| Hotline: 0983.970.780

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Thứ Ba 07/05/2024 , 06:45 (GMT+7)

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Chiến hào “máu trộn bùn non”…

Cuối tháng 1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi lối đánh, cách đánh của Chiến dịch Điện Biên Phủ từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.

Những người lính Điện Biên đành phải gác súng, cầm cuốc cầm xẻng đào chiến hào. Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 được Bộ Tổng tư lệnh, Bộ chỉ huy chiến dịch giao đặc trách Đồi A1. Những ngày tháng ấy là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn (92 tuổi, Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) - Trung đội trưởng Tiểu đoàn 215.

Hào khi đó được quy định sâu 1,5m, rộng 1-1,5m, mỗi chiến sĩ được khoán mỗi ngày đào 2m hào. Tuy nhiên, do sức khoẻ, sức ép từ địch, thời tiết nên rất khó để có thể hoàn thành được đủ 2m hào/ngày. Do ban ngày không thể đào hào được, bởi hoả lực của địch, các chiến sĩ phải cầm cự với giặc nên chập tối mới bắt đầu đào đến tờ mờ sáng thì về.

Ông Sơn (ngoài cùng bên phải) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi chỉ mới 22 tuổi, bức ảnh được chụp sau khi ông trở về từ chiến dịch một năm sau đó. Ảnh: Minh Toàn.

Ông Sơn (ngoài cùng bên phải) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi chỉ mới 22 tuổi, bức ảnh được chụp sau khi ông trở về từ chiến dịch một năm sau đó. Ảnh: Minh Toàn.

Trung đoàn 174 đã phải mất đến khoảng 2 tháng để hoàn thành hệ thống đường hào tại Đồi A1. Ông chia sẻ: “Theo các tài liệu, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm, tại Đồi A1 là 38 ngày đêm. Nhưng anh em chiến sĩ ngồi với nhau thì nói trên thực tế không phải là 56 ngày đêm mà nhiều hơn thế. Bởi vì trong thời gian đào hầm hào thì địch đã đánh ta rồi, ta đã có thương vong rồi…”.

Mỗi tấc đất của khoảng 30km đường hào tại Đồi A1 đều phải đổi bằng mồ hôi, máu, thậm chí là tính mạng của rất nhiều chiến sỹ. Những ngày tháng đào hào, thông hào ấy, ngày nào cũng có những chiến sĩ phải nằm lại nơi chiến hào. Ngày đầu, mỗi đại đội được phát 100 cuốc xẻng nhưng hôm sau chỉ còn 80 người, rồi đến hôm sau nữa chỉ còn khoảng 60. Cuốc xẻng thì vẫn còn nguyên nhưng quân số cứ giảm dần.

Có hệ thống đường hào nhưng bản thân ông Sơn rất ngại phải di chuyển dưới chiến hào. Bởi những đồng đội bị thương hay đã hy sinh đều nằm dọc chiến hào. Khi di chuyển dưới hào, buộc những người lính phải giẫm lên một bộ phận cơ thể của đồng đội. “Dù vội, nhưng vì thương đồng đội thì cũng phải suy nghĩ xem giẫm vào đâu đó của đồng đội mình, bởi không thể nhảy qua được. Trong giây phút đó, phải lựa chọn chỗ mình đặt chân vào, thường là giẫm vào chân, vào đùi, cánh tay, tránh vào bụng, ngực, đầu để bước qua…”.

Đường hào không phải là nơi duy nhất mà có “máu trộn bùn non”. Bởi hệ thống hào được đào từ hướng đông, đến chân Đồi A1 thì tách làm 2 hướng khác nhau để lên đồi. Nơi ấy là ngã ba chiến hào hay còn được gọi là “ngã ba cửa tử”, “ngã ba tử thần”… Bởi nơi này nằm trong tầm ngắm của địch. Có những anh nuôi đi giao cơm đến đó thì bị bắn trúng, cơm nước tung toé, anh nuôi đi trước ngã xuống nằm ra đấy, anh nuôi đi sau đến đó lại bị thì nằm chồng lên. Có cảnh tượng anh nuôi chết chồng lên nhau.

Nắm cơm lăn lóc ở chiến hào

Có lẽ những hình ảnh về những anh nuôi là những hình ảnh sẽ đi theo ông Sơn cả cuộc đời. Những anh nuôi phải nấu cơm, đun nước ngay sát trận địa, vô cùng nguy hiểm. Sau đó, họ phải gánh cơm, gánh nước dọc theo chiến hào để mang cơm đến từng chiến sĩ. Thế nhưng ngày nào cơm cũng thừa. Bởi ngày nào cũng có các đồng chí hy sinh.

Ông Sơn cho biết: “Anh chết không ăn được, thừa ra cơm của anh chết. Anh bị thương, mất nhiều máu, mệt lả đi, không ăn được cũng thừa. Những người như tôi không chết, không bị thương thì cũng mệt rũ ra thì cũng cầm miếng cơm cất ra túi đằng sau lưng, nhai trệu trạo mấy miếng. Cơm thừa lăn lóc ở trên chiến hào… chuyện ấy diễn ra hàng ngày...”.

Vì vậy mà một số nơi khi được anh nuôi đưa cơm thì không nhận. Có anh nuôi lăn ra ngay trước mặt Trung đội trưởng mà gào: “Nấu cơm vất vả thế này mà không thằng nào ăn thì nấu làm gì, trời ơi, trời ơi…”.  

Dù đã ngoài 90 tuổi, mắt đã mờ, tai đã chậm nhưng những kỷ niệm về Điện Biên Phủ năm 1954 vẫn còn vẹn nguyên trong ông Sơn. Ảnh: Minh Toàn.

Dù đã ngoài 90 tuổi, mắt đã mờ, tai đã chậm nhưng những kỷ niệm về Điện Biên Phủ năm 1954 vẫn còn vẹn nguyên trong ông Sơn. Ảnh: Minh Toàn.

Nhiều đồng đội của ông Sơn đã nằm xuống, máu và mồ hôi của họ đã hoà vào từng tấc đất ở Đồi A1. Những kỷ niệm ở mặt trận này vẫn luôn khiến ông rưng rưng nước mắt mỗi khi nhắc đến. Ngoài ra, đó còn là niềm tự hào vì một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nấu cơm đã khó nhưng mang cơm đến vị trí của các chiến sĩ còn khó hơn. Nhiều anh nuôi đã hy sinh trên đường mang cơm. Một số anh nuôi kéo nhau lên ban chỉ huy nói rằng: “Chúng tôi không nấu cơm nữa đâu, đằng nào cũng chết, chết cầm súng đánh nhau mà chết còn hơn là chết vì gánh cơm lên. Chết cầm súng thích hơn. Chúng tôi xin cầm súng ra chiến đấu để người khác đi nấu cơm…”. “Phen này anh nuôi 'đình công'…”, ông Sơn nghĩ.

Có lẽ, đó cũng là lý do để ông Sơn khẳng định: “Ở Điện Biên, các chiến sĩ không đói.”. Ngày nào các chiến sĩ cũng phát 2 nắm cơm. Thỉnh thoảng có cá khô, có mắm kem (mắm tôm đặc). Gạo, thuốc, muối…theo xe thồ của dân công hỏa tuyến từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… tiếp tế đầy đủ cho các chiến sĩ.

Cơm thì không thiếu nhưng cái mà lính Đồi A1 thiếu là thịt, cá thậm chí là rau xanh. Thời gian đầu, các đồng chí anh nuôi vào rừng, đến các khe suối để hái rau tàu bay. Nhưng rồi rau tàu bay cũng hết. Các chiến sỹ phải ăn những loại rau rừng mà chính họ cũng chẳng biết là rau gì. Họ chỉ biết vị đắng ngắt nhưng phải cố nuốt vì không có rau xanh thì không ăn được.

Thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là thời gian mùa khô. Chính vì vậy mà nước sạch trở thành thứ xa xỉ. Nước uống thì các anh nuôi phải vào rừng lấy nước suối để đun. Nhưng nước để tắm giặt, đánh răng, rửa mặt, cạo râu thì không có. “Có lẽ là hiếm có chiến dịch nào, khó có một thời kỳ nào mà bộ đội ta lại thiếu thốn như ở Điện Biên Phủ. Đặc biệt là ở Đồi A1: Đầu tóc thì bù rù, râu ria thì lởm chởm, người thì hôi hám, toàn máu, mồ hôi của đồng đội…”, ông Sơn bộc bạch.

Trong kí ức của ông Sơn, bom dội xung quanh Đồi A1 tạo ra những cái hố bom lỗ chỗ. Từ tháng 4 trở đi, mưa xuống khiến hố bom đầy nước. Đêm đêm, những người lính trẻ mang tất cả các vật dụng ra để lấy nước uống, không cần biết là bẩn hay sạch. Thậm chí họ cũng không hay biết có hai lính Tây bị ngã lộn xuống chết ngay dưới hố bom. “Tôi đã từng uống nước đấy, cho nên bây giờ mới hồng hào thế này chứ”, ông Sơn mỉm cười tếu táo.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính có thể có nhiều thiếu thốn nhưng tinh thần chiến đấu là thứ không bao giờ thiếu ở Chiến dịch Điện Biên Phủ mà đặc biệt là Đồi A1. Đến cả những anh nuôi cũng sẵn sàng cầm súng, chiến đấu vì từng tấc đất nói riêng và vì Tổ quốc nói chung.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.