| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ xử lý chất thải mới giải tỏa áp lực cho người nuôi heo

Thứ Tư 15/05/2024 , 09:16 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Hiệu quả từ mô hình xử lý chất thải công nghệ mới đã giải tỏa nỗi lo ô nhiễm môi trường từ đàn heo 690.000 con của Bình Định.

Hộ anh Nguyễn Văn Bình, đội 9, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) thường xuyên nuôi 100 con heo. Ảnh: V.Đ.T.

Hộ anh Nguyễn Văn Bình, đội 9, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) thường xuyên nuôi 100 con heo. Ảnh: V.Đ.T.

Nước thải chăn nuôi không còn mùi hôi

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn Bình Định có hơn 770 trang trại chăn nuôi heo có quy mô nhỏ, vừa và lớn. Trong đó, có 47 trang trại ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu tại các huyện Hoài Ân, Phù Cát và thị xã An Nhơn.

Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn Bình Định có gần 690.000 con, trong đó đàn heo nuôi trong nông hộ khoảng 460.000 con. Với tổng đàn heo lớn, mỗi ngày hoạt động chăn nuôi heo ở Bình Định thải ra khoảng 1.000 tấn chất thải rắn và hơn 21.900m3 nước thải.

Huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “vựa heo” của Bình Định với đàn heo hơn 260.000 con. Ngoài 32 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, Hoài Ân còn có 5 trang trại chăn nuôi quy mô công nghệ cao và 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ, còn lại là chăn nuôi trong nông hộ.

Chăn nuôi heo ở Hoài Ân mạnh đến mức hầu như không có nhà nào không nuôi heo, con heo là “đầu cơ nghiệp” của người dân ở đây. Tuy nhiên, chăn nuôi càng phát triển thì môi trường lại là mối lo lớn của ngành chức năng huyện này.

Cuối năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định phối hợp với Đại học Văn Lang (TP. HCM) chọn hộ chăn nuôi để xây dựng thí điểm mô hình xử lý nước thải chăn nuôi bằng phương pháp sinh học có chi phí thấp. Hộ anh Nguyễn Văn Bình, người thường xuyên nuôi 100 con heo lứa ở đội 9, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, là 1 trong 2 hộ được chọn tham gia.

Mô hình của anh Bình sử dụng phương pháp tách cặn chất thải chăn nuôi thông qua hệ thống bể lắng kết hợp với hầm biogas. Ngoài ra, nước và chất thải còn được xử lý qua hệ thống máy bơm lọc sinh học, bơm hồ thu, máy thổi khí. Chất thải sau khi tách nước được ủ làm phân vi sinh để bón cho cây trồng rất hiệu quả. Nhờ đó, lượng nước thải trong chăn nuôi xả ra ngoài môi trường không còn mùi hôi như trước đây, không còn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Sát cạnh nhà anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Phú Thuận, từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ thường xuyên nuôi trong chuồng 100 con heo thịt nhưng không còn bị láng giềng càu nhàu về mùi hôi từ nước thải chăn nuôi heo. Bởi gia đình ông Kỳ đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi bằng công nghệ Wetland nên nước thải không phát sinh mùi hôi.

“Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi của gia đình tôi cũng giống như mô hình xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đơn giản của hộ anh Bình. Chỉ khác là nước thải chăn nuôi trong mô hình của tôi sau khi qua các công đoạn xử lý, được cho vào hệ thống bạt ny lông để trồng cây thủy canh như môn, bèo, rau muống… để làm thức ăn bổ sung cho heo”, ông Nguyễn Văn Kỳ chia sẻ.

Hộp vận hành hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi theo công nghệ mới tại hộ anh Nguyễn Văn Bình ở đội 9 thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hộp vận hành hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi theo công nghệ mới tại hộ anh Nguyễn Văn Bình ở đội 9 thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, tính đến tháng 1/2024, trên địa bàn huyện này có hơn 10.290 hộ chăn nuôi heo. Ngoài ra, gần đây tại địa phương còn phát triển mạnh nuôi gà với hơn 13.360 hộ nuôi.

“Chăn nuôi heo, gà mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, giúp địa phương phát triển kinh tế. Thế nhưng Hoài Ân đang phải đối mặt với nạn môi trường bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi do mật độ chăn nuôi dày đặc. Để hài hòa giữa phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường, huyện Hoài Ân đang triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm trong chăn nuôi”, ông Tín chia sẻ.

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Thực tế, quan trắc chất lượng nước mặt tại khu vực có tiếp nhận nước thải chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn cho thấy, các chỉ tiêu NO2, DO, COD, Amoni, Coliform… đều vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi heo hiệu quả, tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này có hơn 23.700 công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi heo do các dự án tài trợ và người dân tự đầu tư, khoảng 65% hộ chăn nuôi ở Bình Định có công trình biogas. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn công trình biogas của các hộ chăn nuôi ở Bình Định đã quá tải, hoặc do người chăn nuôi sử dụng chưa đúng cách nên xử lý chất thải chưa đạt yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Thông, người chăn nuôi heo ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) bộc bạch: “Gia đình tôi xây dựng công trình hầm biogas để xử lý chất thải và nước thải chăn nuôi heo đã 5 năm nay. So với lúc chưa có công trình biogas, mức độ ảnh hưởng môi trường do chăn nuôi heo giảm rất nhiều, nhưng thú thiệt để hết hẳn mùi hôi thì chưa thể”.

Bể hiếu khí có giá thể lơ lửng và lọc sinh học hiếu khí. Ảnh: V.Đ.T.

Bể hiếu khí có giá thể lơ lửng và lọc sinh học hiếu khí. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Lê Thị Liên, hộ chăn nuôi heo ở xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) chia sẻ: “Gia đình tôi có làm công trình biogas để xử lý chất thải chăn nuôi heo, nhưng do có ít vốn nên chỉ đầu tư làm công trình có công suất nhỏ. Nhiều lúc heo tăng giá, gia đình tôi tăng đàn heo khiến chất thải, nước thải cũng tăng theo, hầm biogas xử lý không xuể, khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng”.

Trước thực tế trên, trong thời gian qua, ngành chức năng Bình Định đã chú trọng ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện thực tế. Các địa phương có đàn heo lớn ở Bình Định còn nỗ lực tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện các mô hình xử lý, khử mùi; lắp đặt công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi, nhiều nhất là công trình quy mô nhỏ phù hợp điều kiện kinh tế hộ gia đình.

“Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn được các ngành chức năng huyện Hoài Ân cùng chính quyền các xã, thị trấn kiểm soát chặt chẽ. Các hộ chăn nuôi chủ động, tự giác xây dựng mô hình xử lý chất thải, nước thải, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Phương pháp tách cặn chất thải chăn nuôi thông qua hệ thống bể lắng kết hợp với hầm biogas, cùng phương pháp xử lý nước thải chăn nuôi bằng công nghệ Wetland là giải pháp tối ưu cho chăn nuôi quy mô nhỏ”, ông Nguyễn Văn Rô, Phó Trưởng Phòng TN-MT huyện Hoài Ân bày tỏ.

Theo Th.s Nguyễn Văn Nghĩa, Trường Đại học Văn Lang, 2 mô hình triển khai tại huyện Hoài Ân đều áp dụng công nghệ sinh học kết hợp với hóa-lý. Trong đó, tập trung xử lý ô nhiễm hữu cơ trong nước thải thông qua các công đoạn xử lý sinh học kỵ khí (hầm biogas), thiếu khí (bể thiếu khí khuấy trộn đáy) và hiếu khí (bể hiếu khí có giá thể lơ lửng và lọc sinh học hiếu khí).

Bể lọc chìm dưới đất nằm trong hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi tại hộ anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bể lọc chìm dưới đất nằm trong hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi tại hộ anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Kết quả phân tích chất lượng nước thải và xử lý chất thải tại các nông hộ sau khi áp dụng mô hình cho thấy hiệu quả cao. Các thông số về NO2, TSS, COD, BOD, Amoni, Coliform đều nằm trong biên độ tiêu chuẩn cho phép theo quy định. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư xây dựng các mô hình không quá cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi, điều kiện kinh tế của nông hộ”, Th.s Nghĩa chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Văn Bình, người chăn nuôi ở đội 9, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) đang áp dụng phương pháp tách cặn chất thải chăn nuôi thông qua hệ thống bể lắng kết hợp với hầm biogas, hệ thống vận hành thương xuyên nhưng mỗi tháng chỉ tốn 200.000đ tiền điện, trong khi lợi ích mang lại là rất lớn.

“Nước thải chăn nuôi được tách cặn hết, chỉ còn lại nước. Nước này thải ra môi trường không còn chút mùi hôi nào, gia đình tôi kể cả hàng xóm không còn khó chịu với mùi hôi của chất thải chăn nuôi như trước đây. Nếu nhà ai có vườn đất rộng, đào ao chứa lượng nước thải ấy để bơm tưới cây ăn quả trong vườn thì lợi ích nhân đôi. Vườn đất nhà tôi hẹp, không có ao trữ nước thải, tôi cho đường ống dẫn nước thải ra vùng ruộng tôi trồng môn để làm thức ăn xanh cho heo môn tốt xanh um”, anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Xem thêm
Địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh diện rộng

ĐĂK LĂK Trước tình hình dịch trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương tăng cường các giải pháp, phòng chống dịch có hiệu quả.

Phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất mô hình tôm lúa bền vững

KIÊN GIANG Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong mô hình tôm - lúa giúp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, giảm chi phí.

Trồng sâm Bố Chính trên đất màu bỏ hoang

HÀ TĨNH Sau hơn nửa năm trồng thử nghiệm, cây sâm Bố Chính bước đầu cho thấy chính thích nghi tốt với đất đai, khí hậu tại Hà Tĩnh, hé mở cơ hội mới cho người dân.

Bình luận mới nhất