| Hotline: 0983.970.780

Khơi thông đầu tư nông nghiệp phải cho phép tích tụ đất đai

Thứ Năm 15/06/2017 , 19:48 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để khơi thông đầu tư nông nghiệp cần phải cho phép tích tụ đất đai.

17-02-42_bo_truong_dung
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn

Sáng ngày 15/6, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng nước ta không thu hút được đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp là do ruộng đất quá manh mún, hầu hết các dự án đầu tư FDI vào nông nghiệp đều thất bại.
 

Vốn FDI trong nông nghiệp quá thấp

Quan tâm đến vốn đầu tư vào nông nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vì sao chỉ có 0,9-1% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành này?

Thừa nhận vốn FDI vào nông nghiệp rất hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân được đưa ra là do đặc thù cơ chế đất đai manh mún, nhỏ lẻ, khó tích tụ đất đai, áp dụng các cánh đồng mẫu lớn. Hơn nữa, hạ tầng nông nghiệp nông thôn, áp dụng công nghệ, nguồn lực cũng như liên kết giữa người nông dân - doanh nghiệp - nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong manh, nên chưa chưa thu hút được vốn FDI.

“Thực tế hầu hết các dự án đầu tư vào nông nghiệp đều thất bại”, Bộ trưởng khẳng định. 

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, để khơi thông làn sóng FDI vào nông nghiệp phải cho tích tụ đất đai, đầu tư vào hạ tầng, kết nối doanh nghiệp, nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh đến giải pháp căn cơ là phải có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu lâu dài, ổn định phù hợp với thị trường tiêu thụ. 

“Thu hút đầu tư hết sức khó khăn, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế rồi nhưng chưa phù hợp thực tế, chưa đủ hấp dẫn. Chúng tôi cùng Bộ NN-PTNT đang phối hợp sửa đổi Nghị định 210, tăng sự hỗ trợ của Trung ương lên, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nông nghiệp, giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính. Hy vọng với những việc đã và đang làm sẽ mở ra cơ chế khả thi hơn cho nhu cầu thu hút FDI vào nông nghiệp”, ông Dũng nói và khẳng định phát triển nông nghiệp cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị bởi đây là ngành còn nhiều dư địa, lực lượng lao động chiếm phần lớn dân số, do đó, việc phát triển ngành sẽ đảm bảo ổn định chính trị xã hội.
 

Bộ KH-ĐT không quyết định phân bổ vốn

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, dù ghi nhận những nỗ lực của các Bộ trưởng, song thời gian qua theo ông còn quá nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý đầu tư công. Bộ trưởng sẽ làm gì để thay đổi điều này?

Đối với vấn đề phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo luật, sau năm 2014 các Bộ ngành địa phương sẽ không được làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Từ 31/12/2014 trở về trước, số nợ xây dựng cơ bản khoảng 11.000 tỷ và đã thu xếp được vốn để xử lý hết. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, số nợ đọng xây dựng cơ bản là 15.000 tỷ, hiện còn nợ 9.000 tỷ đồng. Số nợ đọng này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông và dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ thanh toán được hết khoản nợ này.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH-ĐT có phần trách nhiệm khi việc quản lý còn hạn chế và gây ra sự lãng phí trong thời gian qua. “Chúng tôi có hai trách nhiệm đối với vấn đề này. Đó là việc tham mưu cơ chế chính sách chưa đưa ra đầy đủ, và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phát hiện các trường hợp thất thoát chưa tốt. Vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã được khắc phục một phần nhờ các luật và nghị định hướng dẫn mới, nhưng chưa triệt để và vẫn còn nhiều bất cập”, Bộ trưởng nói.

Cho rằng Bộ trưởng trả lời chưa trúng, ĐB Vũ Quang Hàm (Phú Thọ) đi thẳng vào vấn đề: “Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán…? Nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại xin cho nên phân bổ chậm? Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không?”. Ông Hàm đề nghị được biết hướng khắc phục của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Câu hỏi truy vấn của ĐB Hàm khiến Bộ trưởng Dũng lúng túng, thay vì giải thích nguyên nhân phân bổ chậm, ông liệt lê số tiền trên 80 ngàn tỉ đồng đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia chưa phân bổ có 70.000 tỷ cho các dự án quan trọng, 10.000 tỷ đồng chống ngập TP.HCM và 5.000 tỷ cho dự án sân bay Long Thành. Đỡ lời Bộ trưởng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, luật quy định tất cả các công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện thủ tục hồ sơ của dự án 10.000 tỷ chống ngập TP.HCM, dự án cao tốc Bắc Nam chưa hoàn thiện nên Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp này, mà phải dời sang kỳ tới. Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng kết luận: “Trách nhiệm chính là do các Bộ, ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chậm làm thủ tục hồ sơ ra Quốc hội, nên chưa phân bổ được"

Giải thích thêm, Bộ trưởng Dũng khẳng định Bộ KH-ĐT không phân bổ vốn mà các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết đề xuất phân bổ vốn. Bộ KH-ĐT hướng dẫn tiêu chí, định mức phân bổ sau đó tổng hợp rà soát và trình Chính phủ quyết định báo cáo Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ sẽ giao vốn và Bộ KH-ĐT có nhiệm vụ thông báo đến các Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, không có chuyện xin cho mà các Bộ, ngành hoàn toàn tự quyết định.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng giải trình của Bộ trưởng KH-ĐT về bố trí vốn đầu tư công chưa thỏa đáng. Theo ông, 574 dự án lẽ ra phải hoàn thành giai đoạn 2016-2020 nhưng không bố trí đủ vốn, thực tế là vi phạm Luật Đầu tư công.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị, Bộ trưởng nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý gắn với trách nhiệm người quyết định đầu tư với hiệu quả đầu tư dự án, cả về kinh tế, xử lý hình sự. Bởi theo ông, phải truy trách nhiệm của những người quyết định đầu tư đã nghỉ hưu. "Như thế mới chặn đứng ngay tình trạng các công trình đầu tư khủng, đắp chiếu dở dang, rồi lại gửi lại cho người kế nhiệm", ông Vượt nói.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn tại sao chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 2-4 lần các quốc gia khác nhưng chất lượng chưa tốt. Đường sắt cao tốc của Việt Nam cũng cao gấp 2,5 lần của Thái Lan.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Bộ Giao thông Vận tải cùng với Bộ Xây dựng đang tổng hợp báo cáo đánh giá suất đầu tư. Dựa trên tiêu chuẩn Quy định 1161 ngày 11/10/2015 của Bộ Xây dựng thì suất đầu tư nếu như chúng ta quy ra đường 6 làn xe khoảng 200 tỷ/km (chưa tính đến giải phóng mặt bằng). Trên cơ sở đó, Đề án đường cao tốc Bắc - Nam dự kiến khoảng 9,5 triệu USD/km.

So với đường cao tốc 6 làn xe ở Đức khoảng 10,9 triệu USD/km; ở Bồ Đào Nha khoảng 12,1 triệu USD; Hunggary khoảng 13,3 triệu USD; Áo là 16,7 triệu USD; ở Mỹ từ 12,8 đến 40,8 triệu USD; ở Trung Quốc khoảng từ 10,5 đến 13,6 triệu USD. Về đường sắt, Bộ GTVT dự kiến 50 tỷ USD theo tư vấn của Nhật Bản và đang báo cáo nghiên cứu xin chủ trương của Quốc hội về đầu tư đường cao tốc.

“Trước Quốc hội tôi xin được báo cáo đại biểu Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 năm 2018 vì đây là một nội dung Bộ Giao thông Vận tải phải báo cáo trước Quốc hội lúc đó sẽ có số liệu chính xác”.

 

Xem thêm
Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.