| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt vấn đề nóng được chất vấn tại Quốc hội

Thứ Ba 07/11/2023 , 19:02 (GMT+7)

Ngày 7/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, trưởng các ngành tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Hợp tác xã, sản phẩm OCOP như chim sẻ cần ấp ủ

Sau phiên trả lời chất vấn ngày 6/11, sáng 7/11, tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu về các vấn đề phát triển hợp tác xã, sản phẩm OCOP…, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Về phát triển Hợp tác xã, đến thời điểm hiện tại đã có gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp so với mục tiêu 25.000 hợp tác xã vào năm 2025.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hợp tác xã, sản phẩm OCOP như chim sẻ cần ấp ủ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hợp tác xã, sản phẩm OCOP như chim sẻ cần ấp ủ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Luật Hợp tác xã được thông qua, đã có một sự chuyển biến lớn về mặt nhận thức và yêu cầu ở các địa phương. Lãnh đạo nhiều địa phương đã đưa vào xây dựng các kế hoạch triển khai Nghị quyết 20. Có rất nhiều cơ chế, chính sách cho HĐND các địa phương để hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hợp tác xã. Điển hình như Bắc Kạn, dù không phải là một tỉnh giàu có, nhưng chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã nông nghiệp đã truyền cảm hứng cho các địa phương khác. Tương tự ở Sơn La, Hà Nam, Hậu Giang và nhiều địa phương khác. Kể từ khi Luật Hợp tác xã được thông qua, Bộ NN-PTNT cũng đã phân loại các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao chất lượng quản trị, đa dạng hóa dịch vụ, xúc tiến thị trường, ứng dụng công nghệ nông nghiệp...

Về các sản phẩm OCOP, thống kê của Bộ NN-PTNT đến thời điểm này cả nước có khoảng 10.000 sản phẩm. Quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, OCOP hiểu đúng nghĩa trong tiếng Việt là “mỗi làng một sản phẩm”. Điều đó có nghĩa là một sản phẩm phải là của làng, của một cộng đồng. Bộ NN-PTNT cũng sẽ hướng dẫn cho các địa phương làm sao để sản phẩm OCOP thực sự kết tinh từ tài nguyên bản địa đến công nghệ, kỹ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp để tạo ra sản phẩm.

Bộ trưởng lưu ý các địa phương, tạo ra một sản phẩm đã khó, nhưng để đưa sản phẩm ấy ra thị trường càng khó hơn và để sản phẩm ấy tồn tại trong thị trường bền vững càng khó hơn. Từ một sản phẩm tồn tại trong thị trường đến một sản phẩm được tối ưu hóa giá thành, tạo ra sinh kế cho cộng đồng, trở thành một khu vực kinh tế nông thôn cùng hợp tác xã đòi hỏi quyết tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương.

“OCOP của các địa phương có thể coi giống như những chú chim sẻ, chúng ta phải ấp ủ để chim sẻ đủ lớn, đủ mạnh để từ đó có cơ hội thu hút đầu tư bên ngoài. Chúng ta sẵn sàng tận dụng cơ hội được đầu tư khi chúng ta có nền tảng là những con chim sẻ ở địa phương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Chất vấn loạt vấn đề nóng xã hội quan tâm

Cùng ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề nóng xã hội quan tâm.

Trả lời đại biểu về vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 là chủ trương lớn, là việc khó, đòi hỏi quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Qua tổng rà soát, cả nước hiện có 58 địa phương phải tiến hành rà soát 33 đơn vị hành chính cấp huyện, hàng ngàn đơn vị hành chính cấp xã.

Cho rằng đây là một khối lượng công việc rất lớn, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh hơn lúc nào hết, cần tập trung tuyên truyền để thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, trong các tầng lớp nhân dân để quyết tâm tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đến thời điểm này đã có 48 trong số 58 địa phương thuộc diện sắp xếp lại gửi phương án về Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương còn lại khẩn trương gửi phương án để các Bộ có ý kiến, tiến tới nhanh chóng xây dựng đề án cho việc sắp xếp này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: QH.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: QH.

Trả lời chất vấn của đại biểu về thực trạng thông tin cá nhân như số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân bị lộ lọt dẫn đến thực trạng bị làm phiền, lừa đảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay rất nghiêm trọng, dẫn đến tội phạm có thể xâm nhập, đánh cắp các dữ liệu cá nhân. Trong năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng triệu vụ việc có liên quan đến xâm nhập vào các cơ sở dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên cũng có vấn đề là ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ dữ liệu cũng chưa cao, có người sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác, cho các doanh nghiệp. Về chế tài, giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong năm 2024 sẽ đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân đề cập đến sai phạm tại dự án Đại Ninh (Lâm Đồng), trong đó có vấn đề thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết luận thanh tra, trách nhiệm người đứng đầu của Tổng Thanh tra Chính phủ…

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: QH.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: QH.

Trả lời nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Dự án Đại Ninh sau này được xác định liên quan đến việc chuyển tiền của Ngân hàng SCB và vụ án đang được cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Trong vụ này, một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ đã bị khởi tố điều tra, bắt tạm giam, chủ yếu về hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vụ việc có những liên quan vụ án khác, có sai phạm của cán bộ Thanh tra Chính phủ hiện đã tạm giam, khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết về trách nhiệm của mình, Thanh tra Chính phủ đã lãnh đạo chỉ đạo và buộc thôi việc các công chức liên quan đến vụ án và khai trừ khỏi Đảng, xác định có trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc như vậy và thông tin thêm hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành xem xét, xử lý vụ việc, khi kết thúc vụ án sẽ xem xét.

Phân cấp phân quyền không đồng bộ thì không ai dám làm

Cuối phiên thảo luận chiều 7/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trả lời, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn. Theo Phó Thủ tướng, có bốn nhóm vấn đề muốn giải trình, làm rõ với các đại biểu Quốc hội.

Vấn đề thứ nhất là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng nhận thấy, có hai từ được nhắc đến nhiều nhất là “chậm” và “chưa”. "Trách nhiệm này thuộc về Chính phủ và các Bộ trưởng phụ trách các Bộ, ngành được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo, chứ không chỉ riêng Bộ Tư pháp. Các đại biểu đã đưa ra thông số rất giật mình, như: có đến hơn 60% văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành sau ngày luật có hiệu lực. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm và cố gắng khắc phục trong thời gian tới", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: QH.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: QH.

Vấn đề thứ hai là phân cấp phân quyền. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng đang gặp vướng mắc, nhất là ở các quy định chuyên ngành, nếu không đồng bộ lại đụng xung đột pháp lý, không ai dám làm. Hơn nữa, ở nơi này, nơi khác, cơ quan này, đơn vị khác cũng còn hiện tượng không muốn phân cấp, vẫn muốn “ôm”, nếu không phải vì lợi ích, thì đâu đó cũng sợ mất đi quyền lực của mình.

Vấn đề thứ ba là hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Nêu thực tế bối cảnh hiện nay, nhiều người có trách nhiệm nhưng lại né tránh đùn đẩy công việc, Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan đã nỗ lực đưa ra hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Sau thời gian dài, đến tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 với ba nội dung lớn là tôn vinh, khen thưởng; có cơ hội thăng tiến tốt hơn cho cán bộ và cuối cùng là bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, vấn đề "bảo vệ" cán bộ xung đột với các quy định hiện hành, đòi hỏi phải sửa luật.

Vấn đề cuối cùng, Phó Thủ tướng chỉ ra thực tế trong bất kỳ báo cáo nào đều có câu "tổ chức, thực hiện vẫn là khâu yếu". Như vậy, để khắc phục điều này đòi hỏi cấp trên phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.

Xem thêm
Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.