| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác EU–Việt Nam: Đưa nông nghiệp thành trọng tâm phát triển bền vững

Thứ Năm 16/01/2025 , 18:17 (GMT+7)

Hội thảo DeSIRA Connect mở cơ hội hợp tác, tích hợp tri thức bản địa và tiến bộ khoa học vào hoạch định chính sách để xây dựng hệ thống nông nghiệp hiệu quả hơn.

Hội thảo DeSIRA Connect ngày 14/1 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hội thảo DeSIRA Connect ngày 14/1 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi.

Kết nối khoa học châu Âu - Á - Phi

Từ ngày 14 đến 16/1 tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) phối hợp Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD) tổ chức hội thảo DeSIRA Connect. 

Sự kiện quy tụ 50 nhà khoa học đến từ châu Á, châu Âu và châu Phi cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển chuỗi giá trị, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Qua đó, các giá trị khoa học được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hữu ích, hỗ trợ các quốc gia hoạch định chính sách, khai thác tiềm năng của nông nghiệp sinh thái.

Phát biểu tại sự kiện, ông Gonzalo Serrano - Tham tán thứ nhất, Phó Trưởng Ban Hợp tác của EU tại Việt Nam nhấn mạnh đóng góp quan trọng của các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.

“Khi EU tiếp tục mở rộng kết nối với các đối tác toàn cầu, trong đó có Việt Nam, các dự án như DeSIRA đóng vai trò nền tảng để thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác. Những thay đổi mang tính hệ thống tại Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ, đưa nông nghiệp trở thành trọng tâm trong các sáng kiến về khí hậu và kinh tế,” ông Serrano nhấn mạnh.

Về phía Hiệp hội các Viện nghiên cứu Nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (APAARI), TS Murat Sartas - Giám đốc về Nhân rộng mô hình và tác động chia sẻ thông tin về đổi mới nông nghiệp dựa trên kinh nghiệm làm việc của ông tại 55 quốc gia.

Các dự án quốc tế cần xem xét yếu tố liên quan đến tập quán canh tác để thực sự đóng góp cho cộng đồng nông dân châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Chi.

Các dự án quốc tế cần xem xét yếu tố liên quan đến tập quán canh tác để thực sự đóng góp cho cộng đồng nông dân châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Chi.

TS Sartas phân tích, điểm đặc biệt của khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính là sự cân bằng giữa tri thức bản địa và các sáng kiến đổi mới. Với phần lớn dân số sinh sống ở vùng nông thôn, các dự án quốc tế cần xem xét các yếu tố liên quan đến văn hóa và tập quán canh tác để thực sự đóng góp cho cộng đồng.

“Nhiều tổ chức nghiên cứu của châu Âu vẫn gặp thách thức khi triển khai dự án ở châu Á. Các bạn có nhiều công nghệ tiên tiến, nhưng điều quan trọng là tiếp cận phù hợp với thực tiễn sản xuất ở các nước châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp các tổ chức hỗ trợ các khoản đầu tư tiềm năng, từ đó đảm bảo công nghệ có thể chuyển đổi nền sản xuất”, TS Sartas khuyến nghị. 

Đảm bảo an ninh phân bón cho Đông Nam Á

Nông nghiệp sinh thái cung cấp giải pháp tích hợp cho các thách thức toàn cầu, nhấn mạnh tính bao trùm và khả năng phục hồi của môi trường tự nhiên, Giáo sư về nông lâm kết hợp Fergus Sinclair (Đại học Bangor - Vương quốc Anh) nêu ví dụ, khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào các hệ thống lương thực, thực phẩm sử dụng phân đạm sản xuất từ khí đốt.

Tiếp cận 5 bước để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm thông qua nông nghiệp sinh thái. Ảnh: GS. Fergus Sinclair.

Tiếp cận 5 bước để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm thông qua nông nghiệp sinh thái. Ảnh: GS. Fergus Sinclair.

Trước bối cảnh nhiệt độ toàn cầu gia tăng, sự phụ thuộc vào phân bón hóa học ở  Đông Nam Á trở thành vấn đề nghiêm trọng. Indonesia là quốc gia nhập khẩu lớn nhất trong khu vực, trong khi các quốc gia như Philippines, Myanmar và Thái Lan nhập khẩu hơn 80% nhu cầu phân bón trong nước. 

Phân bón hóa học đã nuôi sống một nửa dân số thế giới nhưng lại đánh đổi các yếu tố về môi trường (tăng độ chua của đất, ô nhiễm kim loại nặng, giảm khả năng giữ nước do đất bị nén chặt và phá vỡ hệ vi sinh vật đất). Hơn nữa, việc ngừng sử dụng phân bón tổng hợp đột ngột sẽ khiến hầu hết các quốc gia thiếu nitơ, phốt pho và kali (NPK), đe dọa đến năng suất nông nghiệp.

Để giảm thiểu những rủi ro này, Đông Nam Á phải chuyển sang các giải pháp cục bộ và tuần hoàn để đảm bảo “an ninh phân bón”. Những tiến bộ khoa học ngày nay cho phép thu hồi NPK trong nước từ các nguồn tự nhiên và phụ phẩm, cung cấp một giải pháp thay thế bền vững cho phân bón nhập khẩu. Ví dụ, Thái Lan và Myanmar có thể sản xuất tới 11 triệu tấn mỗi năm thông qua các phương pháp như vậy; Campuchia, Việt Nam và Philippines có thể tự chủ khoảng 1 triệu tấn.

Theo GS Sinclair, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, cần có sự thay đổi mang tính hệ thống, ưu tiên sản xuất phân đạm sinh học từ cấp nông hộ.

Để có sản phẩm phân hữu cơ tốt từ rơm, cần phải có quy trình kỹ thuật đảm bảo cân bằng nguyên vật liệu và các yếu tố phân hủy trong điều kiện tốt nhất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để có sản phẩm phân hữu cơ tốt từ rơm, cần phải có quy trình kỹ thuật đảm bảo cân bằng nguyên vật liệu và các yếu tố phân hủy trong điều kiện tốt nhất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Quyền sở hữu phân bón sẽ được trao cho nông dân - cộng đồng được coi là trung tâm của sự đổi mới, từ đó giảm chi phí vật tư và tăng cường khả năng phục hồi môi trường ở cả cấp độ trang trại và quốc gia. Cách tiếp cận như vậy vốn phức tạp, đòi hỏi các chính sách phù hợp và chia sẻ kiến ​​thức tại địa phương”, chuyên gia người Anh khẳng định thêm. Theo ông, bằng cách đầu tư vào các giải pháp này, Đông Nam Á sẽ nắm chắc tương lai nông nghiệp bền vững, kiên cường và tự chủ hơn.

Tại hội thảo DeSIRA Connect, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm từ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và Hệ thống Thực phẩm an toàn (ASSET); chương trình Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái nhằm xây dựng hệ thống nông nghiệp và thực phẩm toàn diện, bền vững (TRANSITIONS); dự án Chuyển đổi hệ thống canh tác nông nghiệp sinh thái thông minh hướng đến khả năng phục hồi và bền vững tại các vùng giữa và ven biển ĐBSCL (STAR-FARM)...

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bí thư Quảng Ninh trăn trở việc dân, nghĩ cho doanh nghiệp

Song hành với việc tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đang tính bổ sung nội dung tiếp, giải quyết các vấn đề liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp.

Về 'đại công xưởng' vàng mã đất Bắc dịp Tết ông Công ông Táo

Làng Song Hồ, Bắc Ninh, không chỉ nổi tiếng với tranh Đông Hồ mà còn là 'đại công xưởng' vàng mã lớn nhất cả nước, nhộn nhịp sản xuất mỗi dịp Tết âm lịch.