| Hotline: 0983.970.780

Không thể nói đến tiêu thụ, nói đến thị trường khi hàng hóa không đạt chuẩn

Thứ Tư 21/08/2024 , 09:47 (GMT+7)

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói trước khi nghĩ đến chính sách thị trường cần có các giải pháp về liên kết sản xuất.

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.

Trả lời mở đầu phiên chất vấn về mở cửa thị trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, chủ trương mở cửa thị trường đã nhất quán để tạo điều kiện cho dòng chảy của nông sản từ đồng ruộng đến được với người tiêu dùng, kể cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.

“Trong thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương đã liên tục làm việc để có được các nghị định thư giúp tiêu thụ nông sản ở nước ngoài”, ông Lê Minh Hoan nói.

Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho nông sản cũng là vấn đề lớn. Theo Bộ trưởng, chúng ta không thể nói đến tiêu thụ, nói đến thị trường khi mà hàng hóa của chúng ta không đạt chuẩn.

Do đó, Bộ NN-PTNT quan tâm đến việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đó là vấn đề rất lớn đối với nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

“Chúng ta cần xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành các hợp tác xã đủ mạnh. Vừa qua, tôi về Bình Lục, Hà Nam trong điều kiện khó khăn do ngập úng, từ đó tôi càng nhìn rõ hơn tính manh mún của nền nông nghiệp chúng ta”, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ thêm.

Bộ trưởng cũng khẳng định, trước khi nói đến các chính sách về hỗ trợ tiêu thụ, chúng ta cần quan tâm đến các chính sách thúc đẩy liên kết, biến những mảnh ruộng nhỏ thành những mảnh ruộng lớn, những khu vườn nhỏ thành những khu vườn lớn.

Vấn đề này, đề nghị các địa phương cùng quan tâm bởi vì Bộ NN-PTNT cũng không thể bao trùm được hết các vai trò liên kết, cơ cấu lại vùng trồng, cơ cấu lại ngành sản xuất của từng địa phương theo từng loại sản phẩm có thế mạnh.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm phát triển sản phẩm OCOP. Hiện nay, cả nước có khoảng 13.000 sản phẩm OCOP, đây là một kênh để tiêu thụ các sản phẩm đã chế biến, giúp tăng giá trị cho nông sản của địa phương theo từng cấp độ.

Nếu giải quyết tốt vấn đề này, chúng ta vừa có thể giải quyết được áp lực thị trường, vừa tạo thêm được sinh kế từ việc làm cho bà con nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn sáng 21/8. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn sáng 21/8. Ảnh: Quốc hội.

Liên quan vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu, ông Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT nhận định thương hiệu tốt sẽ góp phần làm gia tăng giá trị rất lớn cho nông sản. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Bộ NN-PTNT chưa có nghị quyết nào về vấn đề thương hiệu.

Thứ hai, nhiều người thường nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Thực chất, nhãn hiệu có thể xây dựng và bảo hộ rất dễ nhưng thương hiệu thì cần đến niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, độ đồng đều… được xây dựng trong thời gian nhiều năm với mỗi sản phẩm.

Do đó, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ Công thương để xây dựng những thương hiệu nông sản. Muốn làm được điều đó, lại quay về vấn đề vùng nguyên liệu tập trung, khắc phục những hạn chế từ việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều.

Bên cạnh đó, cần tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực để xây dựng thương hiệu quốc gia. Cùng với các hiệp hội ngành hàng xây dựng các thiết chế để bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương đang đề xuất với Chính phủ xây dựng Hội đồng lúa gạo quốc gia, đây sẽ là bước để thay đổi về mặt thể chế, không tham gia sâu vào thị trường nhưng có thể can thiệp khi xảy ra xung đột, biến cố nào đó, nhất là với ngành lúa gạo, vốn mang cả hình ảnh của quốc gia.

Sau lúa gạo, có thể là các sản phẩm chủ lực khác như sầu riêng, cà phê, hồ tiêu… Phải có sự điều hành để chuỗi ngành hàng hoạt động đồng đều trong nhiều năm mới có thể xây dựng được thương hiệu uy tín.

Về vấn đề quy hoạch nông nghiệp, đây là một vấn đề khó trong nền kinh tế thị trường và được nhiều người quan tâm để tránh được vấn đề thừa thiếu nông sản.

Bộ NN-PTNT xác định không thể làm được tất quy hoạch được đối với tất cả các nông sản chủ lực nhưng tại Tây Nguyên đã có 2 năm thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu với các sản phẩm đặc trưng như cà phê, cao su, cây ăn quả…

Chỉ khi chúng ta có được những vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, có sự liên kết giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp thì mới có được giá trị gia tăng và thương hiệu mạnh. Điều này cũng cần có thêm sự đồng hành, vào cuộc của các địa phương.

Liên quan đến vấn đề tăng lợi nhuận cho người trồng lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến giải pháp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành. Một trong những minh chứng cụ thể cho vấn đề này đó là việc thí điểm sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL.

Xem thêm
Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.