trên mái nhà. Gió to không thổi bay được mái nhà nhưng đã thổi bay hết màu trên bông lúa nên khi kết hạt chỉ toàn lép với lửng.
Mấy năm nay biến đổi khí hậu khiến thời tiết đỏng đảnh, năm 2023 anh thu được 6 tấn rươi, 50 tấn thóc nhưng năm nay đúng vào giai đoạn tháng 2-3 rươi sinh sản, con giống từ sông Văn Úc vào ruộng để phát triển thì nước nhiễm mặn, có lúc đo được tới 25 phần ngàn trong khi con rươi chỉ thích hợp nhất là 5 phần ngàn. Bởi thế mùa nước ngọt từ tháng 6-10 cho rươi sinh trưởng thì trong ruộng không hề có lỗ dày như những mắt sàng như bình thường. Cả huyện Kiến Thụy rồi Tiên Lãng, An Dương hầu như không mấy đầm có rươi. Ngay xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc này với mấy trăm ha lúa rươi mà các chủ đầm vẫn gần như là tay trắng.
“Ở đây nửa năm nước lợ, nửa năm nước ngọt nên ngoài rươi ra nuôi con gì cũng khó. Thà mặn hẳn hay ngọt hẳn thì đỡ hơn. Làm lúa rươi nếu thuận lợi thì rất nhàn, mỗi năm có thể kiếm từ 2 tỷ đồng từ rươi, 1 tỷ đồng từ lúa nhưng năm nay tôi không được một cân rươi nào, và chỉ được có 7 tấn lúa”, anh Hưng than thở.
Bởi thất thu như thế nên nghe tin ở tỉnh Bắc Giang thành công với mô hình nuôi cà ra anh đã đến thăm rồi về đắp bờ cao, quây tôn lên trên diện tích 8 ha nuôi rong đuôi chó và mua giống từ Trung Quốc về thả. 3 cái lều cũng được anh dựng lên để tối đến ngủ lều trên, giữa đêm ngủ lều giữa, về sáng ngủ lều cuối cùng mà trông coi cà ra. Tổng đầu tư cho việc chuyển đổi này của anh lên tới trên 300 triệu đồng. Nếu thành công thì sẽ có được một mô hình mới là lúa cà ra. Cà ra phải nuôi tới 1 năm, xuân thả giống, mùa cấy lúa để tạo bóng mát, tăng phù du đồng thời làm chỗ trú cho chúng.
Tôi hỏi tại sao biết nông nghiệp hữu cơ lắm rủi ro mà cứ đắm đuối suốt ngày với nó thì anh Trần Văn Trung cười, trả lời: “Tôi mơ một ngày sản phẩm gạo lúa rươi của mình lên kệ siêu thị ở Mỹ. Trước đây chúng ta cứ nói con rươi là chỉ thị cho môi trường sạch nhưng chứng nhận hữu cơ của Việt Nam thì quốc tế họ không tin, còn chứng nhận hữu cơ của quốc tế thì tôi lại chưa có. Bởi thế mới đây tôi đã lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu gạo tại khu vực sản xuất lúa rươi này đem đi phân tích, kết quả là hơn 500 chỉ tiêu đều đạt.
Công ty của tôi được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, nâng cao chất lượng nông sản để hướng tới đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật, châu Âu nên phải tìm những vật tư được các nước này cho phép thì mới bón xuống ruộng. Trước đây nhiều bà con đưa bột ngô xuống ruộng rươi nhưng không biết ngô đấy lại là sản phẩm biến đổi gen, điều cấm kị với sản xuất hữu cơ chứ chưa nói đến việc đưa xuống các loại hóa chất. Hiện công ty đang liên kết với 20 hộ dân ở 2 xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc của huyện Kiến Thụy và nhiều nơi khác của Hải Phòng để sản xuất 135ha lúa rươi.
Bao giờ tôi cũng nghĩ nếu nông dân giàu thì mình mới giàu được. Để tránh bão, tôi nghĩ những vụ sau có thể thời điểm gieo cấy phải khác đi. Cũng là ở trên đất này nhưng anh Phạm Đăng Xuân cấy muộn hơn anh Đỗ Danh Hưng 1 tháng nên thu được 60 tấn thóc trên tổng diện tích 28ha”.
Cũng theo anh Trung ngoài diện tích hữu cơ, hiện công ty đang có 100ha chuyển đổi theo hướng hữu cơ ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đợt bão Yagi diện tích này bị ngâm nước tới 7 ngày, bà con sốt ruột nên đã ngâm sẵn thóc giống để sẵn sàng gieo lại nhưng không ngờ khi nước rút là chỉ 1 ngày sau lúa lại ngoi lên, năng suất vẫn đạt tới 2-2,2 tạ/sào.
Mấy năm trước khi đưa giống ST 25 ra Bắc ai cũng bảo anh là liều, tuy nhiên khi chọn được những vùng có điều kiện thích hợp thì lại cho ra một loại gạo hảo hạng, hơn hẳn ST 25 cấy ở trong Nam.
Có 3 điều phải lưu ý khi cấy ST 25 ở miền Bắc: một là lạnh quá như Tây Bắc cây lớn chậm, năng suất kém; hai là giống này rất nhạy cảm với phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học nên lạm dụng dễ bị lép hạt; ba là sản xuất vụ xuân chắc ăn hơn vụ mùa do thời gian sinh trưởng của ST 25 dài ngày hơn nhiều giống lúa đại trà khác. Còn với điều kiện mà nước bị nhiễm mặn thì không có cách gì chống đỡ được.