| Hotline: 0983.970.780

Hợp sức 'lót ổ cho chim sẻ'

Thứ Ba 19/10/2021 , 19:24 (GMT+7)

Nhìn vào bức tranh tổng thể, HTX tạo ra những giá trị nền tảng cho nhiều chuỗi ngành hàng, huy động được sức mạnh cộng đồng, và tạo ra nguồn lực đa chiều.

Tăng mạnh số lượng

Sáng 19/10, Bộ NN-PTNT phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, và một số Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến "Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp".

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Báo cáo kết quả đạt được, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác & Phát triển nông thôn cho biết, hiện 97,7% các HTX nông nghiệp đăng ký lại và chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong vòng 20 năm qua, 4.500 HTX yếu kém được giải thể, sáp nhập; thành lập mới 14.500 HTX nông nghiệp, đưa tổng số HTX nông nghiệp trên cả nước đạt 18.000.

Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho phát triển kinh tế tập thể, HTX trong 20 năm vào khoảng 8.180 tỷ đồng, trong đó tập trung nhiều ở giai đoạn từ 2013-2021. Trong đó, ngân sách trung ương chiếm 52%. Từ năm 2018 đến nay, 858 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc ở HTX.

Về thành phần lao động, cả nước có khoảng 3,23 triệu thành viên trong HTX. Trung bình, một HTX nông nghiệp có 176 thành viên. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp khoảng 550.000 người, tăng 94.000 so với năm 2002. Trong đó, lao động là thành viên HTX chiếm 47%.

Tính đến năm 2021, cả nước có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX, và khoảng 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tương ứng 13% và 12% tổng số. Đặc biệt, có 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5%, cao gấp 4-5 lần so với trước năm 2015.

Về hiệu quả hoạt động, mỗi HTX nông nghiệp cung cấp từ 7-16 dịch vụ, góp phần tăng thu nhập trung bình của hộ thành viên thêm 20%. Trong hơn 5.000 sản phẩm OCOP cả nước, có 39% số sản phẩm thuôc về các tổ hợp tác, HTX. Tổng vốn hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện khoảng 29.425 tỷ đồng, bình quân mỗi HTX là 1,61 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu bình quân mỗi HTX là 2,44 tỷ đồng, cao gấp 5,64 lần so với năm 2001.

Cả nước có khoảng 18.000 HTX nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cả nước có khoảng 18.000 HTX nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 13 và Luật HTX năm 2012, ông Lê Đức Thịnh nói: "Việc triển khai trong thực tế góp phần thay đổi nhận thức của người dân về tính cấp thiết của phát triển HTX. Chúng ta cần xác định, kinh tế tập thể, HTX là trụ cột để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn".

Nhằm tiếp tục phát huy kết quả, ông Thịnh đề xuất tập trung vào 3 giải pháp chính trong thời gian tới: (1) Đẩy mạnh đào tạo, thu hút cán bộ trẻ. (2) Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao, gắn phát triển HTX với chuỗi giá trị nông sản. (3) Nâng cao năng lực của HTX để thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng và phát triển các cụm ngành, vùng nguyên liệu có liên kết và quản trị chất lượng cao.

Dù có nhiều mặt được, Cục trưởng Lê Đức Thịnh thừa nhận, phát triển HTX trong giai đoạn qua còn những hạn chế. Ông chỉ ra một số điểm cần sửa đổi như: Quy định về tỷ lệ tối đa HTX được cung ứng ra bên ngoài; quy định về thành viên và thành viên liên kết của HTX; các doanh nghiệp liên kết hiệu quả với dịch vụ chế biến còn ít; công tác giám sát, kiểm toán hoạt động của HTX chưa được thực hiện đầy đủ.

Ông Thịnh kiến nghị Trung ương, Bộ Chính trị ban hành mới nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Tập trung phát triển nhân lực

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết số 13, Luật HTX năm 2012 là rất kịp thời, giúp cởi trói mô hình HTX, đồng thời tạo động lực phát triển cho kinh tế tập thể, trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Với chủ trương, đổi mới, thích ứng với những thách thức hiện tại như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, chính sách đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cho HTX là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong thời gian tới. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 340, hỗ trợ đưa cán bộ về HTX, giúp quản trị, xây dựng kế hoạch sản xuất, tạo điều kiện phát triển lâu dài cho mô hình này.

"Trình độ cao đẳng, đại học khi về HTX có thể làm kế toán trưởng, kiểm soát, thậm chí phó giám đốc, nhưng chưa chắc quản trị được HTX. Cách thức hoạt động của HTX là đồng sở hữu, và rất đông xã viên. Chúng ta cần có chính sách hỗ trợ HTX liên tục, nâng cao hơn nữa nguồn lực, làm sao để những cán bộ có trình độ sau thời gian tích lũy đủ kinh nghiệm, có thể chuyển qua làm quản lý", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Hai vấn đề nữa được lãnh đạo ngành nông nghiệp nhắc tới, trong việc xây dựng mô hình HTX cho tương lai, là đất đai và tài chính.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, HTX là nơi tập trung đất đai hiệu quả nhất, tạo môi trường cho nông dân yên tâm dồn điền đổi thừa bằng nhiều hình thức, tạo ra cánh đồng lớn, để đưa cơ giới, công nghệ cao vào. Về tài chính, doanh thu trung bình hàng năm của HTX là 1,6 tỷ đồng, đủ khả năng hưởng ưu đãi từ các tổ chức tín dụng.

Chính sách đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cho HTX là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong thời gian tới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chính sách đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cho HTX là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong thời gian tới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Chúng ta thường nghe là HTX được vay vốn bình đẳng như các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quản lý, tổ chức sản xuất, cũng như báo cáo hoạt động kinh doanh của HTX còn hạn chế, nên trước mắt, cần cân nhắc việc sử dụng, duy trì quỹ tín dụng nội bộ. Đây là tiền đề cho HTX hoạt động, phát triển, nhất là khi phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống như đợt dịch Covid-19 vừa qua", Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhắc ba định hướng trong phát triển HTX. Một, HTX phải là trung tâm của các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hai, nâng cao nội lực cho HTX, từ quản lý, điều hành, cho tới thu hút nông dân. Ba, phát triển những mô hình đa mục tiêu, đáp ứng ngày càng nhiều hơn nữa nhu cầu nội tại của mỗi thành viên HTX.

HTX tạo ra phúc lợi bền vững cho nông thôn

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của HTX trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Người đứng đầu ngành nông nghiệp ví HTX giống như "chim sẻ" - những loài chim nhỏ ngoài tự nhiên - và đề nghị mọi thành phần trong xã hội luôn trong tâm thế sẵn sàng "lót ổ cho chim sẻ".

"Tôi luôn trăn trở, rằng liệu còn góc nhìn nào khác về HTX hay không, ngoài những vấn đề như năng suất lao động, thu nhập bình quân, đóng góp GDP cho ngành kinh tế. Nếu chỉ so những chỉ số ấy, "chim sẻ" khó so bì với "đại bàng" (doanh nghiệp). Nhưng nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, HTX lại tạo ra những giá trị nền tảng cho nhiều chuỗi ngành hàng, huy động được sức mạnh cộng đồng, và tạo ra nguồn lực đa chiều", Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở vấn đề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải xây dựng, vun đắp, 'lót ổ cho những chú chim sẻ'.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải xây dựng, vun đắp, "lót ổ cho những chú chim sẻ".

Theo Bộ trưởng, cách duy nhất để phát triển HTX là tích cực tìm tòi ra những giá trị mới cho mô hình này. Từ đó, người dân, chính quyền sẽ có tinh thần xây dựng, vun đắp, để "lót ổ cho những chú chim sẻ".

Sau dịch Covid-19, nông thôn và ngành nông nghiệp đón những dòng người trở về từ các thành phố, các khu công nghiệp. Thực tế này đặt ra thêm thách thức cho HTX - mô hình được kỳ vọng là tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn, bao gồm cả cơ hội việc làm, chuyển đổi công nghệ lẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật.

Nhận định đây là "xu thế tất yếu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc thiết thực nhất lúc này là làm thế nào để biến làng quê trở thành nơi đáng sống, tạo tiền đề cho việc đón những dòng người trở về nông thôn không chỉ trong hiện tại mà còn là tương lai 5, 10 năm nữa.

"Bản chất HTX không phải doanh nghiệp, mà giá trị cốt lõi nằm ở tinh thần hợp tác, là tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cho đất nước, địa phương. Xây dựng HTX tạo ra phúc lợi bền vững cho nông thôn, đồng thời giúp nâng cao đời sống cho bà con. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào quy mô kinh doanh của HTX, mà cần phải xoáy sâu vào tính cộng đồng, sự chia sẻ, học hỏi, và kết nối giữa các thành viên HTX, giữa HTX với doanh nghiệp, cũng như khu vực kinh tế ngoài nông thôn. Làm được như vậy mới có thể tạo ra sức mạnh bền vững", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Phát triển HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Bản thân Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn đau đáu về vấn đề này. Ông từng đưa ra nhiều ý tưởng, như xếp sao cho HTX như sản phẩm OCOP, xây dựng nguồn ngân sách riêng hỗ trợ HTX...

Tại Hội nghị ngày 19/10, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ một số đề án đầu tư cho những khu vực phát triển nóng HTX như Tây Nguyên, Tây Bắc… Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị một chương trình đầu tư công, huy động các nguồn lực tài trợ quốc tế, để đầu tư hạ tầng logictics, để HTX có thể sơ chế, tinh chế, nâng cao giá trị thặng dư cho nông sản ngay trong chính HTX.

Phát triển HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phát triển HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm niệm, những dự án tầm vĩ mô như chuyển đổi số, đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo hiểm nông nghiệp, hay nâng cao hàm lượng công nghệ chế biến sẽ không thể thành công nếu không đặt trên nền móng là HTX.

HTX cũng là cách hữu hiệu nhất để ngành nông nghiệp tránh tổn thương, đứt gãy do các tác động bên ngoài như đợt dịch vừa qua, theo Bộ trưởng. Thông qua mối liên kết bền chặt trong lòng HTX, bà con nông dân có thể làm chủ được dòng lưu thông nông sản, đồng thời tích hợp đa giá trị vào từng quả nhãn, quả xoài trên đồng.

"Tôi đi châu Âu, và luôn đặt ra câu hỏi, là tại sao họ vẫn tập trung phát triển HTX. Có lẽ, HTX tại đó được nhìn dưới góc độ xã hội, là nơi để con người tìm đến với tình yêu nông nghiệp, nông thôn, và kích hoạt thêm những giá trị nhân văn, bền vững. Qua buổi hôm nay, tôi hy vọng chúng ta sẽ tạo ra một cột mốc mới cho HTX, trước mắt là khích lệ tinh thần tham gia HTX của bà con. Chỉ khi tất cả cùng quan tâm, cùng vào cuộc, nguồn lực đầu tư vào HTX mới được nâng lên", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, thông tin, những năm gần đây số lượng HTX hiện tăng mạnh ở miền núi phía Bắc. Theo ông Bảo, nguyên nhân là bởi diện tích đất nông nghiệp và dư địa phát triển tại khu vực này còn nhiều. Ngoài số lượng, các HTX hiện có xu hướng phát triển theo chuyên ngành, với số lượng cán bộ trẻ, và doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong HTX tăng nhanh.

Theo thống kê Liên minh HTX, số thành viên trong các HTX trên cả nước mới chiếm khoảng một phần ba tổng số hộ gia đình. Trong khi đó, tại các nước phát triển, gần như 100% số hộ nông dân tham gia vào HTX. Quy mô tổ chức HTX tại các nước này cũng lớn hơn nhiều so với tại Việt Nam, và là nền tảng để đẩy mạnh chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa.

Trong thời gian tới, ông Bảo đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cũng như bản thân các HTX xem xét đưa vào hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thanh niên... giúp gia tăng bản sắc văn hóa, kỷ cương, cũng như kích hoạt các chuỗi liên kết nghề nghiệp.

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.