Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021. Sự kiện diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Tháp tùng Tổng thống Biden có các quan chức cấp cao như Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Đặc phái viên về Khí hậu của Tổng thống John Kerry và Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Biden sẽ có các cuộc hội đàm, gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết. Hai nước sẽ rà soát lại quan hệ Đối tác toàn diện và đề ra định hướng cho thời gian tới.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá sự kiện này "rất đặc biệt", do đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Thứ trưởng, chuyến thăm của Tổng thống Biden cho thấy hai bên đều rất coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại của mình và trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
"Chuyến thăm thể hiện Mỹ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và của lãnh đạo Việt Nam", Thứ trưởng nhận định.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam "mang tính lịch sử", phản ánh quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai lãnh đạo và cho thấy "sự trân trọng mà chúng tôi muốn thể hiện với Tổng Bí thư".
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là lĩnh vực chiếm ưu tiên cao trong quan hệ song phương. Mỹ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Tăng trưởng thương mại hai nước tăng từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 123 tỷ USD năm 2022.
Lũy kế đến năm 2023, Mỹ đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam với khoảng 1.200 dự án, tổng vốn gần 11,4 tỷ USD. Việt Nam đang có 230 dự án đầu tư tại Mỹ, tổng vốn đăng ký 1,26 tỷ USD.