Ngày 26/12, UBND TP Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học "Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản TP Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, khẳng định: "Chuyển đổi sang kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, địa phương trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và đảm bảo an toàn công bằng về xã hội".
Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển mạnh kinh tế di sản, làm cho di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành nguồn lực, động lực tăng trưởng, tạo ra sự đột phá phát triển cho nền kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của hoa và lễ hội, phát triển hệ sinh thái du lịch Hạ Long trở thành điểm đến hấp dẫn.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, Hạ Long còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên; nguồn thu ngân sách trên địa bàn ngày càng khó khăn; các vấn đề về đảm bảo sự cân bằng giữa gia tăng tăng trưởng và bảo vệ môi trường; phát triển không gian đô thị biển chưa đủ tính hấp dẫn, đặc sắc…
Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hạ Long Vũ Thị Mai Anh nhấn mạnh: "Để có thể khẳng định được vị trí là “một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước” thì việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản được xem là một hướng đi đúng đắn góp phần khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; giúp Hạ Long chuẩn bị tâm thế vững vàng, tự tin để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tại Hội thảo, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, đánh giá cao giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, nhất là trong tiến trình phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản. Đồng thời nhấn mạnh đến việc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ các cấp chính quyền, các cấp, các ngành và người dân trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản.
Với tầm nhìn từ các di sản trong xu thế phát triển mới, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đã đưa ra một số suy nghĩ và giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung vào khảo sát, nghiên cứu để nhận diện sâu, đánh giá tổng thể về sự phân bố, trữ lượng, tiềm năng, giá trị văn hóa của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; Hạ Long cần định vị rõ là thành phố biển, phát triển theo mô hình đô thị di sản, lấy di sản thiên nhiên, văn hóa làm mục tiêu, động lực của sự phát triển; xác định mục tiêu: lấy con người làm trung tâm, văn hóa làm điểm tựa, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương và khát vọng vươn lên…
Cùng với đó, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ về những mô hình, đối chuẩn, thông lệ về đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị di sản trên thế giới mà Hạ Long có thể vận dụng cùng những định hướng, chiến lược marketing... Đây sẽ là nền tảng quan trọng để giúp cho Hạ Long có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau về các vấn đề để từ đó tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và quản trị địa phương.