Công trình khát "xăng dầu"
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn “hoả tốc” về việc ổn định cung ứng xăng dầu phục vụ cho các phương tiện thi công, khai thác, đánh bắt thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
Ghi nhận của PV Báo NNVN tại tỉnh Cà Mau, mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh từ ngày 5/9 nhưng đến nay khan hiếm nhiên liệu, nhất là dầu DO, đã làm ảnh hưởng đến các công trình đang thi công các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, phải kể đến Dự án Hồ nước ngọt tại, xã Khánh An, huyện U Minh, với diện tích 100 ha, kinh phí hơn 184 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, đây được xem là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Cà Mau, tuy nhiên hơn ba tuần qua hàng chục phương tiện thi công phải ngừng hoạt động do không có nhiên liệu.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 10 dự án trọng điểm đang triển khai, trong đó hai dự án do Trung ương đầu tư, 8 dự án do tỉnh đầu tư. Năm 2022, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 3.152 tỷ đồng. Đến nay, Cà Mau đã giải ngân được 39,5% tổng vốn đầu tư công 2022, đạt 4% tiến độ. Tuy nhiên, do khan hiếm nhiên liệu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các công trình.
Anh Trần Văn Thức, phường 7, TP Cà Mau, đang là công nhân lái xe cuốc, cho biết: “Mình mua xăng dầu lại nói là không có nếu bán bắt buộc là phải đem xe lại họ mới chịu bán, tuy nhiên không thể nào mà lái xe cuốc đem lại cây xăng mua được, giờ ghé cây xăng nào cũng nói hết dầu”.
Ông Nguyễn Văn Sol, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trong thời gian tới nguồn nguyên liệu không đáp ứng được như thế này thì tiến độ không thể hoàn thành được, chúng tôi cung kiến nghị cấp trên xem xét điều hành, can thiệp để làm sao kịp thời phục vụ cho nền kinh tế và các công trình đang thi công”.
Dừng hoạt động 11 cửa hàng xăng dầu
Trước đó, ngày 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn “hoả tốc” về việc ổn định cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Theo đó yêu UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp mua xăng dầu vừa đủ để sử dụng. Sở NN-PTNT, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động nắm tình hình, thống kê nhu cầu nhiên liệu cho sản xuất của người dân, doanh nghiệp, nhất là nhu cầu dầu Diesel phục vụ cho các phương tiện thi công, khai thác, đánh bắt thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Cà Mau thì đúng vào thời điểm "nước sôi, lửa bỏng" này Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau, lại thông báo dừng hoạt động kinh doanh 11 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, thời gian dừng hoạt động từ ngày 15/9.
Đối với 11 cửa hàng của Cty CP Thương nghiệp Cà Mau, trong đó có 6 cửa hàng tại TP Cà Mau, 2 cửa hàng huyện Đầm Dơi, còn lại huyện Năm Căn, Cái Nước và huyện Thới Bình mỗi huyện có 1 cửa hàng, lý do bị dừng là chưa hoàn chỉnh thủ tục về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, ngày 31/8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau vì gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối bị phạt tiền 50 triệu đồng; kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực bị phạt tiền 90 triệu đồng.
Ngoài ra, để khắc phục hậu quả của hành vi kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu đã hết hiệu lực, Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2022 với số tiền gần 8,7 tỉ đồng. Tổng số tiền Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau bị phạt và truy thu gần 9 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau cho rằng việc ngưng hoạt động của 11 cửa hàng xăng dầu của Công ty CP thương nghiệp Cà Mau có ảnh hưởng không lớn đến tình hình cung ứng xăng dầu của tỉnh.
Nhưng thực tế như Báo NNVN đã phản ánh, nhiều công trình dự án lớn đang phải dừng vì thiếu nhiên liệu, máy móc không thể hoạt động.
Được biết, Dự án Hồ nước ngọt được đầu tư bằng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây được xem là hồ chứa nước ngọt lớn nhất tỉnh Cà Mau với diện tích mặt thoáng hồ 60ha, dung tích hồ gần 4 triệu m3, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 hộ dân huyện U Minh., với chi phí xây dựng trên 184 tỷ đồng. Bờ bao được đắp gần khu vực hồ chứa nước ngọt để trữ lượng đất bùn hút lên từ lòng hồ chứa.
Ngoài ra, công trình hồ chứa nước ngọt thuộc hạng mục thuộc tiểu dự án 8 “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm – rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau”, đây là dự án thuộc Dự án ICRSL, tọa lạc tại khu B3, B4 khu tái định cư – định canh xã Khánh An, huyện U Minh.