Chặn cửa
Trưa 15/5, gần một ngày sau vụ ngộ độc tập thể khiến hơn 300 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam phải nhập viện, doanh nghiệp này bố trí bảo vệ dày đặc ở cổng, chặn cửa các cơ quan báo chí.
Bất kể phóng viên của cơ quan báo chí nào, dù có đầy đủ giấy tờ, vẫn bị đội ngũ bảo vệ xua đuổi.
Tại bệnh viện, sắc mặt nhiều công nhân Việt Nam không thể gọi là tích cực. Người mệt mỏi. Người sốt ruột, sợ gia đình lo lắng. Người lo viện phí. Ánh mắt hơn hơn 10 thai phụ toát lên vẻ sợ hãi, dù các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt ân cần chăm sóc.
“Bữa cơm có 15.000 đồng thôi”, một công nhân Việt thì thào với chúng tôi. Họ sợ. Nỗi sợ mất việc hằn trên khuôn mặt. Họ ấm ức, bởi biết 15.000 đồng mà có cả gà, cá, rau thì đúng là “lên tivi” cũng khó mua được. Đa phần công nhân quay đi, hoặc từ chối nói về sự cố.
Shinwon Ebenezer Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc. Lẽ ra, doanh nghiệp cần báo chí Việt Nam để lên tiếng xin lỗi công nhân ngộ độc, xin lỗi gia đình họ.
Công nhân bán sức lao động cho Shinwon Ebenezer Việt Nam để kiếm miếng cơm manh áo, họ không bán mạng, không bán sức khỏe. Ai dám khẳng định, những thực phẩm mà doanh nghiệp đưa lên bàn ăn công nhân lần này, không gây ảnh hưởng lâu dài. Sức khỏe thai phụ, thai nhi, liệu có an toàn?
Cho tới tận chiều 16/5, tức 2 ngày sau vụ công nhân ngộ độc tập thể, doanh nghiệp Hàn Quốc mới đang làm hoàn tất thủ tục tạm ứng viện phí với các bệnh viện ở Vĩnh Phúc. Tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, nơi cấp cứu cho gần 300 công nhân ngày đầu, đến 16/5, vẫn còn 41 bệnh nhân chưa thể xuất viện.
Chưa có một lời xin lỗi công khai nào. Việc người Hàn cúi đầu xin lỗi, kỷ luật nghiêm minh, tác phong công nghiệp, dường như chỉ có trên phim ảnh.
Quản lý nhà nước ở đâu?
Doanh nghiệp Shinwon Ebenezer Việt Nam vì sao coi thường sức khỏe, tính mạng công nhân Việt Nam? Họ được ‘bao che’ chăng? Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ đông đảo người dân ở thành phố Vĩnh Yên. Điều ám ảnh nhất, là lời người chồng một thai phụ: “Nhà chúng tôi mệt mỏi lắm rồi. Khổ lắm rồi. Xin đừng ai hỏi gì thêm”.
Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc bận từ sáng đến cuối giờ chiều, không có người trực cơ quan để thông tin với báo chí.
Cán bộ cảnh sát có mặt tại bệnh viện, nói việc xử lý ngộ độc “do ngành Y tế chủ trì”. Tuy nhiên, sau nỗ lực liên lạc, đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc nói: “Việc này liên quan đến nhiều ban ngành, bên Y tế chúng tôi chỉ lo sức khỏe”.
Liệu Sở Y tế Vĩnh Phúc có biết việc công nhân sợ hãi không dám nói sự thật? Cá nhân, tập thể nào cung cấp thức ăn cho Shinwon Ebenezer Việt Nam, thứ thức ăn mà bác sĩ cấp cứu trong vụ này nói là “thiu thối”.
Theo thông tin PV có được, một trong các doanh nghiệp cung cấp thức ăn cho Shinwon Ebenezer Việt Nam là C.N, có trụ sở tại TP. Vĩnh Yên. Tiếp xúc với chúng tôi, đại diện doanh nghiệp C.N nói: “Thực phẩm, rau củ quả gom ở chợ. Đến công ty mới chế biến. Chúng tôi chỉ cung cấp rau củ, còn thịt cá và mắm muối do vài doanh nghiệp nữa cung ứng”.
Chợ mà doanh nghiệp C.N nói là chợ tạm. Thịt cá, rau quả nhiều chỗ bày trên đất. Chỗ mổ cá chỉ là bao xi măng đặt trên nền đất. Cả chợ bốc mùi tanh hôi. Phản ánh việc này đến UBND phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Toàn bộ phường đang bận họp. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra sau”.
UBND phường Đồng Tâm biết C.N là doanh nghiệp cung cấp thức ăn cho khu công nghiệp Khai Quang, song việc vệ sinh an toàn thực phẩm thì “do chợ tạm, phường sẽ cử cán bộ phụ trách vấn đề này xác minh”.
Sẽ mất bao lâu để xác minh, bao nhiêu lần ngộ độc nữa, thì Sở Y tế và các ban ngành ở Vĩnh Phúc mới thôi “bận”. Việc thực phẩm không sạch, rõ ràng là chuyện lâu nay vẫn thế, không phải mới một hai ngày.
Phải thêm bao nhiêu vụ ngộ độc nữa, thì tình trạng này mới được Vĩnh Phúc chấn chỉnh? Tính mạng, sức khỏe của công nhân Việt Nam quan trọng hơn, hay doanh nghiệp Hàn Quốc có quyền coi thường điều đó?