| Hotline: 0983.970.780

Nghề nông chuyên nghiệp có thể sớm thành hiện thực

Thứ Sáu 04/11/2022 , 07:48 (GMT+7)

'Dư địa trong nông nghiệp thời gian tới sẽ không đến từ điều kiện tự nhiên. Đó sẽ là tri thức số, tri thức ngành', ông Nguyễn Quốc Toản khẳng định.

Diễn đàn 970 với chủ đề kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Diễn đàn 970 với chủ đề kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Một trong những giải pháp chính được đề cập tới trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm nay là “Phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghị, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất… Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số,…”.

Điều này cho thấy tính cấp thiết và sự quan tâm của Chính phủ trong vấn đề ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Ngày 4/11, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Diễn đàn 970) của Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức “Diễn đàn kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp”. 

Theo đó, Diễn đàn được tổ chức nhằm kết nối thông tin cung cầu, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân. Đồng thời, hỗ trợ xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX và nông dân trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh.

Diễn đàn 970 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom với 2 điểm cầu chính tại TP. Hà Nội, TP. HCM và các đầu cầu đến từ nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Diễn đàn 970 lần này cũng nhận được sự quan tâm của Sở NN-PTNT các địa phương; Đại diện các hiệp hội; Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm và giải pháp ứng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông sản.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 15 phút

Nghề nông dân chuyên nghiệp có thể sớm thành hiện thực

Sequence 01.01_23_43_06.Still006

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản (ảnh), Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng, và áp dụng khoa học công nghệ nói chung, là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy.

“Rất trùng hợp, hôm nay, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đang trả lời chất vấn về chuyển đổi số trong kinh tế. Sứ mệnh của Diễn đàn 970 là trả lời câu hỏi của thực tiễn. Đối với chuyển đổi số, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai”, ông Toản nói.

Trong sự tăng trưởng liên tục, tích cực của ngành nông nghiệp, tính trong năm 2022 là 2,8%GDP, kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng đạt 52-54 tỷ USD. Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng phải đối mặt xu hướng biến đổi tiêu dùng, cạnh tranh trong khu vực, nếu không có những công cụ thích hợp, rất khó phát triển.12.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường. Một trong những vấn đề là chưa có hệ sinh thái ngành hàng, sinh thái thông tin. Chưa có cơ sở dữ liệu đánh giá thị trường, chưa kết nối với nhau.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu là 2,8%, giảm hơn 4% so với dự báo đầu năm. Doanh nghiệp đang gặp khó về tiếp cận nguồn lực, đó là khó khăn chung. Như chị Thành Thực nói, không có liên thông, minh bạch thì các bên khó đến với nhau. Cần liên kết đến với nhau bằng nhận thức đầy đủ.

Trăn trở đầu tiên là cơ sở dữ liệu. Bộ đang chỉ đạo hai mũi nhọn đầu tiên áp dụng chuyển đổi số là Trồng trọt và Chăn nuôi. Đầu tiên là mã hóa vùng trồng, mã hóa thức ăn chăn nuôi.Nếu các hợp tác xã không có nền tảng dữ liệu, không có các sản phẩm được định danh, không truy xuất được nguồn gốc, thì gần như không thể đưa hàng hóa lên không gian mạng. Hiện mới có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trên nền tảng Alibaba, năm tới phấn đấu có khoảng 1.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là kỹ năng đưa hàng hóa lên mạng. Mỗi hợp tác xã là nền tảng để xã viên tiếp cận cơ sở số hóa dữ liệu. Nâng cao được vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp số Việt Nam.

“Trong xu hướng toàn cầu hiện nay, sự thay đổi là liên tục. Có thể là xu hướng thị trường, có thể là biến động của các nước lớn. Thông qua Báo Nông nghiệp Việt Nam, với diễn đàn mở, chúng tôi mong mỏi về cơ hội tiếp cận thông tin thị trường. Không câu nệ hành chính hóa thị trường, mà là trách nhiệm chung của hệ thống”, ông Toản nói.

Theo ông Toản, hiện cả nước có khoảng 5.000 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề nông nghiệp. “Đây là dư địa rất lớn, cần có cơ sở dữ liệu làng nghề. Đây chính là giá trị văn hóa mà chúng ta sẽ lan tỏa bằng công nghệ. Khách du lịch đến với làng nghề qua không gian mạng trước tiên, cũng là dữ liệu để chúng ta mang đi thế giới”.

Thực tế còn có những khó khăn nhất định trong áp dụng chuyển đổi số. Ông Toản nêu ví dụ về việc hiện có nhiều phần mềm khác nhau. Cùng là mã số vùng trồng, mã số thức ăn chăn nuôi, song mỗi nơi một cách hiểu, một cách làm. “Khi có cách tiếp cận trúng, đầy đủ, sẽ có cách làm đúng. Mong là Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam kết nối nhiều hơn nữa với các Sở Nông nghiệp địa phương, tạo chỗ dựa vững chắc cho nông dân”.

Dư địa trong nông nghiệp thời gian tới sẽ không đến từ điều kiện tự nhiên, ông Toản khẳng định. Đó sẽ là tri thức số, tri thức ngành.

“Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhiều lần chia sẻ về nghề nông dân chuyên nghiệp sớm trở thành hiện thực. Thông qua tri thức ngành, tri thức số mà nông dân được đào tạo, được nâng cao. Nông dân sẽ làm chủ không gian số để phát triển nông nghiệp ngày càng tốt hơn”, ông Toản cho biết.

10 giờ 30 phút

Sàn thương mại điện tử là kênh tiêu thụ hiệu quả cho các doanh nghiệp, HTX nhỏ

ong Tien

Ông Nguyễn Minh Tiến (ảnh), Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp chia sẻ, Văn phòng Nông thôn mới Trung ương triển khai xếp hạng sản phẩm OCOP tại các hội đồng y tế, công thương, văn hóa, môi trường theo thang điểm chặt chẽ. Theo đó hệ thống hồ sơ minh chứng đi kèm rất nhiều. “Trước khi thực hiện số hóa, một bộ hồ sơ cấp huyện lên tỉnh dày tới 4-500 trang và một lần nộp hồ sơ tối thiểu mất 10 triệu”, ông Tiến thông tin.

Đến năm 2020, nhận thấy quá trình in ấn, chuẩn bị hồ sơ giấy thuần túy tốn kém, khó để thành viên hội đồng tham khảo, Văn phòng Nông thôn mới Trung ương đã tham mưu lãnh đạo Bộ để số hóa việc chuẩn bị hồ sơ OCOP từ cấp huyện lên tỉnh và đối với sản phẩm tiềm năng quốc gia lên 5 sao. Đến nay, 1/3 số tỉnh áp dụng phần mềm này để chấm đánh giá cấp tỉnh đến cấp huyện. “Thay vì mất khoảng 850 tỷ tiền photo các hồ sơ cho hơn 8.500 sản phẩm OCOP, chi phí đầu tư cho phần mềm chấm và đánh giá sản phẩm không lớn”.

Theo ông Tiến, không chỉ dừng lại ở số hóa thủ tục hành chính, mà chúng ta cần từng bước đưa số liệu từ cấp đăng ký, nhập liệu, chứng nhận VietGAP... vào hệ thống dữ liệu của 8.565 sản phẩm OCOP. “Ví dụ, sản phẩm chè shan tuyết Hoàng Su Phì, Hà Giang, chỉ ra được số lượng sản phẩm cụ thể hàng năm khoảng 3-400kg, như vậy có thể xác định được nguồn nguyên liệu vào, nguồn phân phối, có thể giám sát sản phẩm trộn lẫn hay đội mác”, ông Tiến lấy ví dụ.

Việc áp dụng chuyển đổi số ngay từ khâu đăng ký, có thể giúp giám sát đường đi nước bước, truy xuất, cũng như các sản phẩm đã được cải tiến, nâng cao chất lượng như thế nào thông qua thang điểm đánh giá. “Áp dụng càng sớm sẽ đem lại hiệu quả càng cao và càng hướng tới giảm chi phí quản lý, nâng cao quá trình minh bạch sản phẩm, giám sát chất lượng sản phẩm.” , ông Tiến chia sẻ.

tmdt

Theo ông Tiến, đối với sản phẩm OCOP của chủ thể nhỏ, không thể tổ chức chiến dịch xúc tiến thương mại, truyền thông như các tập đoàn lớn nên kênh tiêu thụ online thông qua chuyển đổi số vô cùng hiệu quả. Với hệ thống logistics kèm theo, trong thời gian ngắn có thể bán được sản phẩm với số lượng lớn.

“Trung tâm có thể hỗ trợ toàn bộ chi phí quảng bá, chủ thể chỉ cần chốt đơn và đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng từ kho hàng”, ông Tiến đề xuất.

10 giờ 15 phút

Công nghệ phải đi theo chuỗi

TS. Lê Quý Kha, cố vấn Công ty Đại Thành cho hay, doanh nghiệp hiện đã áp dụng rất thành công công nghệ máy bay không người lái trong phun thuốc BVTV; sử dụng máy cắt cỏ tự động và trồng trọt bằng phân bón vi sinh. Đối với công nghệ máy bay không người lái, sau khi tổng kết, từ năm 2016 đến nay, hơn 1 triệu ha lúa, cao su, các loại cây công nghiệp… đã giảm được 20% lượng thuốc hoá học; 50% lượng giống gieo sạ; giảm lượng nước pha hoá chất; tiết kiệm chi phí lao động, từ đó tăng lợi nhuận sản xuất 10-15%.

drone

Máy bay nông nghiệp GlobalCheck có khả năng tải được từ 20 – 40 lít dung dịch thuốc BVTV hay 40kg giống, phân bón.

“Trước đây 1 máy bay tải trọng được 5-10 kg/lần bay nhưng nay đã tải được 40 kg/lần bay. Nói dễ hiểu hơn, để phun 1 ha lúa, chỉ 1 người điều khiển điện thoại thông minh phun 2-4 phút là xong, trong khi phun thủ công 1 ha phải 4-5 nhân công/ngày”, TS. Kha nói. Đồng thời cho biết, máy bay không người lái còn hữu ích trong rải phân hoá học, hạn chế sự tiếp xúc của con người với các loại hoá chất, bảo vệ sức khoẻ cho nông dân.

Công nghệ thứ 2 Đại Thành đang áp dụng là xây dựng trạm giám sát nông nghiệp thông minh, vận hành ở các tỉnh phía Nam. Công nghệ này phục vụ truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Với máy cắt cỏ tự động, tất cả đều gói gọn trong chiếc smatphone, các loại cỏ từ sân vận động, sân gôn, cỏ trên đồi cao su… đều được cắt tỉa bằng phẳng, nhanh gọn trong thời gian ngắn. Riêng việc sử dụng phân bón vi sinh trong sản xuất đã góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, phòng chống sâu bệnh hiệu quả hơn so với dùng phân bón hoá học.

“Áp dụng công nghệ vào sản xuất đều phải đi theo chuỗi, có như vậy mới đưa sản phẩm của người nông dân thoát khỏi tình trạng được mùa rớt giá”, TS. Lê Quý Kha nhấn mạnh thêm.

10 giờ 00 phút

Cần sự hỗ trợ, tiếp sức để tham gia chuỗi giá trị

Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận (Đồng Tháp) chia sẻ, diễn đàn đã đưa ra nhiều thông tin giá trị từ vấn đề kiểm soát mã số vùng trồng, dữ liệu về đất đai, vấn đề giảm chi phí sản xuất để nâng cao lợi nhuận đến ứng dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất.

Hiện nay, vấn đề lớn nhất là nông dân phải bỏ tiền ra cho những công nghệ nên sẽ rất khó khăn do điều kiện kinh tế hạn hẹp. Hơn nữa, các công nghệ này đều mới nên nông dân cũng khó tiếp cận. Đặc biệt, trong trang bị máy móc, thiết bị… phải mua hàng loạt nên người dân rất cần sự hỗ trợ.

Về sản phẩm OCOP, ông Lê Văn Ba cho rằng, chúng ta phải làm sao để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường. "Hãy để cho nông dân tiếp xúc nhiều hơn sự đầu tư, kinh phí ban đầu để khởi nghiệp. Chúng tôi là những người nhỏ lẻ vào thị trường nên cần sự hỗ trợ, tiếp sức để tham gia chuỗi giá trị", ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận (Đồng Tháp) chia sẻ.

9 giờ 30 phút

Doanh nghiệp mong bà con nông dân được hỗ trợ để tiếp cận công nghệ cao

Bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty Sài Gòn Kim Hồng cho biết: Công ty chúng tôi chuyên nhập các loại máy nông nghiệp từ Hàn Quốc và đang phân phối máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Đây là loại máy đơn giản, chất lượng tốt nên chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tạo cơ hội để tổ chức các cuộc hội thảo, phổ biến loại máy này đến với bà con nông dân.

drone

Hiện nay, sau 3 năm thí điểm thì Kim Hồng gặp vấn đề khó khăn như giá máy cao (450-530 triệu đồng) do vậy để áp dụng cho bà con nông dân thì khó khăn. Nhà nước hiện có chính sách hỗ trợ 50% vụ đầu nhưng vụ sau không hỗ trợ nên bà con nông dân không có điều kiện tiếp cận.

Do vậy, Kim Hồng kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ để bà con có điều kiện tiếp cận loại máy này. Kim Hồng cũng mong muốn các sở, ban, ngành… lắng nghe để đưa ra các phương pháp hỗ trợ bà con.

9 giờ 15 phút

Đồng Tháp ứng dụng công nghệ số hóa với 3 giai đoạn

Ông Lê Quốc Điền, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã ứng dụng công nghệ số hóa với 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1, tỉnh này tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu trong truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.

Ở lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã làm thông tin tổng quan và lĩnh vực phát triển nông thôn, nông thôn mới, sản phẩm OCOP thì địa phương đã thực hiện các dữ liệu về sản phẩm để người dân có thể cập nhật và theo dõi.

iot

Đồng Tháp bắt đầu xây dựng kế hoạch ứng dụng giải pháp IoT trong trồng trọt (Ảnh minh họa).

Về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, tỉnh Đồng Tháp cũng xây dựng cơ sở dữ liệu; lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai cũng được xây dựng để đảm bảo các biện pháp cảnh báo, phòng trừ thiên tai và chủ động trong sản xuất.

Theo ông Lê Quốc Điền, ở giai đoạn 2, tỉnh Đồng Tháp xây dựng các cơ sở dữ liệu để thông qua các số liệu này có thể biết được năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và có thể ứng phó biến đổi khí hậu. Đối với giái pháp IoT, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng dữ liệu về dịch hại cây trồng, chỉ tiêu chất lượng nước. Điều này giúp cho các huyện điều hành sản xuất một cách hiệu quả. "Về AI thì dự báo thiên tai, dịch hại ảnh hưởng đến sản xuất", ông Lê Quốc Điền nói.

Trong giai đoạn 3, tỉnh Đồng Tháp kết hợp công nghệ GIS cùng với giải thuật trí tuệ nhân tạo AI, dự báo sản lượng, thị trường, xúc tiến thương mại. Đồng bộ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương để đồng bộ nền tảng nông nghiệp số Quốc gia. Cũng theo ông Điền, trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV thì địa phương quản lý được mã số vùng trồng, nắm rõ các dữ liệu số. Cuối cùng là triển khai, tập huấn cập nhật dữ liệu số cho các xã thông qua các app. Qua đó thực hiện quy trình báo cáo định kỳ từ các xã…

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 265 sản phẩm OCOP và để có thể tra cứu được sản phẩm này, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu với các mô tả, phân hạng rõ ràng để người dân và các cấp quản lý có thể nắm rõ. Vấn đề hiện nay ở địa phương là khó khăn trong tiếp cận công nghệ và chuyển đói số vẫn còn chậm. Do vậy, sắp tới tỉnh cần có sự tập huấn nhiều hơn.

9 giờ 00 phút

Dư địa ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang rất lớn

TS. Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến-TP.HCM (nguyên Phó ban quản lý Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) cho rằng, dư địa ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp của Việt Nam đang rất lớn, song chúng ta mới chỉ triển khai được 3/10 ứng dụng chính về tiếp cận thị trường và chuỗi giá trị; ứng dụng để tăng năng suất cây trồng vật nuôi; cải thiện tính an toàn sản phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản. Các ứng dụng nhằm quản lý chuỗi cung ứng; tiếp cận dịch vụ tài chính; quản lý rủi ro; quản lý đất đai; cải thiện hệ thống sáng kiến hay hỗ trợ các nông hộ quy mô nhỏ… gần như chúng ta chưa triển khai được.

nn cnc

Ứng dụng CNC vào nông nghiệp sẽ giúp gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Theo TS. Thiện, các nước tiên tiến định hướng phát triển nông nghiệp thông minh rất rõ ràng, ví dụ: nước Đức  thúc đẩy tích hợp hệ thống M2M và IoT, triển khai các dự án nông nghiệp 4.0. Nhật Bản thì áp dụng công nghệ Al, tạo các mô hình phối hợp giữa con người, máy móc, sản xuất thông minh hay Israel, dù nghiên cứu khoa học nông nghiệp trong điều kiện bất lợi về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu nhưng họ phát triển, ứng dụng rất hiệu quả công nghệ tưới nhỏ giọt vào trồng trọt trên sa mạc…

Còn tại nước ta, phát triển nông nghiệp CNC đang gặp nhiều hạn chế như: quy mô nhỏ, hoạt động đơn chức năng; mô hình tổ chức quản lý chưa phù hợp; thiếu vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp; ít năng động sáng tạo…

“Tiếp cận công nghệ không khó, quan trọng áp dụng công nghệ đó sao cho có hiệu quả. Chúng ta phải làm sao để sản phẩm CNC sản xuất ra tiêu thụ được hết; để người tiêu dùng phân biệt được giá giữa nông nghiệp CNC và sản xuất thông thường, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích”, TS. Từ Minh Thiện nhấn mạnh.

8 giờ45 phút

Số hóa ngay từ khâu đầu của chuỗi sản xuất

ba hanh

"Trong nhiều lĩnh vực của nông nghiệp đều đang áp dụng công nghệ số như quản lý đồng ruộng, sử dụng mobile app (phần mềm trên điện thoại di động), drone (thiết bị bay điều khiển từ xa), hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến thức ăn, tự động hóa vệ sinh chuồng trại. Đây là xu thế tất yếu, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc”, bà Hạ Thúy Hạnh (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết.

Bà Hạnh thông tin thêm, Tổ khuyến nông cộng đồng đang được thí điểm ở 13 tỉnh với 26 tổ, số hóa ngay từ khâu đầu chuỗi sản xuất cho bà con nông dân. Trung tâm đang cố gắng kết hợp với các đơn vị liên quan để tài liệu thật dễ hiểu, ngắn gọn.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, có hai mặt hàng đang ứng dụng mạnh chuyển đổi số là lúa và cà phê. Tiếp đó là ngành nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh đang hỗ trợ mạnh cho bà con nông dân về bán hàng online, đào tạo online. Mỗi năm, cơ quan khuyến nông tổ chức khoảng 240 lớp đào tạo online, tạo điều kiện cho nhiều người cùng lúc tiếp cận tài liệu. Ngành hàng xuất khẩu đi Trung Quốc, EU, Mỹ cũng đang áp dụng chuyển đổi số, dần dần từng bước nhưng đảm bảo vững chắc.

8 giờ 30 phút

Cần sớm có hướng dẫn chuyển đổi số đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc

Nhập chú thích ảnh

Bà Nguyễn Thị Thành Thực (ảnh) - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Bagico đưa ra một số ý kiến và đề xuất về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp. Theo bà chuyển đổi số là chương trình mục tiêu quốc gia, được các bộ, ngành, địa phương, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy trong thời gian qua. Đặc biệt, công tác chuyển đổi số tại địa phương với nhiều tổ chuyển đổi số cấp xã được hình thành cho thấy tín hiệu tích cực trong công tác này. Một trong những đối tượng hưởng lợi là người dân và doanh nghiệp, song cách khai thác chương trình ứng dụng chuyển đổi số vẫn còn một số hạn chế.

Bà Thực lấy ví dụ từ Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong khi nền tảng phục vụ chuyển đổi số tại Trung Quốc được đầu tư bài bản và là bắt buộc trong các khâu từ quản lý vùng trồng, thu mua nông sản, khai báo, lưu thông, sàn thương mại điện tử, quản lý hồ sơ thì đối với Việt Nam lại gặp rào cản lớn về mặt nhận thức.

Theo bà Thực, từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương, có nơi vẫn chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin của người bán trên nền tảng số để minh bạch hóa trao đổi thương mại. Thứ hai, từ quản lý Nhà nước, vẫn chưa có ngay biện pháp, công cụ để đưa ngay lập tức ứng dụng chuyển đổi số đối với mã vùng trồng, mã xưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc mà gần đây nhất là sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân.

sau rieng

Sầu riêng được phân loại kỹ càng theo tiêu chuẩn khắt khe (6 trái/thùng) trước khi được đóng thùng để xuất khẩu đi Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN.

Đại diện Công ty Bagico đề xuất tăng cường đào tạo cán bộ cấp thôn, xã đặc biệt đối với các cộng tác viên nông nghiệp, nhân viên khuyến nông vì đây là cánh tay nối dài để đưa ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cơ quan quan lý nhà nước, tạo cơ chế chính sách để cán bộ cơ quan quản lý nhà nước ứng dụng mà không sợ vi phạm. Những mặt hàng xuất chính ngạch và các mặt hàng tham gia đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cần nhanh có hướng dẫn về ứng dụng chuyển đổi số từ cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo bà Thực, phía Trung Quốc ứng dụng nhiều công nghệ, đặc biệt những vi phạm vô tình hay cố tình đối với các mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc đều nằm trong hồ sơ lưu trữ dữ liệu, minh chứng vi phạm của chúng ta.

"Đối với thương hiệu quốc gia, việc bị đưa bằng chứng vi phạm, từ đó bị ngưng cấp chính ngạch cho một ngành hàng sẽ gây thiệt hại lớn đối với người nông dân. Như vậy, cần đưa vào quy định đối với thủ tục hành chính một cửa tại địa phương. Và liên thông kiểm soát giữa bộ, ban, ngành làm sao để doanh nghiệp tự giác chấp hành“, bà Thực đề xuất.

8 giờ 15 phút

Thay đổi vị thế nông dân trong nền nông nghiệp nước nhà bằng chuyển đổi số

ong Tung

Tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Tùng (ảnh), Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) chia sẻ thông tin: Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam đang được Bộ NN-PTNT triển khai đã đề ra được mục tiêu, lộ trình và hướng đi của nông nghiệp Việt Nam trở thành nền kinh tế thực thụ. Trong đó, đảm bảo các thành phần như: tri thức, công nghệ, lực lượng lao động, phương tiện lao động, thị trường,… được liên kết chặt chẽ bởi “Chuỗi Liên kết” minh bạch, bình đẳng và cùng có chung một mục đích là tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị thương phẩm cao nhờ ứng dụng công nghệ số.

Tuy đã có lộ trình và hướng đi cụ thể, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, HTX và nông dân ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong chính các thành phần của lộ trình như: Chính sách chưa được đồng bộ; Hạ tầng công nghệ chưa theo kịp với nhu cầu; Doanh nghiệp và nông dân chưa được đào tạo, định hướng về việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn của thị trường xuất, nhập khẩu;…

Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, để chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ không phụ thuộc vào thị trường và mang tính tự phát cao, việc xây dựng chương trình đào tạo phát triển nhóm lao động có tri thức cao để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân là rất cấp thiết. Nhóm chủ chốt này sẽ đẩy nhanh quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ cho các quy trình canh tác, nuôi trồng, chế biến,… trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, thay đổi vị thế của nông dân trong nền nông nghiệp nước nhà bằng chuyển đổi số.

8 giờ 00 phút

Chuyển đổi số: Không thể chậm trễ hơn được

ong le trong dam

Ông Lê Trọng Đảm (áo trắng, đang đứng), Phó Tổng biên tập, thành viên Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970 phát biểu khai mạc diễn đàn tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Khai mạc diễn đàn, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập, thành viên Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970 cho biết: Những cụm từ như “chuyển đổi số”, “áp dụng công nghệ cao”, “công nghệ thông minh” đã trở nên quen thuộc, xuất hiện ở nhiều diễn đàn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói: “Chuyển đổi số là giải quyết nỗi đau của ngành nông nghiệp và người nông dân, xóa đi những “hố đen” của ngành”. Phải xác định chuyển đổi số là một cuộc hành trình, áp dụng liên tục. Bộ trưởng Hoan khẳng định đoàn tàu chuyển đổi số còn đang loay hoay ở sân ga. Song, không thể chậm trễ hơn được. Các thành viên tham gia diễn đàn hôm nay chính là những hành khách đang mang trên mình tấm vé tàu chuyển đổi số.

Việc chuyển đổi số sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc hạ giá thành, nâng cao giá trị nông sản. Công cuộc chuyển đổi số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn đó những hạn chế. Phải xác định, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một hành trình, một cuộc tìm kiếm và áp dụng không bao giờ có điểm dừng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm