Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) với lỗi không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập theo quy định.
Quyết định của UBCKNN nêu rõ, Hòa Phát bị xử phạt vì đến thời điểm tháng 5/2024, Hòa Phát có 9 thành viên HĐQT nhưng chỉ có 2 thành viên HĐQT độc lập, không đảm bảo số lượng thành viên HĐQT độc lập theo quy định.
Cụ thể, Hòa Phát bị phạt tiền 112,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP); được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.
Đáng chú ý, trước đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Hòa Phát vào giữa tháng 4 vừa qua, cơ cấu HĐQT của Hòa Phát không hề có thành viên HĐQT độc lập.
Và chỉ đến ĐHĐCĐ thường niên 2024, Hòa Phát mới thông qua bổ sung 2 thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ này là ông Đặng Ngọc Khánh và ông Chu Quang Vũ, nâng tổng số thành viên HĐQT lên 9 người, do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT.
Theo báo cáo thường niên 2023, HĐQT của Hòa Phát ngoài Chủ tịch Trần Đình Long còn có các ông Trần Tuấn Dương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Doãn Gia Cường, Hoàng Quang Việt, Nguyễn Việt Thắng và Nguyễn Ngọc Quang.
Số lượng thành viên HĐQT như trên đã được Hòa Phát duy trì trong suốt hai năm trước đó (2021- 2022) và không có thành viên HĐQT độc lập. Vấn đề này cũng đã được các cổ đông Hòa Phát chất vấn tại các kỳ ĐHĐCĐ.
Trước thực tế này, tháng 5/2022, Hòa Phát cũng đã từng bị UBCKNN xử phạt với lỗi tương tự, khi không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT độc lập.
Theo bà Trần Anh Đào - Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), mặc dù vai trò của thành viên HĐQT độc lập đã được nêu rõ trong Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán nhưng theo thống kê của HOSE (năm 2023), có hơn 40 doanh nghiệp trên sàn chưa đáp ứng đủ theo quy định về thành viên HĐQT độc lập, theo Nghị định 155.
Đồng thời, với doanh nghiệp có thành viên HĐQT độc lập thì các cá nhân này cũng chưa thể hiện được rõ nét vai trò trong quá trình xây dựng nội dung trình ĐHĐCĐ. Nhất là phần báo cáo hoạt động của từng thành viên HĐQT; hay tự đánh giá về hoạt động của bản thân thành viên HĐQT độc lập và đánh giá của thành viên HĐQT độc lập về hoạt động HĐQT vẫn chưa được phổ biến.
Bà Anh Đào cho rằng vai trò chưa rõ nét của thành viên HĐQT độc lập chính là rào cản để chuyển đổi và thực thi mô hình quản trị tốt với ủy ban kiểm toán. Bởi chủ tịch ủy ban kiểm toán được khuyến nghị là thành viên HĐQT độc lập - cần báo cáo trước ĐHĐCĐ các thông tin về doanh nghiệp theo phạm vi và chức trách của mình.
Còn theo ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), khi cơ cấu thành viên HĐQT độc lập trong doanh nghiệp niêm yết chưa được đầy đủ thì sẽ khó đảm bảo tính thực thi giám sát của HĐQT trong điều hành công ty. Đặc biệt là trước những mâu thuẫn về lợi ích của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt, với trường hợp cụ thể của Tập đoàn Hòa Phát, ông Long cho rằng việc doanh nghiệp thà bị phạt chứ không muốn hay chậm trễ có thành viên HĐQT độc lập cũng phần nào cho thấy - ở Việt Nam hiện nay, tâm lý chung là ông chủ muốn đóng vai trò quan trọng chi phối thay vì sự ảnh hưởng, đóng góp đúng mức của các thành viên HĐQT theo thông lệ.