Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM Vũ Văn Điệp, sau nhiều năm sử dụng, hiện trạng hai công viên đã xuất hiện những hư hại, xuống cấp về hạ tầng và mảng xanh cảnh quan. Do đó, hai công viên này cần phải thực hiện chỉnh trang, tổ chức nâng cấp, sửa chữa để nâng cao, phát huy công năng của không gian công cộng phục vụ cộng đồng và cải thiện cảnh quan khu vực trung tâm TP.HCM.
Công trình Bến Bạch Đằng sau khi đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã thu hút rất đông người dân đến vui chơi với không gian thoáng mát, hiện đại. Sau thời gian hoạt động cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ và góp ý, TP.HCM sẽ tiếp thu, điều chỉnh ý kiến của người dân nhằm hoàn thiện hơn.
Công viên Mê Linh gồm các hạng mục tu bổ tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, hệ thống chiếu sáng, mảng xanh rộng 5.700 m2. Thời gian qua, do tác động của thời tiết nên tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo có nhiều chỗ hư hỏng, để trùng tu công trình này, TP.HCM đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham vấn nhiều ý kiến từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia đầu ngành.
"Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc thi công chuỗi công trình gặp nhiều khó khăn nhưng thành phố vẫn cố gắng hoàn thành đúng thời gian và chỉn chu nhất có thể. Việc chỉnh trang công viên Mê Linh được thực hiện theo phương châm giữ nguyên kiến trúc nhưng được trùng tu cho mới hơn, khang trang hơn", ông Vũ Văn Điệp cho biết.
Ông Điệp cho biết, phần thân tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo sẽ đục bỏ lớp vữa để bơm xử lý các vết nứt bê tông, quét chống thấm, trát vữa, phù điêu. Bệ đỡ tượng được đề xuất thay mới, xử lý chống thấm và bảo vệ mặt tường bao, khung bệ đỡ, thay hệ thống dây dẫn và đèn chiếu sáng tượng đài. Đối với khu vực công viên quanh tượng đài rộng 3.300 m2 được đề xuất thay thế gạch lát nền bằng đá granite tự nhiên. Khuôn viên công viên được trồng thêm nhiều cây xanh và thay mới hệ thống chiếu sáng và khu vực lòng đường quanh công viên được thi công đệm cát, lát đá bazan tự nhiên.
Ngoài ra, việc chỉnh trang bến Bạch Đằng được cải tạo với diện tích rộng 18.600 m2, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu tàu số 2 rộng hơn 8.700 m2. Toàn bộ công viên được lát lại đá, trồng thảm cỏ tạo lối đi, lắp lan can ở các cầu tàu và bờ sông. Giai đoạn 2 từ cầu tàu số 2 đến khu vực súng thần công, rộng khoảng 7.300 m2.
Đây là chuỗi công trình được đầu tư nhằm chỉnh trang lại khu vực trung tâm, tạo điểm đến cho người dân và lưu giữ lại nhiều giá trị lịch sử của TP.HCM. Cả hai dự án được chỉnh trang đều được sử dụng bằng nguồn vốn xã hội hóa.