| Hotline: 0983.970.780

Hơn 230 tỷ USD kiều hối đã được người Việt ở nước ngoài gửi về

Thứ Năm 22/08/2024 , 13:36 (GMT+7)

Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.

Thủ tướng chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4. Ảnh: Nhật Bắc.

Sáng 22/8/2024, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tổ chức phiên Khai mạc “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4” và “Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và 600 đại biểu trong và ngoài nước gồm đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và hơn 400 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước tham dự Chương trình.

Chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, qua 3 lần tổ chức (năm 2009, 2012, 2016), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự trở thành “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài.

Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật.

Minh chứng rõ ràng là, hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực như căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.

Khái quát về sự phát triển lớn mạnh về số lượng, vị thế và vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm qua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Tiêu biểu, trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.

Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

“Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu.

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đây là dịp để chúng ta cùng rút ra kinh nghiệm, bài học quý báu để đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con.

Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” với nhiều điểm mới và kỳ vọng. Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài".

Đây là chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand tháng 3/2024, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo…

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều đề xuất xây dựng, phát triển đất nước và cộng đồng

Phát biểu về những nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ban ngành và địa phương, nhân dân trong nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tin tưởng, tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước; mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước.

Ông Hoàng Đình Thắng đề xuất cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội; mở rộng việc cho phép các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước…

Về việc hỗ trợ cộng đồng, ông Hoàng Đình Thắng đề nghị, thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài.

Phát biểu tại Phiên Khai mạc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ.

Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhấn mạnh việc thu hút nhân tài, nhất là thế hệ trẻ từ cộng đồng kiều bào, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất, Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên kiều bào về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép). Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các kiều bào trẻ có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước…

Về hoàn thiện môi trường đầu tư, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục; cần xem xét cơ chế một cửa dành cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

Xem thêm
Khai mạc Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống huyện Lai Vung

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống nhằm ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi, những bàn tay tài hoa chăm chỉ miệt mài của người dân Lai Vung nghĩa tình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự 'Tết sum vầy' với công nhân tại Hải Phòng

Chiều 16/1, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã dự 'Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng' tại Hải Phòng do Liên đoàn Lao động, UBND, Mặt trận Tổ quốc TP phối hợp tổ chức.

Về 'đại công xưởng' vàng mã đất Bắc dịp Tết ông Công ông Táo

Làng Song Hồ, Bắc Ninh, không chỉ nổi tiếng với tranh Đông Hồ mà còn là 'đại công xưởng' vàng mã lớn nhất cả nước, nhộn nhịp sản xuất mỗi dịp Tết âm lịch.