| Hotline: 0983.970.780

Huy động mọi nguồn lực để tạo cuộc cách mạng cho ngành hàng lúa gạo

Thứ Năm 07/11/2024 , 16:33 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương khẩn trương quy hoạch, lập bản đồ, xác định chính xác (trên bản đồ và ngoài thực địa) vùng trồng lúa chất lượng cao...

Đề án hết sức ý nghĩa với ngành hàng lúa gạo

Ngày 15/10/2024, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (viết tắt là Đề án).

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: “Lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của nước ta, sản xuất lúa gạo không chỉ có vai trò thiết yếu đối với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, mà còn là nguồn thu nhập quan trọng của hàng chục triệu nông dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của nước ta. Ảnh: NNVN.

Lúa gạo là ngành hàng có lợi thế của nước ta. Ảnh: NNVN.

Vùng ĐBSCL có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt thuận lợi phát triển nông nghiệp, nhất là lúa gạo, thủy hải sản và trái cây, đóng góp 31,4% GDP toàn ngành nông nghiệp. Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ nông dân trong vùng ĐBSCL (khoảng 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 55% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu của cả nước).

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023, với các mục tiêu chủ yếu: Hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững; gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Sau gần 1 năm triển khai Đề án, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành và 12 địa phương vùng ĐBSCL, đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, trong đó có việc rà soát, hoàn thiện, ban hành một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và triển khai mô hình canh tác lúa cho năng suất cao, giảm đáng kể chi phí đầu vào và phát thải thấp, ý thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương đã nâng lên.

Tuy nhiên, việc triển khai một số nhiệm vụ được giao tại Đề án còn chậm, còn gặp một số tồn tại, vướng mắc, trong đó nhận thức về sự cần thiết và hiệu quả của Đề án của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp ở một số địa phương còn chưa đầy đủ, thống nhất; công tác quy hoạch, xác định vùng trồng lúa chất lượng cao còn chậm, hầu hết mới dừng lại ở bước cam kết về chủ trương; việc ban hành các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết còn chưa kịp thời, đầy đủ; cơ chế, chính sách về huy động và bố trí nguồn lực triển khai Đề án chậm được hoàn thiện, thủ tục phức tạp, kéo dài, trong đó có việc quản lý, sử dụng vốn ODA, trao đổi tín chỉ carbon trong trồng lúa với thị trường khu vực và quốc tế.

Cần tăng tốc, bứt phá hơn nữa

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương vùng ĐBSCL tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần cần tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt được các mục tiêu của Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” và cần có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự chủ động vào cuộc của các địa phương vùng ĐBSCL và tích cực thực hiện với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc trong đó tập trung quán triệt một số định hướng lớn sau:

Sau gần 1 năm triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Ảnh: LT.

Sau gần 1 năm triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Ảnh: LT.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển cây lúa.

Tập trung huy động cả hệ thống chính trị, các nhà khoa học vào cuộc và sức mạnh của nhân dân, doanh nghiệp với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ hiện đại kết hợp với kinh nghiệm truyền thống quý báu và sự đầu tư kinh phí thỏa đáng để tạo cuộc cách mạng cho cây lúa và ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL.

Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Đề án, trong đó huy động tối đa nguồn lực hợp pháp từ ngân sách Trung ương và nguồn lực địa phương, huy động sự tham gia, đồng tình và nguồn lực to lớn của nhân dân; huy động sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, tài chính từ các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng nguồn lực khoa học, hiệu quả, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, bảo đảm nguồn lực đến tận địa phương, doanh nghiệp và người nông dân. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với việc có công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường của địa phương, doanh nghiệp, sức mạnh của nhân dân.

Khẩn trương quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao

Để thực hiện được mục tiêu Đề án, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT và các bộ, cơ quan, 12 tỉnh vùng ĐBSCL liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm:

Về quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao: Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương khẩn trương quy hoạch, lập bản đồ, xác định chính xác (trên bản đồ và ngoài thực địa) vùng trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp mang tính ổn định, lâu dài, phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất các cấp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành trong quý II năm 2025, công bố công khai để thực hiện.

Về việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa gạo: Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương liên quan đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn, tạo giống lúa có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể về lúa chất lượng cao; khẩn trương hoàn thiện, ban hành các quy trình, biện pháp kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp, hệ đo đạc, thẩm định, báo cáo (MRV), hoàn thành trong quý IV năm 2024; đến năm 2025 phải xây dựng bằng được thương hiệu lúa, gạo ở phân khúc cao mang tầm khu vực và thế giới, đi đôi với việc thiết kế mẫu mã, bao bì, mã số vùng trồng, xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Thủ tướng khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo. Ảnh: NNVN.

Thủ tướng khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo. Ảnh: NNVN.

Về cơ chế, chính sách thực hiện Đề án: Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh tham gia Đề án tổ chức triển khai và áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành, nhất là chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa năng suất, chất lượng cao và chính sách bảo vệ đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không còn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai Đề án, hoàn thành trong quý I năm 2025.

Về nguồn vốn thực hiện Đề án: Triển khai Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Huy động hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại, vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ phát triển lúa gạo bao gồm vốn ngân sách, vốn bán tín chỉ carbon (hoặc vốn tài chính carbon), vốn xã hội hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2025.

Về xây dựng chính sách đặc thù để huy động vốn vay nước ngoài: Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù để huy động vốn vay của Ngân hàng Thế giới, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét trong quý IV năm 2024.

Về phát triển thị trường lúa gạo: Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan tăng cường kết nối thị trường lúa gạo trong và ngoài nước, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Về việc khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo: Giao UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và động lực của sự phát triển, hợp tác xã là cầu nối giữa người trồng lúa và doanh nghiệp; hỗ trợ và phát triển các hợp tác xã, đào tạo nhân lực quản lý hợp tác xã, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững; tập trung củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng lúa tham gia Đề án, nhất là hạ tầng về thủy lợi.

Về mục tiêu phát thải thấp: Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách thí điểm quản lý, trao đổi tín chỉ carbon được tạo thành từ việc triển khai Đề án và chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho các chủ thể tham gia Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2025.

Về phòng chống sạt lở, sụt lún, ứng phó với biến đổi khí hậu: Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan tổng kết mô hình tại tỉnh Cà Mau và một số địa phương vùng ĐBSCL, khẩn trương xây dựng Đề án tổng thể phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, có giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài, khoa học, khả thi, nguồn lực và phân kỳ đầu tư cụ thể theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 349/TB-VPCP ngày 24/8/2023 và số 2850/VPCP-NN ngày 26/4/2024.

Về cơ chế điều hành, phối hợp triển khai thực hiện Đề án: Phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, liên tục, hiệu quả giữa Bộ NN-PTNT với các bộ, ngành liên quan và 12 tỉnh tham gia Đề án, cũng như giữa cơ quan quản lý nhà nước với khối tư nhân; thúc đẩy phát triển liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Ngân hàng - Nhà phân phối.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.