| Hotline: 0983.970.780

Không bố trí người có quan hệ gia đình trong 13 ngành từ Trung ương đến địa phương

Thứ Tư 26/07/2023 , 19:17 (GMT+7)

Bà Trương Thị Mai đặc biệt lưu ý các ngành, địa phương, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, đặc biệt là 13 ngành đã nêu cụ thể trong Quy định...

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị.

Ngày 26/7, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các quy định mới ban hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thường trực các tỉnh, thành ủy, Ban Tổ chức Trung ương và các cấp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương quán triệt Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”; đồng chí Nguyễn Quang Dương,  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Quy định số 113-QĐ/TW ngày 10-7-2023 của Ban Bí thư về “Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương”.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, Quy định 114 kế thừa Quy định 205 năm 2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền, đồng thời bổ sung một số hành vi mới như: “Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ”; “Khi nhận đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, lúng túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cấp có thẩm quyền xử lý”.

Quy định 114 cũng quy định 6 hành vi chạy chức chạy quyền, kế thừa Quy định 205, có bổ sung hành vi mới là “Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

Cùng với đó, để tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, theo Quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan bao gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương...

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban  thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, trong những năm qua, Đảng ta ban hành nhiều chủ trương, quyết định, quy định nhằm siết chặt kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ. Đồng thời, bổ sung, sửa đổi nhiều quy định, tiêu chí cho phù hợp với yêu cầu, bối cảnh trong tình hình mới như: Các tiêu chí cụ thể đối với từng chức danh từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương; các chức danh chủ chốt các cấp; Việc quy định rõ về thời gian giữ chức, thời gian tối thiểu giữ chức trước khi được bổ nhiệm thăng chức, luân chuyển…

Trước quy có Quy định 205, cũng đã có nhiều quy định như Quy định 69 về kiểm tra, kỷ luật Đảng; quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm, Quy định 08 về nêu gương đều có phần liên quan tới chống các hành vi vi phạm trong công tác cán bộ…

Quy định số 37 -QĐ/TW ban hành năm 2021 cũng nêu rõ tại Điều 12: “Có hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng, phong tặng danh hiệu, đi học, đi nước ngoài, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định”.

Quy định nêu gương số 08-QĐi/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nêu rõ yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”. Trong đó cũng nêu lên những yêu cầu các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện: “Giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận. Chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc”.

Tại điều 3 Quy định 08 cũng nêu rõ kiên quyết chống: Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân…

Do đó, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, việc sửa Quy định 205 cũng để tiếp tục đồng bộ với các quy định số 37; Quy định 08.

Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai cũng trả lời giải đáp thắc mắc của các đại biểu xung quanh 2 quy định mới. Với các trường hợp đã bố trí người nhà trước khi có quy định, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát để thực hiện theo đúng quy định.

Đồng chí Trương Thị Mai đặc biệt lưu ý các ngành, địa phương, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm theo Quy định là không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, đặc biệt là 13 ngành đã nêu cụ thể trong Quy định. “Đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người, tâm tư, tình cảm, mong muốn. Ai cũng muốn con em, người trong gia đình mình trưởng thành, phát triển. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng. Chỉ có điều nếu mình là người đứng đầu, người cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ, gương mẫu. Quy định cấm thì không được làm, yêu cầu gương mẫu thì phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt trong phạm vi, chức trách của mình, cụ thể hóa, thường xuyên kiểm tra, giám sát Quy định 114, khi phát hiện bất bình thường, có dư luận bức xúc phải kiểm tra, xử lý nghiêm theo Quy định. Quá trình triển khai nếu xảy ra vướng mắc phát sinh, các đơn vị cần kịp thời báo cáo để Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết.Có như vậy Quy định 114 mới đi vào thực chất, tạo niềm tin của cán bộ đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ...

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.