| Hotline: 0983.970.780

Thành lập Tổ công tác Tiền phương, đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho miền Nam

Chủ Nhật 18/07/2021 , 07:14 (GMT+7)

Tổ công tác Tiền phương về đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam sẽ theo dõi sát, nắm bắt nhu cầu hàng hoá thiết yếu của người dân.

Ngay trong chiều 17/7, Tổ công tác Tiền phương đã có mặt tại TP. HCM để làm nhiệm vụ.

Ngay trong chiều 17/7, Tổ công tác Tiền phương đã có mặt tại TP. HCM để làm nhiệm vụ.

Trước yêu cầu cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu, đảm bảo cuộc sống của người dân tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã quyết định thành lập Tổ công tác Tiền phương về đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Theo đó, Tổ công tác gồm 27 thành viên do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thành Nam làm Tổ trưởng. 

Ngay trong chiều ngày 17/7, Tổ công tác đã có mặt tại TP. HCM để làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực phía Nam, theo dõi sát, nắm bắt nhu cầu hàng hoá thiết yếu của người dân tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Đồng thời, Tổ công tác sẽ kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý các trường hợp đầu cơ tăng giá trục lợi, tham mưu, thực hiện các biện pháp để giải quyết, đảm bảo cung ứng hàng hoá cho các tỉnh phía Nam.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khuyến cáo TP. HCM và các tỉnh phía Nam giải pháp cho mở cửa lại hệ thống chợ truyền thống với 3 điều kiện:

Một là, chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả và hàng hoá tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của người dân;

Hai là, thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện 5k, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng...

Ba là, thực hiện tiêm vacxin cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.

Trước đó, ngày 15/7, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 của TP. HCM, lãnh đạo UBND Thành phố cho biết để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, TP. HCM đã tổ chức khảo sát và công bố 2.833 điểm bán phân bố rộng trên 23 quận huyện và TP. Thủ Đức; 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa. Đồng thời, triển khai đến các hệ thống phân phối trong cư dân, tranh thủ đến đâu lấp đầy đến đó.

Để đảm bảo lưu thông hàng hóa, TP. HCM đã cấp giấy cho các phương tiện ưu tiên vận chuyển tạo "luồng xanh" cho các xe vận tải vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu với hơn 28.500 xe cho các đơn vị, góp phần đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy do những điểm trung chuyển lớn như chợ đầu mối, chợ truyền thống đã tạm ngưng.

Theo đó, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, TP. HCM cần khoảng 7.000 tấn rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống mỗi ngày. Tuy nhiên khi ba chợ đầu mối tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch, thì hoạt động này gặp nhiều khó khăn. So với nhu cầu của người dân thì lượng thực phẩm bị thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống, không tính thực phẩm chế biến, đồ khô.

Bên cạnh đó, năng suất kho chứa và khả năng vận hành của một số siêu thị cũng có giới hạn. Do đó, Sở Công thương TP. HCM cũng đã triển khai nhiều giải pháp như làm việc với huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức để khai thác các khu vực gần chợ đầu mối thực hiện các biện pháp an toàn.

Chợ đầu mối Thủ Đức tiếp nhận 100 tấn rau củ quả từ các tỉnh về mỗi đêm. Chợ Hóc Môn đang đề xuất xin ý kiến để đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các thương lái ở các chợ đầu mối tiếp tục vận động với phương thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng cho TP. HCM.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.