Trong 2 ngày 10-11/9, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua giữa 2 quốc gia, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) để làm rõ hơn về vấn đề này.
Thương mại nông nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua đã có những tăng trưởng vượt trội và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden là dấu mốc mới trong quan hệ song phương, những tiến triển trong quan hệ ngoại giao nói chung sẽ tạo điều kiện cho hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển, vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển thương mại nông sản giữa 2 nước trong thời gian tới?
Hoa Kỳ mặc dù là quốc gia sản xuất nông sản lớn nhưng đồng thời cũng là quốc gia tiêu dùng và nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Với dân số 338 triệu người, hằng năm Hoa Kỳ nhập khẩu trên 200 tỷ USD các loại nông lâm thủy sản để đáp ứng nhu cầu trong nước. Các sản phẩm Hoa Kỳ nhập khẩu lớn là cà phê, ca cao, rau quả tươi và chế biến, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Hoa Kỳ luôn nằm trong nhóm thị trường lớn nhất của Việt Nam nói riêng và ngành nông sản nói chung. Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ năm 2022 đạt khoảng 13 tỉ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 6,7% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của Hoa Kỳ, do vậy tiềm năng để Việt Nam mở rộng thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn.
Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2022 là: thủy sản đạt 2,1 tỷ USD (tăng 4%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,67 tỷ USD (giảm nhẹ 1%), điều 842 triệu USD (giảm 19%). Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu vừa phải nhưng tăng trưởng xuất khẩu lớn như rau quả đạt 247 triệu USD (tăng 11,2 %), hạt tiêu 282 triệu USD (tăng 23,2%), gạo đạt 18 triệu USD (tăng 58%).
Trong năm qua, Bộ NN-PTNT đã đón nhiều đoàn cấp cao của Hoa Kỳ vào làm việc như đoàn Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ, Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), 2 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, 2 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Thống đốc các bang Nebraska, California…
Điều này thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong hợp tác nông nghiệp với Hoa Kỳ. Đồng thời với các cuộc tiếp xúc song phương là một loạt các hoạt động trao đổi, đàm phán, sự thấu hiểu và phối hợp hoạt động giữa 2 bên, xây dựng lòng tin đối tác và là nền tảng rất quan trọng cho thúc đẩy hợp hợp tác nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa. Với chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Biden sang Việt Nam, quan hệ hai nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới, tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác song phương giữa 2 nước nói chung và ngành NN-PTNT nói riêng.
Để khai thác tiềm năng từ thị trường Hoa Kỳ, Bộ NN-PTNT đã và đang nghiên cứu các cơ hội và áp dụng các giải pháp hữu hiệu và tổng thể nhằm nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh và thị phần của các ngành hàng nông lâm thủy sản Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng sinh thái, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, hỗ trợ kết nối nông dân, tổ nhóm nông dân/hợp tác xã với chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tăng thu nhập cho người sản xuất. Xây dựng thương hiệu nhà xuất khẩu nông lâm thủy sản có trách nhiệm - minh bạch – bền vững, làm cơ sở cho xây dựng thương hiệu nông lâm thủy sản Việt Nam trên toàn cầu.
Bên cạnh trao đổi thương mại, hợp tác về đào tạo, công nghệ trong nông nghiệp cũng là những lĩnh vực được cả Việt Nam và Hoa Kỳ cùng quan tâm, vậy theo ông, qua chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden, 2 nước sẽ có thêm những bước tiến gì trong những hợp tác này?
Bộ NN-PTNT chủ động trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất và hiệu quả với các đối tác Hoa Kỳ nói chung và đặc biệt Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về các lĩnh vực Chăn nuôi, Thú y, Lâm nghiệp, Thủy sản, Phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden sẽ giúp thúc đẩy nâng tầm quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên toàn diện các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, ứng phó với biến đối khí hậu… trong nông nghiệp.
Thứ nhất, việc cùng nhau thúc đẩy phát triển cơ chế thị trường trong quan hệ thương mại hai nước sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đàm phán thương mại, mở cửa thị trường nông sản, giảm bớt sự khác biệt trong đối xử với các hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, đặc biệt là gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, mật ong.
Thứ hai, đây là cơ hội để thúc đẩy hợp tác tích cực hơn giữa hai bên trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, phòng chống dịch bệnh và biến đổi khí hậu. USAID với tư cách là thành viên của Khung đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người do Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ trì chính phối hợp với 2 Bộ đồng chủ trì (Y tế và Tài nguyên và Môi trường).
USAID đã và đang là một thành viên tích cực trong mọi hoạt động cấp quốc gia và cấp kỹ thuật cho Khung đối tác này 15 năm qua. Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thành lập Nhóm công tác thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua đó hai bên đã tổ chức các cuộc họp về kỹ thuật nhằm đối thoại, cập nhật về chính sách và ưu tiên của mỗi bên, định hướng cho các hình thức hợp tác.
Thứ ba, chuyến thăm của Tổng thống Biden cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa việc triển khai các cam kết và ký kết các văn kiện dự án mới mà phía Hoa Kỳ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp Việt Nam như:
i) Các dự án đang triển khai như “Bảo tồn đa dạng sinh và quản lý rừng bền vững” với tổng kinh phí 25 triệu USD; dự án “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp” với tổng kinh phí 10 triệu USD; dự án “các Chiến lược Chuyển đổi để giảm thiểu nguy cơ đầu ra của trang trại - (TRANSFORM)” với tổng kinh phí 10 triệu USD.
ii) Thỏa thuận tài trợ cho dự án “Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” đã ký tháng 6/2022.
Phía USAID cam kết sẽ tài trợ khoảng 50 triệu USD cho dự án này trong thời gian 5 năm, tập trung vào giảm phát thải khí mê-tan, các-bon trong các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và thích ứng với biến đối khí hậu; Thỏa thuận tài trợ cho dự án “Sử dụng phân bón đúng” với kinh phí trên 4 triệu USD, tập trung vào việc sử dụng phân bón thế hệ mới đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách để giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh để cải tạo đất.
iii) Chuẩn bị ký kết Ý định thư về Chương trình “Việt Nam vì cuộc sống – Thuận thiên cho miền Trung” với WWF Hoa Kỳ với khung hợp tác dài hạn kéo dài đến 20 năm, kinh phí lên đến 300 triệu USD, tập trung giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học, đồng thời mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương tại Trung Trường Sơn - một trong những khu vực có rừng nguyên sinh liền kề lớn nhất châu Á.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Joe Biden là người rất quan tâm đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và giảm phát thải, theo ông, Hoa Kỳ có thể sẽ hỗ trợ Việt Nam thế nào trong quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?
Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của mình một cách có trách nhiệm. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050, cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về sử dụng Rừng và Đất” và một số sáng kiến khác.
Để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, COP27, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến với Hoa Kỳ cùng các nước và các tổ chức quốc tế như: i) Sáng kiến “Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu” (AIM4C); ii) Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG); iii) “Mạng lưới đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm” (FIH); iv) Sáng kiến “100 triệu nông dân: chuyển đổi sang hệ thống lương thực không phát thải và thân thiện với môi trường” của Diễn dàn Kinh tế Thế giới (WEF) và v) Liên minh về “Tăng cường tài chính cho lâm nghiệp” (LEAF).
Trên cơ sở sự thống nhất giữa Bộ trưởng NN-PTNT Việt Nam và Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ, từ tháng 4/2022, chúng tôi đã có các Phiên họp kỹ thuật của Tổ công tác về Biến đổi khí hậu giữa hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác có sự tham gia của các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN-PTNT Việt Nam và đại diện của USDA, USAID, USFS tập trung hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam một số nội dung sau:
- Giảm phát thải trong nông nghiệp: không chỉ giảm phát thải khí Các-bon, mê-tan mà còn kết hợp tăng cường phương thức hấp thụ phát thải các-bon và giữ phát thải dưới lòng đất; Giảm phát thải từ sản xuất lúa sang sản xuất trái cây và cây công nghiệp, phát triển sản xuất xen canh lúa tôm, triển khai sản xuất lúa gạo sử dụng ít nước, ít phân bón; Hỗ trợ tận dụng phụ phẩm về lương thực thực phẩm.
- Trong chăn nuôi: xử lý chất thải trong chăn nuôi và cải thiện khẩu phần ăn cho bò sữa, bò thịt nhằm giảm phát thải.
- Trong lâm nghiệp: Hỗ trợ triển khai Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo vể rừng và sử dụng đất; Hỗ trợ cung cấp các thông tin về thị trường các bon quốc tế; Hỗ trợ các trang thiết bị cũng như các phương pháp đo đạc được phát thải để quản lý, phối hợp với khối tư nhân để bán tín chỉ các-bon tạo nguồn thu nhập cho người dân; và tăng cường và bảo vệ đa dạng sinh học nhằm bảo tồn các khu vườn quốc gia, vùng ven biển.
Hoa Kỳ là thị trường hàng đầu với nông sản Việt Nam nhưng cũng có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng hàng hóa. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để khai thác hiệu quả hơn thị trường này?
Tuy Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm xuất khẩu với nhiều dư địa tăng trưởng cho nông lâm thủy sản Việt Nam song hàng hóa Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa tương xứng với năng lực nội tại cũng như nhu cầu ngày một lớn và phong phú của thị trường này do những hạn chế về chất lượng, hàm lượng chế biến, khả năng đáp ứng những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chi phí vận chuyển, bảo quản hàng hóa, việc thiết lập kênh phân phối, xây dựng thương hiệu.
Trong khi đó, quy định của Hoa Kỳ đối với nông sản nhập khẩu ngày càng khắt khe và chặt chẽ với hàng loạt các quy định như quy định về chất lượng và thủ tục của FDA, sâu bệnh hại trên trái cây và nông sản tươi, quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm của FDA, quy định về kiểm dịch của USDA, quy định về môi trường của EPA về dư lượng thuốc trừ sâu, quy định về ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa, bản quyền, danh mục các mặt hàng được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ của APHIS, quy định về thực vật quý hiếm…
Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa thị trường Hoa Kỳ, ngành nông nghiệp đã định hướng trước tiên việc tổ chức lại sản xuất gắn với nhu cầu, thị hiếu và tiêu chuẩn kỹ thuật của Hoa Kỳ, bao gồm rà soát quy hoạch các vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với phát triển cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ, ưu tiên xây dựng các mô hình chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhập khẩu phía Hoa Kỳ và các doanh nghiệp Việt Nam để chuyển giao công nghệ, giống, kiểm soát chất lượng đáp ứng đúng và đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như chất lượng của thị trường Hoa Kỳ, ưu tiên nguồn vốn khoa học công nghệ cho nghiên cứu cơ bản chọn tạo giống cây trồng vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng các điều kiện của biến đổi khí hậu, đáp ứng các điều kiện về chất lượng, kiểm dịch động thực vật.
Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ. Trước mắt cần rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản tham chiếu các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ; hoàn thiện hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với các nhóm sản phẩm có nhu cầu xuất khẩu nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ để Hoa Kỳ xem xét, đánh giá, công nhận tương đương, mở cửa thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm này.
Và tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, vật nuôi. Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc nông lâm sản; rà soát và xây dựng sổ tay hướng dẫn quy trình sản xuất bền vững, bảo quản, chế biến cho từng ngành hàng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, ATTP của thị trường Hoa Kỳ.
Với tư cách là cơ quan đầu mối quản lý Văn phòng đối tác phát triển nông nghiệp bền vững (PSSAV), Vụ Hợp tác quốc tế sẽ kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, hiệp hội và các bang của Hoa Kỳ để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP) để thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào từng tiểu ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư vào chế biến sâu, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm, phát huy tốt nhất các Sáng kiến đã tham gia với Hoa Kỳ trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát thải thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng sẽ là giải pháp hữu hiệu để xây dựng uy tín và thương hiệu của nông sản Việt khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung.
Thời gian vừa qua, nhiều nông sản của 2 nước liên tiếp được chính thức mở cửa vào thị trường của nhau, xin ông cho biết những mặt hàng tiềm năng của Việt Nam có thể được xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong thời gian tới?
Việt Nam và Hoa Kỳ tích cực đàm phán mở cửa thị trường. Hoa Kỳ là nước xuất khẩu thịt gia cầm lớn nhất vào Việt Nam (chiếm khoảng 34% tổng lượng thịt gia cầm nhập khẩu); xuất khẩu bò lớn thứ hai (sau Úc, chiếm khoảng 16%) và xuất khẩu thịt lợn đứng thứ 6 (chiếm khoảng 5%) trong số các nước xuất khẩu thịt gia cầm, thịt bò và thịt lợn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã mở cửa nhiều loại nông sản cho Hoa Kỳ như các loại quả tươi (anh đào, lê, nho, táo, cam và việt quất) và nhiều loại giống cây trồng.
Đồng thời, Hoa Kỳ cũng mở cửa cho nhiều sản phẩm của Việt Nam (gồm thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài và bưởi). Gần đây nhất, ngày 7/8/2023, Hoa Kỳ đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp để phê duyệt việc nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam.
Chúng ta cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy một số sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong thời gian gần đây như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản; đồng thời tích cực mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi phân phối với các sản phẩm tiềm năng như cây công nghiệp, rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ.
Tăng cường kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam với các cảng nhập khẩu, chuỗi logistics nông sản lớn, hệ thống phân phối và các hiệp hội ngành hàng Hoa Kỳ. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, địa phương Việt Nam trực tiếp với các địa phương có tiềm năng và nhu cầu thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản với Việt Nam.
Một số mặt hàng cụ thể có thể quan tâm gồm:
- Gỗ và sản phẩm gỗ: Tập trung vào sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như: đồ nội thất bằng gỗ, đồ nội thất phòng khách, phòng ăn và đồ nội thất phòng ngủ;
- Thủy sản: Thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm cá ngừ, mực và bạch tuộc, các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có thương hiệu (tôm, cá da trơn, cá rô phi) và các sản phẩm chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng của thị trường Hoa Kỳ;
- Hạt điều: Tiếp tục tập trung mở rộng thị phần hạt điều nguyên liệu cung ứng vào thị trường Hoa Kỳ, và tìm cơ hội xúc tiến thương mại cho sản phẩm điều chế biến.
- Hồ tiêu: Chú trọng phát triển sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu từ hồ tiêu và đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm có thành phần của hồ tiêu; từng bước xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.
- Cà phê: Tiếp tục mở rộng thị phần cung ứng cà phê nguyên liệu vào thị trường Hoa Kỳ bằng nguồn nguyên liệu chất lượng cao; Nâng cao năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm cà phê chế biến, đặc biệt là cà phê hòa tan có sử dụng Robusta đang có xu hướng tiêu thụ tốt tại thị trường Hoa Kỳ.
- Rau quả: Tiếp tục đàm phán mở cửa cho các loại rau quả tươi Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, chanh leo, bơ, dừa, măng tây… và các sản phẩm chế biến như bột rau quả, đóng hộp, nước ép…