| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 28/07/2015 , 06:23 (GMT+7)

06:23 - 28/07/2015

Hãy học Putin!

Sau 3 năm thực hiện tinh giản biên chế, số người ăn lương từ ngân sách Nhà nước giảm được 28.000 người, nhưng lại… tăng thêm 69.000 người. Vì sao việc giảm biên chế ở ta khó khăn đến vậy?

Ngày 25/7, Tổng thống Nga Putin đã ký quyết định sa thải 110.000 nhân viên của Bộ Nội vụ Nga. Theo các nhà bình luận, thì động thái trên của vị đứng đầu Điện Kremlin nằm trong chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu của Chính phủ nhằm đối phó với thời kỳ khó khăn về kinh tế.

110.000 chứ không phải 1.000; 2.000. Đằng sau con số đó phản ánh tính quyết đoán, mạnh tay của người lãnh đạo đất nước. Việc sa thải số lượng lớn nhân viên trên chắc chắn không làm cho công việc của Bộ Nội vụ Nga kém hiệu quả đi, mà trái lại, có thể còn hiệu quả hơn.

Từ con số trên, nhìn về nước ta mà thấy buồn. Bộ máy hành chính của ta hiện đã quá cồng kềnh.

Nước Mỹ có 315 triệu dân mới có 2,1 triệu công chức, trong khi ở ta, với 90 triệu dân, ta có tới 2,8 triệu công chức, trong số đó có nhiều người không làm được gì, có cũng được mà không có cũng không sao.

Việc có một bộ máy cồng kềnh, khiến cho việc chi thường xuyên chiếm tới trên 70% ngân sách, đã nhiều lần được đặt ra trên bàn nghị sự của Quốc hội. Và Chính phủ đã hơn một lần ban hành nghị định về việc tinh giản biên chế, gần đây nhất là Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về tinh giản biên chế, nhưng tình hình vẫn chưa biến chuyển được là bao.

Chỉ tiêu đề ra cho Bộ Nội vụ là từ năm 2014 đến năm 2020 phải giảm được 100.000 biên chế, đã được Bộ Nội vụ trả lời rằng “Giảm bằng cách... không tăng thêm”.

Thông tin trên báo chí cho thấy, sau 3 năm thực hiện tinh giản biên chế, số người ăn lương từ ngân sách Nhà nước giảm được 28.000 người, nhưng lại… tăng thêm 69.000 người. Vì sao việc giảm biên chế ở ta khó khăn đến vậy?

Thứ nhất, vì những người không làm được việc trên, tuy không làm được việc nhưng họ cũng… không mắc khuyết điểm gì. Và cuối mỗi năm họ vẫn là lao động tiên tiến (tỷ lệ lao động tiên tiến hàng năm trong các cơ quan thường chiếm đến 99,9%). Chính đây là hai “miếng võ” mà họ dùng để đối phó với việc giảm biên. Bởi không mắc khuyết điểm, lại là lao động tiên tiến, thì không lý do gì mà giảm biên họ được.

Thứ hai, không ít kẻ trong số họ đã dùng tiền để “chạy” vào các cơ quan Nhà nước. Đã dùng tiền, thì những kẻ đã nhận tiền của họ để đưa họ vào phải có trách nhiệm “bảo kê” cho cái ghế của họ trong guồng máy cơ quan. Sa thải họ, họ tố cáo thì kẻ nhận tiền cũng đổ. Chính vì vậy mà cái ghế của họ trong cơ quan vô cùng vững chắc. Ngay cả khi bị báo chí phát hiện là dùng bằng giả, và việc xác minh cho thấy đúng, họ cũng chẳng hề hấn gì, cùng lắm là bị khiển trách qua loa.

Chính đó là lý do khiến việc giảm biên của ta mãi không thể nào thực hiện được.

Để giải quyết vấn nạn này, chỉ còn một cách là mạnh tay, kiên quyết. Đánh giá năng lực thực tế của mỗi người và sa thải thẳng cánh những người không làm được việc. Bất kể họ là ai, có mắc khuyết điểm hay không, có đạt lao động tiên tiến hay không, và vào cơ quan bằng con đường nào.

Chỉ có cách ấy, thì bộ máy mới tinh nhuệ, hiệu quả, mới giảm được chi thường xuyên, dành được số tiền đã dư ra đó để đầu tư công, trả nợ nước ngoài và tăng lương xứng đáng cho những người tận tâm tận lực, làm việc hiệu quả.

Hãy học Putin!