Tại khu vực miền núi phía Bắc, nhiều hộ nông dân ở Điện Biên, Sơn La được hướng dẫn trồng cỏ, dự trữ thức ăn và sản xuất phân hữu cơ vi sinh để duy trì sinh kế, bảo vệ sức khỏe môi trường, con người và phục hồi sức khỏe đất.
Mô hình nông nghiệp sinh thái tại miền núi phía Bắc kết hợp trồng cỏ, dự trữ thức ăn và sản xuất phân hữu cơ giúp nông dân Sơn La, Điện Biên duy trì sinh kế bền vững trước thách thức thời tiết và tài nguyên thu hẹp.
Là vùng có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, miền núi phía Bắc là nơi bảo tồn, lưu giữ, phát triển được nhiều loài vật nuôi bản địa có ý nghĩa kinh tế cao. Đối với nông dân Sơn La và Điện Biên, chăn nuôi từ bao đời nay là nguồn sinh kế quan trọng, gắn liền với đời sống của đồng bào Thái, Mông, Mường, Lào…
Tuy nhiên, những năm gần đây, khu vực miền núi phía Bắc đứng trước nhiều thách thức. Đơn cử như diện tích bãi chăn thả ngày càng thu hẹp, nhiều địa phương áp dụng quy định cấm chăn thả tự do để bảo vệ các diện tích trồng rau màu. Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan với những đợt rét đậm, rét hại khiến nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm, gia súc dễ mắc bệnh và chết…
Bối cảnh này đặt ra những yêu cầu về khoa học – kỹ thuật để duy trì sinh kế cho bà con. Triển khai trong khuôn khổ dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn ở Đông Nam Á” (ASSET), mô hình kết hợp trồng trọt – chăn nuôi đã mang lại luồng gió mới cho sản xuất nông nghiệp ở Điện Biên và Sơn La.
Tham gia dự án từ những năm 2021, gia đình ông Ông LÒ VĂN NGOAI ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, thay vì chăn thả tự do, gia đình ông được hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, ủ thức ăn dự trữ mùa đông và thu gom phân chuồng để sản xuất phân bón hữu cơ.
Ông LÒ VĂN NGOAI – xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên
‘Trước đây không trồng cỏ thì vẫn thả rông thôi, trâu bò bệnh tật rất nhiều và chậm lớn. Bây giờ thì cắt cỏ về cho ăn, không thả thì thu gom được phân chuồng. Với 2 con trâu gia đình đang nuôi, thì 1 năm thu được 5 tấn phân, nếu bán phân chuồng cũng được khoảng 6 triệu, so với dùng phân hóa học thì chi phí giảm được 80%’
Những chất thải từ chăn nuôi, thay vì bị bỏ phí hoặc gây ô nhiễm ngoài tự nhiên, nay được tận dụng để ủ thành phân hữu cơ. Trong mô hình nông nghiệp sinh thái, phân chuồng được chế biến và bón cho cây không chỉ cải thiện sức khỏe đất mà còn tăng năng suất cây trồng, tạo thành chu trình tuần hoàn, giảm thiểu rác thải và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Bà HOÀNG THỊ THOAN - Bản Nam, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
‘Từ khi biết cái kỹ thuật ủ phân này thì mình lấy phân từ chăn nuôi đưa ra trồng trọt lại quay lại chăn nuôi, cứ vòng tròn như thế. Hộ của mình dùng phân để bón cây cà phê, lúa, và rau. Phân ủ này bón cho cây rất là tốt, đất tơi xốp hơn, không có cỏ nhiều cây trồng ít sâu bệnh”.
ThS LÊ THÚY HẰNG - Cán bộ Viện chăn nuôi, giảng viên của dự án ASSET
“Trước đây ông cha cũng ủ phân – phân xanh bón cho đồng ruộng, nhưng phương pháp mới có áp dụng khoa học kỹ thuật vào giúp đơn giản hóa quy trình thực hiện của bà con đơn giản nhất có thể sản xuất tại hộ mình. Chúng tôi đưa thêm các hệ vi sinh vật trong men ủ đẻ pahan giải các chất dinh dưỡng trong phân tốt cho cây trồng và tiêu diệt mầm bệnh. Các kỹ thuật này bảo vệ sức khỏe môi trường, con người và phục hồi sức khỏe cho đất”.
Phát triển kinh tế tuần hoàn từ việc tận dụng nguồn phân bón trong nông hộ giúp giảm chi phí đầu vào, bảo vệ sức khỏe đất và tăng chất lượng nông sản. Đồng thời, mô hình này còn góp phần phát triển cộng đồng nông thôn, tạo việc làm tại chỗ và cải thiện môi trường sống, chung tay bảo vệ hệ sinh thái vùng cao.