Họa sĩ Nguyễn Công Hoài sinh năm 1984 tại Quảng Trị, là một trong những gương mặt họa sĩ đương đại nổi bật. Họa sĩ Nguyễn Công Hoài từng dùng nghệ danh Alan Nguyễn tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên “Những người quanh tôi” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, vào tháng 7/2015.
Lần này, họa sĩ Nguyễn Công Hoài tái ngộ công chúng mỹ thuật bằng triển lãm cá nhân “Đi biển có đôi” với 40 tác phẩm, được chia làm hai địa điểm, 20 tác phẩm trưng bày tại Alpha Art Station (271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP.HCM từ ngày 2/3/2023) và 20 tác phẩm trưng bày tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (199 Nguyễn Hoàng, phường An Phú, TP. Thủ Đức từ ngày 7/3/2023).
Triển lãm tại phòng tranh là điều bình thường, còn triển lãm tại bệnh viện là do nguyên cớ gì? Rất đơn giản, “Đi biển có đôi” kể về hành trình thai nghén của người phụ nữ qua những lần “vượt cạn”. Họa sĩ Nguyễn Công Hoài đã vẽ chính người vợ và những đứa con của mình trong suốt 7 năm qua.
Mỗi bức tranh cho người xem bắt gặp những cung bậc cảm xúc khác nhau trong hành trình “đi biển” khó khăn của người phụ nữ. Niềm hạnh phúc hân hoan hiện diện trong bức tranh “Kết trái”, những mệt mỏi trong bức “Lạnh”, nỗi cô đơn trong bức “Một mình”…Có thể nói, những ai là phụ nữ và từng trải qua thời gian mang nặng đẻ đau sẽ như thấy hình bóng mình phản chiếu trong loạt tranh đặc biệt này.
Với tư cách giám tuyển cho triển lãm “Đi biển có đôi”, nhà nghiên cứu Lý Đợi đánh giá: “Đây là sự chọn lọc của nhiều năm tháng vẽ về gia đình, giống như của để dành. Nguyễn Công Hoài từng nói vui, nhưng mà thật, khi không biết vẽ gì thì vẽ vợ con, chứ đã ra xưởng rồi, mà không vẽ gì, nó phí một ngày. Phát biểu này cho thấy Nguyễn Công Hoài đã xác định cho mình sự chuyên tâm, như cái cây mỗi ngày mỗi lớn, tới lúc là phải đơm hoa kết trái.
Không câu nệ hiện thực. Lâu lâu vẽ một bức, ban đầu còn không có ý định làm triển lãm, vì không nghĩ sẽ vẽ được nhiều, lên đến 40-50 bức như hiện nay. Chính vì vậy, đa số tranh trong “Đi biển có đôi” không bị khu biệt vào chuyện riêng của một gia đình cụ thể, mà nó trở thành không khí thân thuộc của bất kỳ gia đình nào đang trong thai kỳ, đang chăm con nhỏ. Nói cách khác, dù vẽ vợ con, nhưng họa sĩ Nguyễn Công Hoài đã điển hình hóa chuyện riêng thành chuyện phổ biến, không bắt người xem miễn cưỡng chia sẻ chuyện nhà mình”.
Họa sĩ Nguyễn Công Hoài tự học, mấy năm nay đã sống khá trọn vẹn với nghề và nghiệp. Sự tiến bộ về kỹ thuật biểu hiện của họa sĩ Nguyễn Công Hoài có thể làm nhiều họa sĩ trường lớp, cùng trang lứa, thấy giật mình. Chọn chủ đề là vợ con và những người thân thuộc, bình thường xung quanh, nhưng cách tiếp cận lại không theo hướng lãng mạn, đèm đẹp, mà như vẽ là sự truy vấn, phơi bày.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (Tổng Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) chia sẻ: “Bắt nguồn từ ý tưởng mong muốn mang đến một món quà tinh thần dành cho những người phụ nữ đã, đang và sắp làm mẹ, Bệnh viện Quốc tế Mỹ lần đầu hợp tác với họa sĩ Nguyễn Công Hoài và phòng tranh Alpha Art Station để cùng trưng bày bộ tranh Đi biển có đôi. “Có đôi” là bởi cùng thấu hiểu những vất vả, tự nguyện gắn bó và trao trọn yêu thương.
“Người xưa có câu “Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”, là một người phụ nữ, là một người mẹ và hơn hết là một người đứng đầu một đơn vị chăm sóc y tế, tôi thấu hiểu từng nổi vất vả, ít nhiều sự đơn độc, tự thân gánh vác mà không ai có thể san sẻ nhưng cũng hết sức thiêng liêng”.
Không chỉ với “Đi biển có đôi”, mà triển lãm lần nào thì họa sĩ Nguyễn Công Hoài cũng vẽ những điều thân thuộc, gần gũi ở chung quanh. Những triển lãm thành công trước đây của anh có thể kể đến “Nghe những tàn phai”, “Những ngày không mơ mộng”, “Mặt”…