187 vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng vi phạm Nghị định thư. Nông dân bỏ gieo sạ 180ha lúa do giá dịch vụ bơm nước quá cao. Ra quân diệt chuột, vệ sinh đồng ruộng. Công nhận di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
187 vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng vi phạm Nghị định thư
Khai thác
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay, cả nước có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Thị trường nhập khẩu chủ yếu sầu riêngcủa Việt Nam hiện nay là Trung Quốc.
Mặc dù, Cục Bảo vệ thực vật đã nhiều lần cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay biện pháp khắc phục vi phạm Nghị định thư, nhưng nhiều tỉnh vẫn vi phạm, thậm chí, một số tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn đã vi phạm nhiều lần. Theo đó, trong 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói vi phạm thì có 80 mã số vùng trồng và 43 mã số cơ sở đóng gói vi phạm 1 lần; 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần.
Việc này không chỉ ảnh hưởng đến lô hàng bị cảnh báo mà còn có nguy cơ đưa toàn bộ ngành hàng sầu riêng của Việt Nam vào tình thế bị nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Nông dân bỏ gieo sạ 180 ha lúa do giá dịch vụ bơm nước quá cao
Văn Vũ - Sx
Vụ lúa Đông Xuân đã thu hoạch xong hơn 2 tháng nay, nhưng hàng trăm hộ dân trong Tổ hợp tác số 12 (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) lại đồng loạt không gieo sạ khoảng 180 ha vụ lúa Hè Thu. Nguyên nhân là do người dân bức xúc, phản đối việc chủ đầu tư Trạm bơm Tân Hòa thu phí phục vụ tưới tiêu nước quá cao trong suốt nhiều năm qua.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2000 - 2012, bà con tổ hợp tác trả phí bơm nước cho 1000 m2/ vụ bằng 72 kg lúa tươi rồi giảm xuống 42 kg; từ 2013 – 2023 là 38 kg/1.000m2 /vụ. Nếu tính theo giá lúa hiện nay khoảng 8.000 – 11.000 đồng/kg thì chỉ riêng năm 2023, bà con sẽ phải trả 304.000 đồng/1000m2. Trong khi đó, các cánh đồng khác mức giá chỉ dao động từ 165.000 đồng đến 210.000 đồng/1.000m2 mỗi vụ. Nghĩa là bà con Tổ hợp tác số 12 đang phải trả phí dịch vụ cao hơn khoảng trên dưới 100.000 đồng so với các nơi khác. Với người dân, đây không phải là con số nhỏ.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng Huỳnh Văn Nhã cho biết, chính quyền địa phương đã nắm bắt được thông tin và sẽ sớm có hướng giải quyết phù hợp. Cùng với đó, huyện cũng đang vận động người dân bơm nước vào ruộng để làm đất, xuống giống.
Ra quân diệt chuột, vệ sinh đồng ruộng
Võ Dũng - Sx
Mới đây, hàng trăm nông dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã ra quân vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng, cây mai dương và thu gom bao gói thuốc Bảo vệ thực vật.
Theo bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, việc duy trì tổ chức Lễ phát động hàng năm giúp nông dân nâng cao nhận thức và hình thành tập quán bền vững trong việc tổ chức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đây cũng là hoạt động nằm trong kế hoạch tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia thu gom bao gói thuốc BVTV vào đúng nơi quy định theo Thông tư 05 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT - Tài nguyên và môi trường hướng đến không có bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên cánh đồng.
Công nhận di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam
Đinh Mười - Sx
Tối 11/5, tại Hải Phòng đã diễn ra chương trình Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới (UNESCO).
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, là di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 1992, tỉnh Quảng Ninh đã lập hồ sơ trình và năm 1994 vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, tiếp đó đến năm 2000 được ghi danh lần thứ 2. Để nâng tầm giá trị Vịnh Hạ Long, từ năm 2011 Quảng Ninh và Hải Phòng đã thống nhất và song hành lập hồ sơ trình UNESCO để vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 16/9/2023.
Hải Phòng cùng với Quảng Ninh sẽ xây dựng chương trình hành động, nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị đối với di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.