Ngày 21/9/2014 tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức đưa vào khai thác. Đây là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, với chiều dài 245km, tổng kinh phí xây dựng 1.464 triệu USD chạy qua Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, đã rút ngắn thời gian chạy xe từ Hà Nội lên Lào Cai từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ. Lợi ích quốc gia đã nhìn thấy, nhưng người dân sống dọc hai ven đường thì vô cùng khó khăn...
Đoạn đường cao tốc qua xã Âu Lâu thuộc TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái với chiều dài 3,1 km, tổng diện tích đất thu hồi là 36,55 ha, trong đó có 27,56 ha xây dựng đường cao tốc, 8,9 ha xây dựng khu tái định cư.
Đoạn đường cao tốc qua xã Âu Lâu
Toàn xã có 256 hộ gia đình và 3 doanh nghiệp bị thu hồi đất, trong đó có 123 hộ phải di chuyển nhà ở và đất ở. Người dân trong xã đã nhận tiền đền bù, di chuyển nhà ở, vật kiến trúc, hoa màu, cây cối dành đất cho nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) thi công.
Trong quá trình thi công nhiều vấn đề nảy sinh, cho đến nay khi tuyến đường cao tốc sắp đưa vào khai thác những quyền lợi chính đáng của người dân vẫn chưa được giải quyết.
Sáng 16/9/2014, PV báo Nông nghiệp Việt Nam đã tới xã Âu Lâu tìm hiểu vì sao người dân nhiều lần kéo nhau lên mặt đường cản trở thi công.
Ông Lê Ái Toàn - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Âu Lâu cho biết: Quá trình thi công có 6,8 ha đất nông nghiệp bị đất đá bồi lấp, trong đó 5,6 ha là ruộng hai vụ, 1,2 ha ao cá, xã đã có công văn đề nghị TP và tỉnh yêu cầu nhà thầu bồi thường thiệt hại, hỗ trợ người dân nhưng cho đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.
Khu đồi của 17 hộ dân sau khi rào đường cao tốc, dân chỉ còn cách là bay mới lên SX được
Khi lu lèn đường, rung chấn đã làm 36 hộ gia đình bị nứt nhà cửa, khiến người dân kéo nhau lên mặt đường gây gổ và cản trở giao thông. Thành phố Yên Bái đã thành lập tổ bảo vệ ngoài việc giải thích cho người dân và bảo vệ cho nhà thầu thi công, nhất là khi Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có văn bản số 2786/VEC-QLTC cam kết hỗ trợ thì người dân mới không lên mặt đường cản trở.
Xã Âu Lâu có 4 cống dân sinh, trong đó có 1 cống chạy ra bến phà Âu Lâu cũ, hiện vẫn chưa hoàn thành, khiến việc đi lại rất khó khăn. Ngoài ra đất đồi gò của dân nằm bên kia đường, khi đường cao tốc rào thì người dân không có lối đi để canh tác, vì những vị trí này không thể làm đường gom được...
Anh Nguyễn Đình Giang, cán bộ Văn phòng xã Âu Lâu đưa chúng tôi tới gặp một số hộ dân để trực tiếp nghe người dân trình bày những bức xúc của mình.
Ông Đoàn Thế Biên, thôn Nước Mát, buồn bã cho biết: Gia đình tôi bị thu hồi 3 sào ruộng, 8.200m2 vườn tạp và nhà ở. Được nhà nước đền bù 600 triệu, xây ngôi nhà này hết 480 triệu, còn lại mua một nền nhà tái định cư. Khi thi công máy lu lèn đã làm rung chấn khiến nhà tôi bị nứt tường, sàn khắp nơi...
Vợ ông Đoàn Thế Biên chỉ những vết nứt trong nhà
Vợ ông Biên dẫn tôi lên xem những vết nứt trong nhà, bà lo ngại: Chúng tôi sợ lắm, hôm nào có bão là cả nhà không ai ngủ được... Ông Biên cho hay: Những khi chạy máy lu lèn khiến chén để trên bàn va vào nhau lách cách, lách cách. Còn dưới nền nhà thì cứ rung ình ình...
Nói rồi ông dẫn tôi lên khu đồi bị đường cao tốc xẻ làm đôi, đây là diện tích đồi gò của 17 hộ gia đình đang canh tác, trên đó trồng chè, keo, bồ đề..., nguồn thu nhập chính của người dân ở đó, khi đường cao tốc hoàn thành thì người dân không biết đi đường nào để canh tác.
Ông Biên và 16 hộ gia đình mong muốn VEC khi rào đường nên chừa một lối đi rộng chừng 3m men theo mép đường từ cầu chui qua QL37 để dân có lối đi lên đồi SX, còn qua cầu chui dân sinh phải đi vòng chừng 2km, nhưng cũng không có đường lên, khi vận chuyển lâm sản ra đường thì càng không có đường đi.
Ông Biên bên đồi keo bên kia đường cao tốc, sau khi đường cao tốc hoàn thành ông không biết lên đó bằng con đường nào
Ông Đỗ Nhân Nghĩa - PGĐ Sở GT-VT Yên Bái: "Việc bức xúc của người dân đang được tỉnh Yên Bái và VEC từng bước giải quyết. Tỉnh vừa rà soát lại những bất hợp lý, nhiều vấn đề nảy sinh sau khi rào đường để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân...". |
Chúng tôi tới tận nơi xem 4 cống dân sinh, tất cả còn đang xây dựng dở dang, cống dân sinh ra bến phà Âu Lâu cũ có chiều cao 3m, nền đường đã được trải nhựa vội vàng, hai bên đều chưa có rãnh thoát nước, mấy trận mưa vừa qua lở loét lung tung. Còn cống dân sinh thì ngập nước bùm bũm, cao 2,7m trẻ em đi học qua đây nếu đi bộ vào ngày mưa phải xắn quần tới đầu gối.
Khổ nhất là vận chuyển nông lâm sản và vật liệu xây dựng của người dân. Cống dân sinh chạy ra bến phà Âu Lâu cũ chiều cao chỉ 3m, nên chỉ các xe trọng tải nhỏ mới chui qua được, còn xe trọng tải lớn khi qua đây đều phải chuyển tải.
Những hộ gia đình xây dựng cơ sở chế biến ván bóc nằm sau cống chui đó đang kêu trời vì phải chuyển tải, chi phí đội lên không chịu nổi. Còn các hộ nằm sau 3 cống dân sinh còn lại nếu xây nhà, chỉ chở bằng xe rất nhỏ theo kiểu “kiến tha lâu ngày cũng đầy tổ”, chi phí sẽ tăng lên vài ba lần.
Tuyến đường Âu Lâu - Quy Mông bị xe trọng tải lớn thi công đường cao tốc cày xới tan tành, ổ voi, ổ trâu nằm chi chít như những hố bom thời chiến tranh, xe 5 chỗ không thể nào đi được.
Anh Nguyễn Đình Giang-cán bộ văn phòng xã Âu Lâu chỉ những hố nước trong cống dân sinh
Anh Nguyễn Đức Khâm, người thôn Châu Giang 3, bức xúc: Nhà của gia đình tôi bị xe lu lèn rung chấn nứt khắp chỗ, ruộng có 460m2 thì mấy năm nay bị ngập sâu đến 1m, không thể trồng cấy gì được, chẳng có việc làm vợ tôi chạy chợ, còn tôi phơi ván bóc thuê lấy tiền để sống.
Đường đi của người dân bị xe phá nát, lẽ ra họ phải đổ đất đá lấp tạm cho dân đi, nhưng không làm. Ngày mưa khốn khổ vô cùng, người lớn trẻ em ra đường đều phải đi ủng, bùn ngập ngang ống chân. Sống như thế ai mà chịu nổi?
Người dân đi qua cống dân sinh tối om và lầy lội bùn đất
Anh Khâm cho biết, thứ tư tuần tới bà con sẽ lại kéo nhau lên tỉnh hỏi bao giờ được hỗ trợ tiền nứt nhà và đất SX nông nghiệp...