| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương, Hưng Yên phớt lờ Luật Thủy lợi

Thứ Năm 28/11/2019 , 09:17 (GMT+7)

Ngoài việc cấp phép trái thẩm quyền, UBND các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương còn "làm ngơ" nhiều văn bản xử lý vi phạm công trình thủy lợi...

Thanh tra Tổng cục Thủy lợi kiểm tra khu vực xử lý nước thải của Công ty Kinh Đô miền Bắc.

Hải Dương phớt lờ 2 văn bản của Bộ Công an

Tháng 10/2018, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phát hiện hành vi xả nước thải sinh hoạt ra hệ thống Bắc Hưng Hải, chưa đảm bảo tiêu chuẩn của nhà máy xử lý nước thải Hải Dương (đóng trên địa bàn TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Đây cũng là nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt duy nhất của thành phố Hải Dương. Trung bình mỗi ngày nhà máy này xả ra môi trường 7.000 m3 nước thải, nhưng tại thời điểm kiểm tra, nước thải mới chỉ xử lý cơ học. Trong khi, chất thải phải được xử lý sinh học, khử trùng trước khi xả ra môi trường.

Theo kết quả quan trắc của Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, nước thải của nhà máy có nhiều chỉ số BOD, Colifom vượt gấp 2 lần tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.

Ông Dương Văn Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và ông Nguyễn Anh Cương – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương khẳng định Nhà máy xử lý nước thải Hải Dương làm như vậy là sai. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có văn bản gửi Bộ Công an xin đưa về cho tỉnh Hải Dương xử lý.

Điều đáng chú ý, trong hóa đơn tiền nước hàng tháng, người dân đều phải nộp phí môi trường 10% để các cơ quan chức năng làm việc này. Nhà máy với vốn vay giai đoạn 1 gần 2 triệu Euro của Đức chỉ được xây dựng để vận hành cơ học, gần như không xử lý được các chất hữu cơ thật là một chuyện khó hiểu.

Tại hội nghị triển khai công tác phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 và tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải (diễn ra vào chiều 13/11), ông Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Môi trường (Bộ Công an) cho biết:

“Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chúng tôi đã hai lần gửi văn bản yêu cầu Hải Dương trả lời về việc xử lý sai phạm tại Công ty này, nhưng tỉnh Hải Dương chưa trả lời. Tới đây Cục sẽ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ký tiếp một văn bản yêu cầu tỉnh Hải Dương trả lời về vấn đề này”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thắng, trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị 4 tỉnh/thành gồm Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, TP Hà Nội xử lý dứt điểm tình trạng xả thải ra các công trình thủy lợi.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, 4 tỉnh vẫn không có văn bản trả lời. “Chúng tôi sẽ tổng hợp để quy trách nhiệm cho lãnh đạo các đại phương”, ông Thắng nói.

Phó phòng 6 Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết, thời gian qua, thanh tra chuyên ngành của các sở chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Thậm chí ở địa phương xảy ra vi phạm nhưng thanh tra chuyên ngành không lập biên bản, không kiến nghị xử lý.

Chây ỳ xử lý!

Không chỉ bưng bít thông tin về xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định của Luật Thủy lợi, UBND tỉnh Hải Dương còn cấp 5 giấy phép xả thải trái thẩm quyền ra hệ thống thủy nông liên tỉnh Bắc Hưng Hải.

Công ty Kinh Đô miền Bắc xả thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải khi chưa được Bộ NN-PTNT cấp phép theo quy định của Luật Thủy lợi.

Theo đó, quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ, thẩm quyền cấp phép xả thải ra hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh là thuộc Bộ NN-PTNT.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Hải Dương lại “làm ngơ”, cấp phép xả thải trái thẩm quyền ra hệ thống thủy lợi liên tỉnh Bắc Hưng Hải (gồm 4 tỉnh/thành Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh).

Ngoài tỉnh Hải Dương, Tổng cục Thủy lợi còn phát hiện UBND tỉnh Hưng Yên 52 giấy phép xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị tỉnh Hưng Yên rút toàn bộ giấy phép xả thải trái quy định của pháp luật nêu trên. Nhưng đến nay, tỉnh Hưng Yên vẫn chây ỳ, không thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: “Bộ NN-PTNT kiên quyết rút 57 giấy phép mà UBND tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã cấp trái quy định của pháp luật bằng mọi giá, theo tinh thần thượng tôn pháp luật về Thủy lợi”.

Đại diện Sở NN-PTNT Hưng Yên, khẳng định: Ngày 23/10/2019, Sở NN-PTNT Hưng Yên đã gửi báo cáo số 239 cho Tổng cục Thủy lợi, trong đó ghi rõ việc xả thải vào bất kỳ vị trí nào trong phạm vi phục vụ của hệ thống công trình Bắc Hưng Hải phải được Bộ NN-PTNT cấp phép.

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.