Tin nhanh của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia lúc 13h chiều 7/9 cho thấy, vị trí tâm bão số 3 ở khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 107.1 độ Kinh Đông, trên vùng ven bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.
Ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), gió đã mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 7, giật cấp 12; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 11, giật cấp 13.
Vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Biển động dữ dội.
Thông tin tại Sở chỉ huy tiền phương ở TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, ngay từ khi nhận định được sức mạnh của cơn bão số 3, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chủ động công tác ứng phó.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh tới Sở chỉ huy tiền phương để các cấp, các ngành hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cần thông báo rộng rãi đến người dân không lưu thông ngoài đường trong thời gian bão đổ bộ, thậm chí có phương án cấm hoàn toàn ở những vị trí có gió to.
Tại phiên họp vừa tổ chức tại Hải Phòng, đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất do bão số 3 sẽ là các khu vực Quảng Yên, Bãi Cháy, Cát Bà, Hạ Long (Quảng Ninh) và An Lão, Tiên Lãng, Hải An, Đồ Sơn (Hải Phòng).
"Thời điểm mưa, gió ảnh hưởng mạnh nhất là từ 12-14h chiều. Sau 17h cấp độ bão sẽ giảm", vị này nói.
Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, sức gió tại 2 đảo tiền tiêu là Cô Tô, Bạch Long Vĩ đã giảm, nhưng tăng nhiều hơn trong khu vực đất liền. Cả hai địa phương đều ghi nhận những thiệt hại bước đầu do bão số 3, đồng thời tổ chức sơ tán người dân khỏi các vị trí nguy hiểm.
Một số công trình xây dựng nhỏ đã bị sập. Tình trạng mất điện, cắt điện cục bộ đã xảy ra tại vài nơi tại Quảng Ninh, Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định tập trung lực lượng, vật tư sẵn sàng ứng phó tại các điểm xung yếu ở những tuyến đê biển, đê sông. Bên cạnh đó, bố trí người ứng trực tại các hồ chứa nhỏ.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin, đồng thời duy trì cấm đường, hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà đến sau 20h tối nay 7/9, để giảm thiểu thiệt hại về người và của.
Các cơ quan khí tượng, thủy văn khu vực, trạm khí tượng thủy văn phải tiếp tục phát huy, làm tốt công tác cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản tại khu vực miền núi, khu vực có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.
Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương được giao phối hợp rà soát quy trình vận hành xả lũ các hồ chứa, tránh xảy ra lũ chồng lũ do mưa lớn từ hoàn lưu sau bão.
Phó Thủ tướng lưu ý phải duy trì thật tốt các kênh thông tin liên lạc giữa Sở chỉ huy tiền phương với các bộ, ngành, chính quyền các cấp cũng như các lực lượng chức năng.