Một chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam mở đầu với hình ảnh minh hoạ gợi lên nhiều suy nghĩ: cứ một chiếc xe chở nông sản xuất khẩu chạy ra, thì lại có hai chiếc xe chở nông sản nhập khẩu chạy vào.
Chương trình này đã phát cách đây nhiều năm, thực trạng đó giờ đây đã được cải thiện được rất nhiều. Thị trường thế giới đã rộng mở hơn.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tăng nhanh hàng năm. Tuy nhiên, cũng cần đặt ra những câu hỏi có tính nguyên lý để nông sản Việt đi xa hơn, bền vững hơn.
Vì sao nhiều nông sản Việt có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng, nhưng ở chiều ngược lại, nông sản ngoại nhập vẫn giữ ưu thế trên các kệ hàng, từ chợ truyền thống, cửa hàng trái cây đến siêu thị, trung tâm thương mại?
Vì sao nông sản đến kỳ thu hoạch thường dễ rơi vào tình trạng dư thừa, có tính chu kỳ, chứ không chỉ gặp khó vì tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19?
Vì sao điểm hạn chế, có thể được xem là nút thắt lớn nhất của nền nông nghiệp, là sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” đã được nhận diện bao năm nay, nhưng vẫn chưa thể khắc phục?
Phải chăng một bộ phận người tiêu dùng đây đó vẫn thiếu niềm tin vào chất lượng, an toàn, vệ sinh của nông sản Việt? Phải chăng nông sản nhập khẩu được sản xuất với chi phí rất thấp, dù cộng thêm chi phí bảo quản, vận chuyển vài ngàn cây số, vẫn đủ sức cạnh tranh về giá với nông sản nội?
Phải chăng vì sản xuất tự phát, mỗi nhà mỗi cách nuôi trồng nên không đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường? Phải chăng vì thiếu tinh thần liên kết, hợp tác nên câu chuyện sản xuất quy mô lớn, chất lượng đồng đều, tối ưu chi phí, tạo dựng thương hiệu vẫn nằm yên trong các bảng kế hoạch?
“Lời nguyền” về “chi phí cao, chất lượng kém” chỉ được xoá bỏ khi kinh tế hợp tác phát triển và hoạt động đúng triết lý “mua chung, sản xuất chung một quy trình, bán chung”. Nhìn lại hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, tuy chất lượng được cải thiện, nhưng còn đấy nhiều việc phải làm, cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ vừa đúng, vừa trúng.
Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, hợp tác xã hoạt động có phần giống như một doanh nghiệp. Như vậy, lãnh đạo hợp tác xã ít nhiều có những hoạt động tương tự như ở những doanh nhân. Vị trí chủ nhiệm, quản lý hợp tác xã đòi hỏi yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, sức khoẻ, bản lĩnh, khả năng quản trị,…
Trong khi đó, theo một khảo sát ở 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: 68% thành viên Hội đồng Quản trị hợp tác xã trên 55 tuổi, sức khoẻ hạn chế; 75% lãnh đạo chủ chốt của hợp tác xã chưa tốt nghiệp phổ thông trung học.
Có bác lãnh đạo cao tuổi một hợp tác xã trần tình: “Tụi tui chỉ là tạm thôi. Phải làm sao có được những thế hệ mới có học thức hơn, khoẻ khoắn hơn, trẻ trung hơn. Có như vậy, mới đủ sức gánh vác sứ mạng làm cho hợp tác xã mạnh hơn, giúp cho hàng chục triệu nông dân bước vào nền nông nghiệp tiên tiến”!
Đúng quá! Chuẩn quá! Kinh tế hợp tác hoạt động thực chất và hiệu quả là nền tảng vững chắc cho tiến trình cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Tối ưu chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, góp phần cân đối cung - cầu, cần đến hợp tác xã. Xây dựng, chuẩn hoá mã số định danh vùng trồng, vùng nuôi để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản, cần đến hợp tác xã.
Sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, cần đến hợp tác xã. Ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến một cách hiệu quả, đồng bộ, cần đến hợp tác xã. Chắp cánh, trợ lực cho kinh tế hộ gia đình, cần đến hợp tác xã. Cầu nối liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, cần đến hợp tác xã.
Hợp tác xã là một bộ phận của kinh tế nông thôn, kích hoạt cơ cấu lại nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, dần tiến tới tham gia phúc lợi khu vực nông thôn.
Bàn luận về khó khăn của hợp tác xã nông nghiệp hiện nay, nhiều ý kiến nhắc đến nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh.
Song, cần nhớ rằng, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Một lãnh đạo đã từng chia sẻ: “Tiền trong túi là hữu hạn, tiền trong đầu là vô hạn”. Thật vậy, trở ngại lớn nhất của hợp tác xã nông nghiệp là “chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý của hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban giám đốc còn yếu kém”.
Có kiến thức, có kỹ năng, có tín nhiệm, hợp tác xã có thêm kênh huy động vốn từ chính các thành viên, thu hút các nguồn lực hỗ trợ khác từ cộng đồng, từ xã hội.
Trở ngại tiếp đến là sự thiếu quan tâm, thiếu kế hoạch hành động đồng bộ, xuyên suốt mang tính định hướng, dẫn dắt, thiếu sự kiên trì trong việc thuyết phục người nông dân vượt qua định kiến trước đây, cách nghĩ “đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy làm”.
Bên cạnh đấy, là sự thiếu đa dạng, kém sinh động, chưa sát thực tế trong các chương trình hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho hợp tác xã. Nội dung chương trình của nhiều cơ quan, đơn vị chuyên môn còn đặt nặng lý thuyết, chưa phù hợp với mối quan tâm của người nông dân.
Thiếu hụt kinh nghiệm thực tế về hợp tác xã, nhiều trường, cơ sở đào tạo không thể giảng dạy và thực hành tốt chuyên đề về hợp tác xã.
Chương trình trung cấp nghề hợp tác xã còn thiên về các nghề nông nghiệp, chưa chú trọng đến tư tưởng hợp tác xã. Công tác đào tạo nói chung chưa bài bản, liên thông, thiếu tính liên tục.
Trong thời gian gần đây là đã có chủ trương của Đảng, đưa nội dung lý luận, pháp luật và thực tiễn phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chính trị. Tiến trình phát triển hợp tác xã nông nghiệp cần đến một thế hệ trẻ chuyên nghiệp, năng động và chuyên tâm kế thừa, đảm nhận nhiệm vụ quản lý, điều hành.
Trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo, kinh nghiệm vận hành tại các quốc gia có hợp tác xã phát triển, có thể thí điểm thành lập các trường, cơ sở, khoa, bộ môn đào tạo chuyên về quản lý và điều hành hợp tác xã tại các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp.
Học viên tốt nghiệp được cấp “Chứng chỉ điều hành, quản trị hợp tác xã nông nghiệp”. Với chứng chỉ này, học viên có thể đăng ký làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp.
Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ là động lực thay đổi tích cực, tăng thêm sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Hợp tác xã nông nghiệp không chỉ chú trọng mục tiêu huy động tăng trưởng, mà hơn hết, đóng góp vào định hướng phát triển bền vững, đảm trách vai trò nền tảng cho tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Ngược dòng lịch sử, từ sự ra đời của mô hình đầu tiên trên thế giới, hợp tác xã nhanh chóng được phổ biến toàn cầu, không ngừng phát triển, và trở thành điểm tựa vững chắc cho nền nông nghiệp ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là những nơi gặp bất lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước,…
Nhận ra giá trị tinh hoa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, sự cần thiết và tầm quan trọng của Hợp tác xã nông nghiệp, từ những ngày đầu đất nước giành độc lập. Trong thư gửi Nông gia Việt Nam vào ngày 11 tháng 4 năm 1946, Bác Hồ đã viết: “Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức mạnh với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít, mà lợi ích nhiều”.
Đổi mới đôi khi chỉ đơn giản là làm sao để quay về với cái đã có, đã được khẳng định, nhưng vẫn luôn hợp lý, đúng xu hướng, vẹn nguyên giá trị theo thời gian. Quan tâm, đầu tư cho hợp tác xã nông nghiệp là câu chuyện không mới, quen thuộc với rất nhiều người chúng ta.
Điểm nhấn khác biệt ở đây là sự thay đổi trong quan điểm tiếp cận, nhận thức về sứ mệnh của hợp tác xã nông nghiệp trong tiến trình cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp. Nhận thức đúng sẽ kích hoạt hành động sáng tạo, mới mẻ, phù hợp.
Tất nhiên, không có sự thay đổi nào là dễ dàng cả, nhất là khi cần đến sự chuyển động đồng bộ, nhất quán từ cơ quan quản lý nhà nước, bản thân hợp tác xã, và mỗi người nông dân có mong muốn tham gia kinh tế hợp tác.
Không có chuyện ngày một ngày hai là có thể thay đổi ngay tập quán sản xuất, kinh doanh, là có thể đánh giá được ngay kết quả tích cực, đột phá mà hợp tác xã hoạt động hiệu quả mang lại. Hành trình bền bỉ bắt đầu từ những bước chân khoẻ khoắn.
Hành trình phát triển thực chất, hiệu quả của hợp tác xã nông nghiệp bắt đầu từ những cái “bắt tay” siết chặt tinh thần hợp tác, đồng thuận, đồng lòng.