Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội thảo tập huấn kỹ năng khai thác, tìm hiểu thông tin thị trường nông sản. Giúp người chăn nuôi, các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nắm vững hơn những kiến thức và nhu cầu của thị trường.
Khách hàng hài lòng với sản phẩm là mục tiêu lớn nhất
Tuyên Quang có nhiều nông sản đặc sản, tuy nhiên việc liên kết xây dựng các chuỗi sản phẩm chưa nhiều, do đó việc nắm bắt nhu cầu thị trường là rất cần thiết.
Ngày 27/11, tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội thảo tập huấn kỹ năng khai thác, tìm hiểu thông tin thị trường nông sản. Hội thảo giúp người chăn nuôi, các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nắm vững hơn những kiến thức và nhu cầu của thị trường.
Những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được 3.390ha cây trồng đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP; có 8 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) được 43.878ha; có 5 cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong chế biến sản phẩm nông sản.
Tiếp cận tốt hơn với nhu cầu thị trường, các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh Tuyên Quang chủ động xây dựng phương án mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương; đưa sản phẩm quảng bá, giới thiệu thông qua các hội chợ nông lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh; ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển sản xuất nông nghiệp.
Trên thực tế, tại nhiều địa phương của tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là huyện Lâm Bình sản phẩm hàng hóa bán chủ yếu theo hướng truyền thống và nhỏ lẻ, manh mún. Sản xuất chưa nắm bắt nhu cầu thị trường nên dù nông sản được đánh giá có chất lượng khá cao nhưng cho giá trị chưa lớn, hiệu quả kinh tế chưa cao và chưa xây dựng được thương hiệu. Người dân vẫn bán những cái mình có, nhưng chưa chú ý đến việc phải bán cái nhu cầu thị trường cần.
Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị tại hội thảo, các doanh nghiệp, cá nhân, HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ có thể biết cách nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển.