30 năm trước, vào ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ. Đây là sự kiện không chỉ có ý nghĩa về văn hóa mà còn mang ý nghĩa về chính trị, kinh tế trong công cuộc phát triển đất nước.
Và đến năm 2000, UNESCO tiếp tục công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới với những giá trị ngoại hạng về địa chất địa mạo. Đặc biệt, tháng 9/2023, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo hướng điều chỉnh mở rộng ranh giới sang quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng), và trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành đầu tiên ở Việt Nam.
Với những dấu mốc chói lọi của mình, vịnh Hạ Long ngày càng khẳng định vị thế là kỳ quan thiên nhiên “có một không hai”, tuyệt đẹp về cảnh quan và thu hút, gợi mở bởi những giá trị văn hóa, lịch sử.Vịnh Hạ Long đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, đưa du lịch Quảng Ninh trở thành trụ cột phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Là niềm tự hào của những người con Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung, những năm qua vịnh Hạ Long đã trở thành một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất. Trong suốt 30 năm qua, vịnh Hạ Long đã đón tiếp trên 56,3 triệu lượt khách, trong đó có trên 30 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, khám phá và trải nghiệm những tuyệt tác của thiên nhiên.
Trong hành trình trải nghiệm tại vịnh Hạ Long, du khách sẽ được đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khi được tham quan hệ thống hang động nổi tiếng, lắng nghe truyền thống lịch sử và hòa mình vào bầu không khí khoáng đãng, trong lành của đất trời.
Nhận định về cảnh quan thiên nhiên vịnh Hạ Long, bà Katherine Muller-Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ: “Vịnh Hạ Long là một thí dụ hoàn hảo của hệ sinh thái độc nhất vô nhị, với vô số khối núi đá vôi, hang động và vòm hang, những hòn đảo nhỏ nhô lên từ mặt nước trong suốt như pha lê cùng môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp, quyến rũ tất cả những ai tới Việt Nam, đem lại những trải nghiệm và ký ức không thể nào quên”.
Phát triển gắn với bảo tồn
Sau 30 năm, vịnh Hạ Long đã có một diện mạo mới khi được đầu tư đồng bộ về hệ thống hạ tầng cảng, giao thông ven vịnh, thế nhưng cảnh quan thiên nhiên và những giá trị vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn. Trong mọi tiến trình phát triển, vịnh Hạ Long vẫn luôn được xem là “báu vật”, là nguồn động lực để tỉnh Quảng Ninh “bứt tốc”.
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long luôn được tỉnh Quảng Ninh tuân thủ theo Công ước, Hướng dẫn thực hiện công ước Di sản thế giới cũng như các văn bản pháp luật của Việt Nam về quản lý di sản. Đặc biệt, cơ chế chính sách quản lý vịnh Hạ Long được tập trung xây dựng, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn công tác quản lý.
Trong đó tập trung điều tra, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị tiêu biểu và nổi bật toàn cầu; quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra trên vịnh; triển khai đồng bộ công tác quản lý môi trường; công tác hợp tác quốc tế được duy trì, mở rộng; cơ sở hạ tầng tại các điểm tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên vịnh được chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan; hoạt động dịch vụ du lịch được quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách tham quan; công tác phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch trên vịnh được chú trọng…
Ông Vũ Kiên Cường (Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long) thông tin: “Chúng tôi đang nghiên cứu để nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện nay chúng ta đang có, phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng lựa chọn sản phẩm du lịch đẳng cấp, phục vụ cho dòng khách cao cấp, có khả năng chi trả cao. Ví dụ như khai thác các hệ thống hang động hiện nay còn đang bỏ ngỏ, hệ thống bãi tắm, vùng vui chơi giải trí ở khu vực cách xa khu trung tâm và đông du khách”.
Theo thống kê, hiện trên vịnh Hạ Long đang có 8 tuyến tham quan, du lịch và 5 cụm, diểm lưu trú nghỉ đêm. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng hóa, hướng đến phát triển du lịch bền vững và đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách, có thể kể đến như tham quan hang động, lưu trú nghỉ đêm, tắm biển, chèo kayak, chèo đò…
Với những nỗ lực đó, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, mở ra những triển vọng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên cùng với những thuận lợi, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm: Môi trường và các giá trị di sản đang chịu sức ép đa chiều từ các hoạt động đô thị hóa và hoạt động kinh tế xã hội trên và ven bờ vịnh; lượng khách du lịch tham quan tăng dần qua từng năm, kéo theo nhu cầu gia tăng cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, cảng bến… tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của khách du lịch…
Với quyết tâm “vượt khó khăn, chinh phục thác thức”, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản theo hướng bền vững. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để bảo vệ môi trường để bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới trường tồn bền vững.
Những năm qua, Vịnh Hạ Long luôn có mặt trong các danh sách, bảng xếp hạng điểm đến hàng đầu thế giới của các tổ chức quốc tế, hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, có thể kể như: Tạp chí du lịch quốc tế uy tín Travel & Leisure đánh giá vịnh Hạ Long là một trong 55 điểm đến đẹp nhất thế giới (5/2024); Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn vịnh Hạ Long là 1 trong 24 điểm đến tốt nhất cho năm 2024; Chuyên trang du lịch của CNN đã bình chọn vịnh Hạ Long nằm trong top 25 điểm đến đẹp nhất thế giới; Chuyên trang du lịch nổi tiếng của Mỹ The Travel công bố vịnh Hạ Long là một trong 10 kỳ quan thiên nhiên được ghé thăm nhiều nhất thế giới (12/2023)…