| Hotline: 0983.970.780

Cả nước có hơn 1.700 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ Ba 29/12/2020 , 18:25 (GMT+7)

Thông tin trên được công bố tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Nhờ đầu tư ứng dụng hệ thống nhà màng kết hợp với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, các xã viên HTX Nông nghiệp Đặng Xá (Hà Nội) lợi nhuận trên 600 triệu đồng/ha. Ảnh: Minh Phúc.

Nhờ đầu tư ứng dụng hệ thống nhà màng kết hợp với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, các xã viên HTX Nông nghiệp Đặng Xá (Hà Nội) lợi nhuận trên 600 triệu đồng/ha. Ảnh: Minh Phúc.

Cả nước có 1.621 chuỗi nông sản an toàn được chứng nhận

Trong năm 2020, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh việc thành lập mới các hợp tác xã (HTX), củng cố và khôi phục lại các HTX yếu kém hoặc ngừng hoạt động. Nhờ đó, đến hết năm 2020, cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX.

Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khoảng 70%, đặc biệt có tới hơn 1.700 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, gần 4.000 HTX thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết: Đến nay, cả nước đã có 1.621 chuỗi nông sản an toàn được chứng nhận, với 2.346 sản phẩm và 821 HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP.

Về lĩnh vực kinh tế trang trại, cả nước hiện có 34.348 trang trại sản xuất và kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng trang trại tăng nhanh qua các năm, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 – 2019 đạt 6,9%/năm, sản phẩm của trang trại ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trong các trang trại chưa qua đào tạo vẫn chiếm tới 97%.

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được quan tâm đẩy mạnh, nhờ đó, cả nước đã đào tạo được 2,84 triệu lao động nông thôn, số lao động có việc làm sau khi được đào tạo khoảng 2,79 triệu người (đạt trên 98% so với tổng số lao động được đào tạo). Đã có hơn 134.000 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ khá giả.

Ông Lê Đức Thịnh đánh giá: “Các địa phương đã lựa chọn các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, chú trọng các ngành chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn với các mô hình khuyến nông, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.

Ngành nghề nông thôn phát triển nhanh và bền vững

Báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 817.000 cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, với tổng doanh thu đạt trên 236.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 2,3 triệu lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn.

Nghề mây tre đan tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn lúc nông nhàn. Ảnh: Minh Phúc.

Nghề mây tre đan tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn lúc nông nhàn. Ảnh: Minh Phúc.

Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn đạt khoảng 10%. Các địa phương đã rà soát và công nhận được 165 nghề truyền thống và 1.951 làng nghề.

Về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, chỉ tính riêng tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các huyện nghèo và xã bãi ngang đã bố trí kinh phí gần 766 tỷ đồng. Ngoài ra còn bố trí hơn 797 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135.

Theo báo cáo của 41 tỉnh, giai đoạn 2016 – 2019 đã triển khai hơn 13.500 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, có trên 1.502 nghìn lượt hộ được hỗ trợ, góp phần giảm nghèo từ 8,7% năm 2016 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020.

Đối với lĩnh vực cơ điện nông nghiệp, các chỉ tiêu về cơ giới hóa nông nghiệp dự kiến một số khâu năm 2020 đã tăng từ 2 – 8% so với năm 2019. Ở một số địa phương, nhất là các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng máy xạ khóm lúa; phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt bằng thiết bị bay không người lái có hiệu quả cao.

Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 95%; khâu gieo, trồng 45%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 80%; khâu thu hoạch lúa đạt 70%.

Ông Lê Đức Thịnh cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Qua đó, Cục đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, nhất là đẩy mạnh thành lập mưới và phát triển các HTX; tiếp tục thí điểm đưa cán bộ HTX đi đào tạo và học tập ở nước ngoài. Trong phát triển trang trại, Cục sẽ tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành tiêu chí trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời thúc đẩy có hiệu quả xúc tiến thương mại, hợp chuẩn quốc tế và phát triển du lịch làng nghề…

Dự và chỉ đạo hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, năm qua Cục đã bám sát chỉ đạo của Bộ, đồng thời hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là phát triển tốt các HTX; củng cố, khôi phục lại các HTX yếu kém hoặc ngừng hoạt động. Qua đó đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về chất lượng HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Năm 2020, cả nước đã phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, đây thực sự là một điểm sáng. HTX ngày càng khẳng định được vai trò là cầu nối, chất gắn kết giữa các cá nhân đơn lẻ. Người nông dân chỉ dựa vào HTX mới có thể phát triển SX ổn định, tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đây là gốc, là tiền đề để người nông dân giữ được sinh kế, nâng cao thu nhập, từ đó gắn bó với quê hương, không ly nông tràn ra thành phố tạo áp lực cho đô thị. Do đó, cần phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề nông thôn nhằm giảm bớt tình trạng lao động ở các miền quê di cư ra đô thị.

“Tất cả các hoạt động kinh tế nông thôn phải được phát huy hiệu quả, được nhân rộng. Bởi đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để phát triển nhất, một “mỏ vàng” ở nông thôn chưa được khai phá, từ các làng nghề truyền thống, sinh vật cảnh,…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Về công tác bố trí ổn định dân cư, di dân tái định cư, năm 2020 và cả giai đoạn vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt, tạo nên kết quả nổi bật. Theo báo cáo của các tỉnh, đến tháng 12/2020, cả nước thực hiện bố trí ổn định dân cư cho khoảng hơn 10.000 hộ thuộc các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng, góp phần hạn chế thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm tới. Do đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cần liệt kê các nhiệm vụ được giao, chủ động đưa ra chủ trương, kế hoạch tài chính… để triển khai ngay các lĩnh vực công tác từ những tháng đầu năm.

“Công việc năm 2020 đã được đẩy lên rồi thì năm 2021 phải được đẩy lên nữa, đã tốt phải tốt hơn nữa. Từng cán bộ, nhân viên, người lao động của Cục phải vượt lên chính mình, đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền tâm và tầm để hoàn thành chức trách được giao”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.