Một cuộc lột xác ở Man Utd đã diễn ra, trong trận đấu đầu tiên của kỷ nguyên hậu Ole Gunnar Solskjaer. Hầu như tất cả cầu thủ đã chơi một trận tưng bừng, giúp "Quỷ đỏ" thắng 2-0 trên sân khách, giành vé đi tiếp vào vòng 1/8 Champions League, dù chính đội bóng Tây Ban Nha từng suýt khiến họ ôm hận cách đây 2 tháng.
Trong trận thắng mở màn của triều đại Michael Carrick, Cristiano Ronaldo - người bị cho là nguyên nhân khiến Solskjaer bị sa thải - lại ghi bàn mở tỷ số. Jadon Sancho, bản hợp đồng tưởng như thất bại, lại ấn định chiến thắng 2-0. Harry Maguire cũng không còn lóng ngóng, đến độ dính thẻ đỏ như hồi cuối tuần. Ngay cả những cầu thủ thường xuyên ngồi dự bị như Anthony Martial, Donny Van De Beek cũng chơi với hơn 100% phong độ.
Điều gì đã xảy ra? Không một ai biết ngoại trừ chính cầu thủ Man Utd. Tuy nhiên, kịch bản ấy đã xảy ra ở giai đoạn đầu khi Solskjaer nắm quyền. Đội chủ sân Old Trafford thắng một mạch 8 trận, trong đó có màn lội ngược dòng kinh điển trước PSG. Ngoài Solskjaer, Jose Mourinho hay Louis Van Gaal cũng từng hưởng những niềm vui tương tự.
Nếu một việc lặp đi lặp lại nhiều lần, đó rõ ràng không thể là điều ngẫu nhiên. HLV Đặng Trần Chỉnh của Việt Nam từng nói câu nổi tiếng, đại ý rằng chiếc ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ nắm 3, và điều ấy ứng nghiệm với Man Utd. Khi các cầu thủ chung chí hướng với thầy của họ, đội bóng chơi thăng hoa. Ngược lại, một đội bóng dù lớn đến mấy cũng trở thành con tàu đắm.
Có hai vấn đề đặt ra khi nhắc tới "quyền lực" của cầu thủ đối với HLV trong bóng đá hiện đại. Thứ nhất, tại sao họ lại thay đổi cái nhìn 180 độ như vậy? Thứ hai, tại sao những đội bóng khác không lâm phải hiểm cảnh như thế?
Câu trả lời, chủ yếu nằm ở tài năng và danh tiếng của HLV. Như đã nói, các đội như Man Utd vẫn luôn mơ mộng về việc xây dựng một đế chế như thời Alex Ferguson, trong khi Man City, Chelsea, hay Liverpool thì không. Với cá nhân Solskjaer, nếu ông nắm quyền ở Chelsea, có lẽ nhà cầm quân người Na Uy đã nhận trát sa thải từ lúc thua Sevilla ở chung kết Europa League mùa trước. Để rồi tới lúc mọi chuyện bắt đầu nằm ngoài tầm kiểm soát, giới chủ đương nhiên chọn hy sinh HLV, thay vì xới tung cả đội hình để đưa ít nhất một nửa nhân sự lên thị trường chuyển nhượng.
Tuổi đời trung bình của một HLV tại các đội bóng giờ có xu hướng thu hẹp dần. Những người nổi tiếng như Pep Guardiola, Jurgen Klopp cũng từng nhiều phen ngán ngẩm khi tại vị quá lâu tại Man City, Liverpool. Nhưng nhờ tài năng, họ biết cách vượt qua giai đoạn khó khăn, chẳng hạn như lúc Liverpool dính bão chấn thương mùa trước, hay Man City trắng tay trong mùa đầu tiên dưới quyền Guardiola.
Solskjaer thì không có khả năng ấy. Ông thua chung kết không chỉ một mà tới ba lần. Và với một chiến lược gia không quá đặc biệt về chuyên môn, lại mất duyên trước những cơ hội nâng cúp, thì học trò khó có thể tuân lệnh trong thời gian dài.