Đây là tiền đề quan trọng, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2015-2021, toàn tỉnh đã cắt giảm gần 2.800 chỉ tiêu biên chế so với chỉ tiêu biên chế giao năm 2015, hoàn thành mục tiêu giảm 10% theo yêu cầu tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
100% công chức cấp tỉnh và cấp huyện làm nhiệm vụ chuyên môn có trình độ đại học trở lên, trong đó, tỷ lệ sau đại học chiếm 45%; 100% công chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo đạt tiêu chuẩn điều kiện theo quy định; 90% công chức có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ mới hiện nay, công tác cán bộ của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu về công tác cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu chưa phản ánh đúng thực chất; còn tình trạng CBCCVC chưa lượng hóa bằng sản phẩm, công việc cụ thể và lấy kết quả công tác làm thước đo để đánh giá; các trường hợp yếu kém về năng lực có lúc, có nơi chậm được thay thế.
Để khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trên, tạo đột phá trong công tác cán bộ, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã ký quyết định phê duyệt Đề án đột phá về công tác cán bộ trong các cơ quan, đơn vị khối nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, tỉnh tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, tập thể lãnh đạo và thủ trưởng cơ quan về công tác cán bộ; sửa đổi, bổ sung ban hành mới các quy định về công tác cán bộ, tạo sự đồng bộ liên thông và thống nhất; bố trí sử dụng biên chế tiết kiệm, hiệu quả; không giao biên chế cho các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ chi hoàn toàn.