Dây chuyền sơ chế mía của Cty NIVL
Để hiểu nỗi thống khổ của người bán mía khi bị bắt chẹt chữ đường, PV NNVN đã sắm vai người…đi bán mía cho các NM đường.
Sáng 21/1, biết chúng tôi có ý định vào Cty CP Mía đường Ấn Độ (Cty CP NIVL) tìm hiểu việc đánh chữ đường, một cán bộ xã Lương Bình (Bến Lức, Long An) nói ngay: “Khó lắm anh ơi. Ngay cả các cơ quan có thẩm quyền muốn vào kiểm tra, hay gặp lãnh đạo Cty cũng phải có giấy phép của lãnh đạo tỉnh. Sau khi trình giấy phép rồi phải đợi họ hội ý từ trên xuống dưới, xong hết những thủ tục này cũng mất cả tiếng. Còn nhà báo thì tôi nghĩ không có cách gì vào được đâu". Đổi hướng, tôi liền làm quen với mấy nông dân có mía chuẩn bị đưa đi cân để theo vào.
Ghe mía lặc lè của chúng tôi phải dừng lại xếp hàng cách bến ghe xuống mía của Cty NIVL gần một km. Phía trên ước tính có gần 500 ghe đang đậu mỏi mòn chờ đến lượt cân. Anh S- người chấp nhận cho tôi “quá giang” nói: “Mùa thu hoạch mía đang rộ nên mỗi ngày có cả ngàn ghe chở mía đợi thế này. Chuyện phải đợi chừng 10 - 12 tiếng mới đến lượt hoặc “ăn chực nằm chờ” ở bến một ngày một đêm là bình thường. Đợi chờ kiểu này mệt lắm chưa kể để mía lâu lượng đường bị giảm. Đã thế, phải cử người thường xuyên túc trực ghe nếu không sẽ bị bọn trộm mía hoành hành chưa kể ghe bị chìm. Ghe chìm vừa mất mía, có vớt lên được thì bán giá cũng giảm vì NM cho rằng mía bị…ngấm nước, mất đường".
Quan sát của chúng tôi ở khu vực bến ghe có nhiều nhóm từ 5- 6 người ngồi ngay trên bờ sông. Theo S đây chính là những “lái mía”. Do có mối “quan hệ” với NM nên mía mót, mía xấu họ mua tuốt nhưng giá cực bèo. Chờ đợi quá lâu (gần 5 giờ), chúng tôi đành theo chân S vào căntin của NM đường NILV. Do đang giờ cao điểm bán mía nên chúng tôi không kiếm được chỗ ngồi. Khuôn viên căntin được ngăn riêng một gian nhỏ bằng ván ép để treo bảng điện tử thông báo chữ đường. Đồng hồ trên bảng chỉ 14 giờ 51 phút, nhưng kết quả chữ đường đang hiện trên bảng từ lúc 4 giờ 13 phút sáng. S cho biết như vậy là từ sáng đến giờ NM không cân mía.
Nói về việc đánh chữ đường nhiều khi vô lý, ông Phùng Văn Út - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Bình cho biết, đã có lúc đại diện NM rút ba cây mía bất kỳ hoặc người bán tự chọn ba cây để đo chữ đường, kết quả sẽ được tính chung cho cả ghe mía. Tuy nhiên, không ai vào được khu vực thử chữ đường nên qui trình thử, kết quả chính xác đến đâu thì không ai biết. Chính vì thế, mía trên cùng một ruộng mà nhiều ghe chở thì mỗi ghe có kết quả chữ đường khác nhau là thường tình. “Mình đến kiểm tra việc thử chữ đường, cán bộ của họ làm thì đúng, nhưng khi mình về thì đâu lại vào đấy".
Theo ông Phùng Văn Út, những năm trước, diện tích mía của xã khoảng 1.100ha, khi đó thu nhập của nông dân chủ yếu từ cây mía. Năm 2010 này diện tích trồng mía giảm chỉ còn chưa đến 900ha do người nông dân bỏ cây mía chuyển sang trồng chanh (gần 200ha) và đu đủ. Nguyên nhân cũng từ việc đánh chữ đường không đúng.
Còn ông Ngô Tấn Thời - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa (Bến Lức) cho rằng, diện tích mía xã này trước kia là 2.700ha, nay chỉ còn hơn một nửa. Cứ tình trạng này chắc cây mía sẽ không còn. "Tôi thấy một chuyện rất lạ là dân trồng mía ở tận Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang…lại chở mía lên đây bán cho Cty CP Mía đường Hiệp Hòa, Cty NIVL. Ngược lại người trồng mía của địa phương khi bị tính chữ đường thấp lại chở xuống các tỉnh trên để bán. Họ cho biết NM ở địa phương tính chữ đường chỉ 6, 7 chữ nhưng đưa đi nơi khác bán chữ đường lại cao hơn. Phải chăng đây chính là chiêu hút nguyên liệu từ vùng khác đến của các NM đường?".