| Hotline: 0983.970.780

Hai Bộ trưởng họp khẩn tìm giải pháp cung ứng hàng hóa cho miền Nam

Chủ Nhật 18/07/2021 , 07:59 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên họp trực tuyến với các điểm cầu cả nước để tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho miền Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại buổi họp trực tuyến với các điểm cầu cả nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại buổi họp trực tuyến với các điểm cầu cả nước.

6 nhiệm vụ chung của liên Bộ Công Thương - Bộ NN-PTNT

Tình hình sẽ biến chuyển rất nhanh trong thời gian tới. Diễn biến dịch đang phức tạp và nghiêm trọng. Việc cung ứng hàng hóa là vấn đề hết sức khó khăn, nếu thiếu hàng hóa thiết yếu thì người dân không đủ lực dập dịch. Chưa chết vì dịch thì đã chết vì đói khát. Đói khát và túng thiếu sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề xã hội. "Đây là tình hình thời chiến", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhắc lại một lần nữa.

Lần cách ly theo Chỉ thị 16 này không phải là lần đầu tiên, tuy nhiên, phải xác định tính chất hoàn toàn khác so với lần cách ly trước. Dịch có thể bùng phát mạnh hơn, có thể đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu như lương thực thực phẩm, thuốc men. Việc lưu thông sẽ khó khăn hơn.

Nếu không giải quyết được sẽ nảy sinh vấn đề xã hội, thế nên, "trong mọi tình huống không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu", người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, 2 ngành Công Thương và NN-PTNT cần đoàn kết thực thi 6 nhiệm vụ chung:

Một là, đánh giá tình hình nhu cầu hàng hóa chính xác, kiến nghị Tổ công tác để đưa ra hướng giải quyết. Kê ra được cái gì mình thiếu, cái gì mình có, cái gì cần mua bán. Xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn, ở mức độ cao nhất, vai trò Nhà nước cung ứng vô điều kiện hàng hóa cho địa phương;

Hai là, chủ động kết nối cung cầu tại các địa phương. Phải rõ đầu mối giao – nhận. Trách nhiệm này thuộc về các Sở Công Thương, Sở NN-PTNT. "Muốn kết nối được phải nắm được nhu cầu. Duy trì chợ đầu mối, chợ truyền thống kèm theo những biện pháp phòng dịch", Bộ trưởng nói;

Ba là, phối hợp với các ngành khác như Giao thông, Y tế để làm tốt lưu thông hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt, cái gì cần bán cần kết nối với nơi cần mua và ngược lại. Có như vậy mới giải quyết được bài toán thừa, thiếu cục bộ;

Bốn là, những vùng trồng rau củ quả, nuôi trồng đang cung ứng các thị trường mà bị đứt gãy, cần báo cáo với Tổ công tác tiền phương để tìm hướng giải quyết;

Năm là, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh cần đóng vai trò chủ công, chủ trì phối hợp lực lượng chức năng địa phương để kịp thời xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, buôn bán hàng giả, kém chất lượng. Ngay trong chiều 18/7, Bộ trưởng Diên đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường lực lượng cho TP.HCM;

Bộ trưởng Diên đề nghị kịp thời xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, buôn bán hàng giả, kém chất lượng (Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Diên đề nghị kịp thời xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, buôn bán hàng giả, kém chất lượng (Ảnh minh họa).

Sáu là, đề nghị từng địa phương và Tổ công tác phối hợp truyền thông, thông tin tình hình cho người dân. Đồng thời thường xuyên trao đổi để nắm được chỉ đạo từ phía 2 Bộ. "Tuyệt đối không được để xảy ra sự cố truyền thông", Bộ trưởng Diên kết luận.

Đề nghị TP.HCM xác định rõ nhu cầu tiêu thụ

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị TP.HCM cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu. Có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương để cùng nhau xử lý.

"Các địa phương cần có trách nhiệm với TP.HCM về việc cung ứng lương thực nhưng TP.HCM cũng phải làm rõ nhu cầu của mình vì bây giờ nhiều doanh nghiệp muốn cung ứng cũng không biết chở hàng đến đâu", Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nêu một số giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn hiện tại trong cung ứng hàng hóa cho nhân dân. Theo đó, Bộ trưởng kiến nghị:

- Các địa phương nắm thông tin cập nhật nhất có thể, Sở Công Thương, Sở NN-PTNT cần phối hợp với nhau, đi đến các vùng nguyên liệu để nắm thông tin.

- Hiện nay, các địa phương có nguyên liệu cần nắm rõ việc thu hoạch có khó khăn gì để phản hồi lại với ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhằm đưa ra phương án thích hợp.

- Về vấn đề vận chuyển, doanh nghiệp đang sợ rủi ro nên cần có chính sách thật thông thoáng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

- Hiện nay, do tình hình không như bình thường nên Nhà nước sẽ tham gia vào quá trình vận hành của thị trường, còn nếu khó khăn hơn nữa thì Nhà nước sẽ phải đảm nhận hết vai trò phân phối, cung ứng cho người dân.

- Bộ Công Thương xây dựng chiến lược cho thị trường nội địa, sẽ rất có ý nghĩa rất lớn trong điều kiện bất thường như hiện nay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị TP.HCM làm rõ nhu cầu tiêu thụ. (Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị TP.HCM làm rõ nhu cầu tiêu thụ. (Ảnh minh họa).

Đề nghị không đóng cửa tất cả chợ đầu mối, chợ truyền thống

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, TP.HCM đã có kinh nghiệm chống dịch tuy nhiên 16 tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16, tình hình sẽ thay đổi từng giờ.

Ông Hải đề nghị xác định tính chất thời điểm hiện tại như đang là thời chiến. Cũng theo Thứ trưởng, dự kiến tình hình hàng hóa sẽ có nhiều xáo trộn, khan hiếm, giá cả cao.

"Tình hình hiện nay khác và rất khác so với bình thường nên có một vài nơi hàng hóa thiếu, giá cao là chuyện bình thường", Thứ trưởng nói.

Các chợ đầu mối ở TP.HCM dừng hoạt động làm thiếu hụt hàng hóa cho người dân và cũng gây nguy hiểm cho cả các tỉnh khác do thiếu đầu ra, thiếu nơi cung cấp hàng hóa.

Đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16.

Ngoài ra, đề nghị "thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch; tăng giờ bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại; tăng các điểm bán lưu động", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

TP.HCM, Đồng Nai: Kiểm soát giá, tránh đầu cơ

Từ khi thực hiện Chỉ thị 16, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tăng cường 100% lực lượng để nắm bắt tình hình, phối hợp với lực lượng chức năng để bắt buôn lậu và các trường hợp găm hàng hóa.

Thời gian đầu, một số bà con ở chợ truyền thống nâng giá hàng, một số trường hợp mua hàng ở siêu thị để bán bên ngoài. Cục đã kịp thời nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con. Đến nay, hoạt động nâng giá ở các siêu thị không còn. Hiện tại, rau củ quả ở siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung, giá cả không tăng so với ngày thường.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng làm việc với các chợ truyền thống, các siêu thị, các cửa hàng để vận động cam kết không tăng giá, tạo mọi điều kiện cung ứng hàng hóa cho người dân.

Đồng quan điểm, đại diện Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, Cục cũng đã yêu cầu các siêu thị, cửa hàng cam kết bán đúng giá, niêm yết giá công khai, bán với số lượng đủ ăn trong 1-3 ngày, tránh tình trạng đầu cơ.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Trương Văn Ba phát biểu, hệ thống phân phối hàng hóa ở TP.HCM hiện vẫn thiếu, Sở Công Thương và Sở NN-PTNT thành phố cần tạo mọi điều kiện để hàng hóa về thành phố thuận lợi, tháo gỡ khó khăn ở các chợ truyền thống, từ đó ổn định giá cả. Cục cũng kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với Bộ Tài chính để điều tra những hiện tượng nâng giá bất hợp lý.

Cũng theo ông Ba, hiện nay lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM mới được tiêm phòng 252 người, 11 người đã là F1, đề nghị tiêm nốt những người còn lại.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Trương Văn Ba kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Đặng Văn Bi, TP Thủ Đức. Ảnh: Luynh Biển.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Trương Văn Ba kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Đặng Văn Bi, TP Thủ Đức. Ảnh: Luynh Biển.

Bình Dương, Hậu Giang, An Giang: Kiến nghị thông nút thắt ở khâu vận chuyển

Theo đại diện Sở Công Thương các tỉnh này, khâu vận chuyển hàng hóa đều gặp nghẽn. Ví dụ ở Hậu Giang, tài xế dù có đầy đủ giấy tờ phòng chống dịch nhưng vẫn cần phải qua nhiều chốt, dẫn đến chi phí tăng và giá bán tăng, từ 30-60%, nhưng giá thu mua lại không tăng. Còn tại An Giang, việc thu hoạch diễn biến tốt, không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, vấn đề của tỉnh này vẫn là vận chuyển lúa gạo ra khỏi tỉnh.

Ở Bình Dương, Hậu Giang, lực lượng lao động thương mại gặp hạn chế trong tiêm vacxin.

Do đó, Sở Công Thương các tỉnh kiến nghị ngành Y tế tháo gỡ các khó khăn trong việc kiểm soát cũng như kiến nghị Chính phủ phân bổ vacxin để tháo gỡ vướng mắc trong việc đứt gãy lao động thương mại.

Bốc dỡ rau củ quả để vận chuyển kịp thời đến các điểm phân phối trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: TTXVN.

Bốc dỡ rau củ quả để vận chuyển kịp thời đến các điểm phân phối trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: TTXVN.

Cần làm rõ khó khăn ở khâu phân phối

Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương nói rõ đang vướng ở đâu: Thu hoạch, vận chuyển hay phân phối?

Khâu thu hoạch khó ở đâu trong lúc giãn cách thế nào, nếu khó có thể đề nghị BQP tham gia hoặc đưa các địa phương hỗ trợ lẫn nhau. Ở khâu vận chuyển có khó khăn gì, phân phối có khó khăn gì, chúng ta cần làm rõ để tháo gỡ vướng mắc một cách khoa học, cụ thể.

"Các địa phương cần đi vào chi tiết ở khâu phân phối, vì nếu không làm rõ thì có giải pháp ở các khâu trước cũng không có tác dụng nhiều", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cách làm sáng tạo trong khâu phân phối của một siêu thị tại Cần Thơ, đó là mang hàng hóa ra sân để người dân lựa chọn.

Cách làm sáng tạo trong khâu phân phối của một siêu thị tại Cần Thơ, đó là mang hàng hóa ra sân để người dân lựa chọn.

Vĩnh Long, Bến Tre: Hàng hóa khan hiếm cục bộ

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long và bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, tình hình cả hai tỉnh từ sau khi thực hiện Chỉ thị 16 tương đối giống nhau. Đó là bà con lo ngại dịch bệnh nên việc buôn bán những mặt hàng thiết yếu giảm đi, hàng hóa bị khan hiếm cục bộ.

Rất may mắn, tại Vĩnh Long, hiện nay thu hoạch và tiêu thụ mặt hàng nông sản ổn định, việc thực hiện luồng xanh rất thuận lợi.

Còn tại Bến Tre, tình hình gặp khó do một số doanh nghiệp cung ứng xăng dầu, thuốc tây đóng cửa. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của tỉnh đã được báo cáo, sẽ sớm có phương án xử lý.

Hai khó khăn lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đã chuẩn bị các phương án cụ thể về cung ứng hàng hóa trên cơ sở nhu cầu của người dân và khả năng cung cấp nguồn hàng hóa của tỉnh cũng như các tỉnh lân cận

Thế nên thời gian qua việc cung ứng hàng hóa không quá khó khăn. Khi có khó khăn của xã thì huyện giải quyết, khó khăn của huyện thì tỉnh giải quyết.

Tuy nhiên, khi thực hiện Chỉ thị 16, tỉnh gặp 2 khó khăn lớn:

Một là, lượng mua của người dân quá lớn, dẫn đến không kịp cung ứng;

Hai là, có một số mặt hàng tỉnh không sản xuất được, phải vận chuyển từ tỉnh khác. Việc lưu thông, vận chuyển khó khăn dẫn đến giá cả bị đẩy lên cao.

Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh để đưa ra phương án giải quyết.

Cần Thơ: Nông sản tiêu thụ chậm

Đầu cầu Cần Thơ.

Đầu cầu Cần Thơ.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cho biết: Thời điểm hiện nay nông sản ở Cần Thơ đang bước vào mùa thu hoạch lúa, rau màu và thủy sản. Tuy nhiên, do đang thực hiện Chỉ thị 16, các mặt hàng nông sản tiêu thụ chậm và đặc biệt còn bị giới hạn nông sản cung cấp cho thị trường TP.HCM.

Hiện nay, với sản lượng mận thu hoạch trong ngày thấp 3-5 tấn/ngày nên việc tiêu thụ không chịu ảnh hưởng bởi những quy định trong thời gian địch bệnh. Đến tháng 8-9/2021 sẽ thu hoạch rộ từ 20-30 tấn/ngày.

Riêng mít cho trái quanh năm, nhưng tình hình dịch bệnh nên việc xuất khẩu sang Trung Quốc và các tỉnh lân cận gặp khó khăn. Hiện nay, sản lượng thu hoạch trong ngày không lớn, ước đến tháng 9/2021 thu hoạch khoảng 765 tấn.

Dâu Hạ Châu đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rộ tại huyện Phong Điền với sản lượng trên 9.000 tấn.  Hiện chưa có thương lái thu mua, giá bán 5.000 - 7.000 đồng/kg trước thời điểm bùng phát dịch.

Dự báo trong thời gian tới, khi các tỉnh lân cận thực hiện theo Chỉ thị 16, tình hình vận chuyển, giao thương gia súc, gia cầm sống và qua giết mổ vào thành phố khả năng gặp nhiều khó khăn nên nguồn cung sản phẩm chăn nuôi của thành phố có thể bị ảnh hưởng.

Về thị trường sản phẩm chăn nuôi, giá heo hơi có sự biến động và duy trì ở mức từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Giá trâu, bò hơi ổn định ở mức từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, giá gà ta duy trì ở mức từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, vịt hơi từ 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Cà Mau: Dư thủy hải sản, thiếu rau

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau thông tin: Nhu cầu tiêu thụ gạo trong tỉnh đến hết tháng 7 khoảng 5.040 tấn. Hiện nay lượng lúa gạo trong tỉnh đáp ứng đủ yêu cầu cho người dân. Trong tháng 8, khoảng 11.160 tấn gạo, tương đương 18.600 tấn lúa. Như vậy lượng lúa hàng hóa còn lại cần tiêu thụ 111.000 tấn, tương đương 66.600 tấn gạo.

Riêng tổng sản lượng thủy hải sản các loại đến hết tháng 7 khoảng 28.900 tấn. Trong tháng 8, thu hoạch và khai thác khoảng 51.000 tấn. Nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh đến hết tháng 7 khoảng 3.360 tấn, dư khoảng 25.540 tấn cần xuất ngoài tỉnh, trong tháng 8 tiêu thụ khoảng 7.440 tấn, dư khoảng 43.560 tấn cần xuất ngoài tỉnh.

Nhu cầu tiêu thụ gia súc, gia cầm trong tỉnh Cà Mau đến hết tháng 7 khoảng 1.500 tấn heo, 230 tấn gia cầm thiếu khoảng 900 tấn heo và 114 tấn gia cầm cần nhập ngoài tỉnh. Trong tháng 8, tiêu thụ khoảng 3.200 tấn heo, 500 tấn gia cầm thiếu khoảng 1.900 tấn heo và 250 tấn gia cầm cần nhập ngoài tỉnh.

Diện tích thu hoạch rau, củ, quả các loại đến hết tháng 7 khoảng 300 ha, sản lượng 2.100 tấn. Trong tháng 8 thu hoạch khoảng 700 ha, sản lượng 4.900 tấn. Nhu cầu tiêu thụ (200g rau/người/ngày, dân số tỉnh Cà Mau 1,2 triệu người) trong tỉnh đến hết tháng 7 khoảng 3.360 tấn, thiếu khoảng 1.260 tấn cần nhập ngoài tỉnh, trong tháng 8 tiêu thụ khoảng 7.440 tấn, thiếu khoảng 2.540 tấn cần nhập ngoài tỉnh.

Kiên Giang: Sẵn sàng cung ứng cho các địa phương trong vùng khi cần thiết

Đầu cầu Kiên Giang.

Đầu cầu Kiên Giang.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang phát biểu, ngành NN-PTNT tỉnh đã lên kế hoạch thống kê sản lượng các mặt hàng nông sản thiết yếu hiện có trên địa bàn. Kiên Giang có nguồn lúa gạo lớn, thủy hải sản, nhất là các mặt hàng nuôi trồng như: tôm, cua biển… sẵn sàng cung ứng cho các địa phương trong vùng khi cần thiết.

Riêng Sở Công Thương tỉnh đã có kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường, ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Kiên Giang có hơn 1,7 triệu dân, ước lượng hàng thiết yếu cần dùng trong 1 ngày vảo khoảng 5.780 tấn, trị giá tương ứng 121 tỷ đồng. Sở Công thương đã phân cho các đơn vị, doanh nghiệp lớn dự trữ và cung ứng hàng, đảm bảo không bị khan hiếm, tăng giá đột biến.

Hậu Giang: Mặt hàng nông sản cần thiết tăng từ 30-40%

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, tại Hậu Giang, một số mặt hàng tăng giá, do tâm lý người dân tăng mua tích trữ. Giá bán tại chợ các mặt hàng nông sản cần thiết, tăng từ 30-40% nhưng giá thu mua trong dân không tăng.

Sản xuất nông nghiệp đang thu hoạch lúa hè thu và chuẩn bị gieo sạ vụ lúa thu đông, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến nông sản đảm bảo cung cấp. Vật tư đầu vào sản xuất tăng, nhất là phân bón.

Vận chuyển nông sản gặp khó do công tác kiểm soát qua chốt kiểm dịch, làm kéo dài thời gian, tỷ lệ hư hỏng cao, làm đội giá bán. Kiến nghị ngành y tế tạo điều kiện, thủ tục thuận lợi hơn cho xe vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Bạc Liêu: Giá tôm giảm mạnh, lúa giảm nhẹ

Đầu cầu Bạc Liêu.

Đầu cầu Bạc Liêu.

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu thông tin, hiện nay giá lúa giảm nhẹ, lúa OM5451giảm 100 đồng - 200 đồng/kg. Giá tôm giảm mạnh, giá tôm sú giảm trung bình 25.000 đồng/kg, từ 200.000 đồng nay giảm còn 175.000 đồng/kg (loại 30 con). Tương tự tôm sú, giá tôm thẻ cũng giảm mạnh từ 145.000 đồng/kg còn 125.000 đồng/kg (loại 30 con).

 Giá gà giảm từ 55.000 – 60.000 đồng/kg, giá vịt còn 40.000 – 45.000 đồng/kg.

6h30 sáng 18/7 đã mở lại một số chợ truyền thống

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng.

Đã có những thời điểm người dân rất bức xúc vì hàng hóa cung ứng không kịp do các chợ đầu mối đã dừng hoạt động, chỉ còn các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa. Đối với lực lượng phục vụ cho việc cung ứng hàng hóa cho người dân, mỗi ngày sẽ có 200.000 – 210.000 người hoạt động trong các chợ đầu mối.

Tuy nhiên, những ngày qua chỉ có 2.000 người hoạt động ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Các vùng ven đô xung quanh TP.HCM thực hiện giãn cách nên xảy ra thiếu hụt và đứt gãy nghiêm trọng nguồn lao động.

Bên cạnh đó, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và 3 miền khó khăn, gây hỗn loạn cho khu vực. Nếu không có biện pháp kịp thời thì rất gay go.

Tại chợ đầu mối, việc mua bán ở chợ là cuộc sống của người dân ven đô, nay đóng cửa thì hàng vạn người bị ảnh hưởng. Thông tin thêm, 6h30 sáng 18/7, đã cho mở lại một số chợ truyền thống. Bà con tiểu thương phấn khởi vô cùng.

Từ 6h30 sáng 18/7, một số chợ truyền thống đã được mở cửa trở lại đáp ứng nhu cầu nhân dân. (Ảnh minh họa).

Từ 6h30 sáng 18/7, một số chợ truyền thống đã được mở cửa trở lại đáp ứng nhu cầu nhân dân. (Ảnh minh họa).

Mở lại chợ đầu mối sẽ phải kèm theo những điều kiện. Phòng chống dịch ở chợ thuận lợi hơn siêu thị nếu áp dụng biện pháp 5K, khử khuẩn thường xuyên, tiêm vacxin và xét nghiệm cho tiểu thương.

Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Văn Giang đã cho biết, trong điều kiện thiếu lực lượng thu hoạch nông sản, lực lượng dân quân tại chỗ sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

Bộ trưởng Diên nhấn mạnh, TP.HCM cần đưa rõ đầu mối để các đơn vị có thể hỗ trợ cụ thể hơn. Ngoài ra, nếu lực lượng QLTT của TP.HCM không đủ nhân lực làm nhiệm vụ, Bộ Công Thương sẵn sàng chi viện thêm người từ Hà Nội vào.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - tóm lược những thông tin quan trọng. Theo ông Phương:

- Hàng hóa qua chợ đầu mối 70% không dùng cho TP.HCM mà dùng cho các tỉnh thành trong vùng nên các chợ đầu mối có giá trị liên vùng.

- Năng lực chợ truyền thống chỉ đáp ứng 40-50% sức mua hàng tươi sống của TPHCM, còn lại là các cửa hàng tiện ích, tiện lợi.

- Chúng tôi rất cần các vùng sản xuất được bảo vệ, không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn cho nguồn cung. Điều này dẫn đến việc giá cả gia tăng, như Tiền Giang bầu đã lên 35.000đ/giá. Kiến nghị các địa phương làm đúng công tác phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa.

- Đề nghị Bộ NN-PTNT cung cấp thông tin về nguồn hàng để Bộ Công Thương có thể làm việc với các chợ đầu mối, từ đó phân phối hàng hóa hợp lý.

- Cần lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc, xử lý các đối tượng mua hàng ở trong siêu thị đem ra ngoài bán.

- Đang thiếu khoảng 3 triệu quả trứng/ngày.

***

"Lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trong trạng thái giãn cách theo Chỉ thị 16 và số lượng người bị phong tỏa, cách ly là rất lớn, chưa từng xảy ra. Vì vậy, Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT triệu tập khẩn cuộc họp triển khai nhiệm vụ của 2 ngành để đảm bảo nhiệm vụ không thể thiếu hàng hóa thiết yếu cho người dân", theo lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã quyết định thành lập Tổ công tác Tiền phương về đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo TP.HCM và các tỉnh phía Nam giải pháp cho mở cửa lại hệ thống chợ truyền thống với 3 điều kiện:

Một là, chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả và hàng hoá tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của người dân;

Hai là, thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện 5k, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng...

Ba là, thực hiện tiêm vacxin cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.

Lượng rau ở Đà Lạt (Lâm Đồng) về TP.HCM giảm một nửa so với trước khi TP. HCM thực hiện Chỉ thị 16.

Lượng rau ở Đà Lạt (Lâm Đồng) về TP.HCM giảm một nửa so với trước khi TP. HCM thực hiện Chỉ thị 16.

Theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy do những điểm trung chuyển lớn như chợ đầu mối, chợ truyền thống đã tạm ngưng.

Theo đó, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM cần khoảng 7.000 tấn rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống mỗi ngày. Tuy nhiên, khi ba chợ đầu mối tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch thì hoạt động này gặp nhiều khó khăn. So với nhu cầu của người dân thì lượng thực phẩm bị thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống, không tính thực phẩm chế biến, đồ khô.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Đinh Thế Huynh

Ông Đinh Thế Huynh được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất