| Hotline: 0983.970.780

Kiên định một lối đi

Thứ Sáu 21/06/2019 , 07:30 (GMT+7)

Không chỉ là những kỷ niệm mà còn là tình cảm quý báu của người nông dân, nếu không “ăn ngủ” với họ để viết bài thì không bao giờ có được.

Lời giới thiệu:

Nhà báo Dương Đình Tường Hoàng Anh kiên định lối đi riêng với đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhọc nhằn có. Cay đắng có. Nhưng, chưa khi nào hai anh thôi trăn trở, gắn bó với thân phận người nông dân.

Cuộc trò chuyện dưới đây bắt đầu từ sự ngẫu nhiên nhưng lấp lánh tuyên ngôn về nghề, về sự lựa chọn, dấn thân của hai nhà báo đã 8 lần đoạt Giải báo chí Quốc gia. Nói rộng ra, đó là triết lý, hướng đi của cả tòa báo.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả cuộc trò chuyện thú vị này nhân dịp 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

(Nhà báo Mai Xuân Nghiên)

Nhà báo Hoàng Anh (trái) và nhà báo Dương Đình Tường. Ảnh: Tùng Đinh.


Nhà báo Hoàng Anh: Hơn 10 năm từ ngày tôi vào báo, hiếm khi thấy Dương Đình Tường “ngồi” cơ quan quá nửa tháng. Trong bối cảnh báo chí hiện tại, có lẽ cũng không còn có nhiều người viết về nông thôn khỏe, nhiều và hay như anh. Đó có thể là tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm của Dương Đình Tường, của một “người con nông dân” như anh vẫn hay nhận, đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng, cái cách viết, cái sự tìm tòi, cái đau đáu của Dương Đình Tường khiến không ít người nghĩ như thể anh “mắc nợ” người nông dân, mắc nợ nông thôn vậy.

Nhà báo Dương Đình Tường: Phóng sự trên báo chí ngày càng ít đi theo tôi bởi hai lý do. Thứ nhất là bởi bây giờ là xã hội thông tin, độc giả có xu hướng đọc nhanh nên không thích đọc kiểu phóng sự kiểu “dây cà, dây muống” tả lan man trên giời, dưới bể, thể hiện quá nhiều cảm xúc, trải nghiệm thậm chí là dịp để khoe chữ nghĩa của người viết nhưng lại không mấy hữu ích cho độc giả.

Bởi thế mà bản thân phóng sự cũng cần phải có sự thay đổi, viết sâu nhưng hàm lượng thông tin phải thật nhiều, thật độc quyền, thật tin cậy và thật hữu ích. Các dạng longform hay emagazine ngày nay có nhiều hơi hướng phóng sự như vậy.

Thứ hai, bản thân người viết cũng thay đổi. Thế hệ tôi rất nhiều người vào nghề bằng con đường viết phóng sự, thành công, nổi tiếng. Nhưng số người gắn bó với phóng sự cứ dần rơi rụng. Họ chọn con đường khác để thích nghi, để tiếp cận với độc giả nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Khác với một số đồng nghiệp viết phóng sự vì sự kích thích của những cái lạ, mà thường chỉ có ở miền núi như các “dị nhân” với các tài lẻ phi thường, các phong tục tập quán độc quán độc đáo như đi chân trần trên lưỡi dao, trên lửa, thò tay vào chảo dầu đang sôi, các số phận thật đặc biệt đầy ám ảnh về sự nghèo khó, thiệt thòi hay bi kịch, tôi thường tìm những dạng đề tài giản dị ở trong chính vùng đồng bằng, ở nông thôn. Và từ lúc tôi hành nghề, gần 20 năm nay, vẫn chỉ kiên định một lối đi ấy mà thôi.
 

Nhà báo Dương Đình Tường (phải) trong một chuyến đi thực tế ở vùng biển Sầm Sơn.


Nhà báo Hoàng Anh: Xưa nay, với người nông dân như xã hội nhìn nhận thậm chí là họ tự đánh giá mình là thành phần chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro. Tiếng nói, khát vọng, tâm tư của họ đang bị bao bọc bởi những rào cản nhất định… Thực ra thì anh hay chúng ta cũng đều là “những người con nông dân” cả. Thế nên cầm bút viết về họ không chỉ là tình cảm, trách nhiệm, sứ mệnh mà còn là sự tri ân “người mẹ” vĩ đại này.

Nhà báo Dương Đình Tường: Nông dân là người có nhiều cái nhất và buồn thay lại thường theo hướng tiêu cực như hi sinh nhất, thiệt thòi nhất, rủi ro nhất và ít muốn bộc lộ mình nhất. Ngày nay tam nông đã khắc phục được phần nào sự thiệt thòi ấy cho người nông dân nhưng tôi thấy vẫn quá nhiều khác biệt giữa người thành thị và người nhà quê, giữa phố xá và làng mạc. 

Là một người sinh ra và lớn lên ở nông thôn tôi luôn mong muốn nói lên được một phần nào tiếng nói của người nông dân. Trong chiến tranh họ đã phải chịu gian khổ, hi sinh quá nhiều nhưng trong hòa bình, giữa thời phôi thai của kinh tế thị trường thân phận họ vẫn còn nhiều chìm nổi của sự thiếu kiến thức, của được mùa mất giá, của dịch bệnh thiên tai... nhưng họ thường ngại nói ra những tâm tư, khát vọng sâu kín ấy hoặc không biết nói ra. Bởi thế tôi thường ba cùng với bà con, ăn cùng, làm cùng, ở cùng. 

Nếu cứ “dí” ống kính máy ảnh hay ghi âm vào người nông dân thì thường chỉ khai thác được thông tin bề nổi mà thôi bởi họ hay nghĩ, nhà báo đang phỏng vấn ta đây. Tuy nhiên khi ăn cùng, làm cùng, ở cùng giống như những người bạn, người đồng nghiệp của họ ngoài công việc, thu nhập, đời sống của nông dân thì ta lại thường biết thêm được những dự định, hoài bão, khát vọng, ước mơ của họ nữa.
 

-tuong-h-2092656145
Ảnh: Tùng Đinh.


Nhà báo Hoàng Anh: Thực tế chỉ ra rằng chính nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chất liệu tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc và từ lâu đã là một “đặc sản” trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Ban Biên tập báo qua các thời kỳ đều chỉ đạo, định hướng, khuyến khích và xây dựng các chuyên đề nông thôn mang đậm hơi thở đời sống, đậm tính thực tiễn.

Từ "Thao thức với nông dân", "Thanh niên nông thôn đang nghĩ gì", "Nông dân đang cần gì", "Mối lo làng quê", "Gánh nặng quê nghèo" cho đến "Những hạt ngô máu", "Thuốc độc ở chính trong ta" và nhiều chuyên đề phóng sự dài kỳ tạo được dấu ấn mạnh trong lòng độc giả. Điều đó phần nào khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là đề tài có sức hấp dẫn riêng và là kho chất liệu vô tận để báo chí khai thác và hoàn toàn có thể viết hay, hấp dẫn.

Nhà báo Dương Đình Tường: Đúng như thế. Nông thôn nói chung và nông thôn miền Bắc nói riêng là một kho báu bất tận với nhà báo nếu biết cách khai thác bởi nó không lộ thiên mà phải tìm tòi, khám phá với nhiều lớp vỉa khuất lấp sau vỏ bọc bên ngoài bình thường.

Tôi quan niệm đề tài giống như con xúc xắc vậy. Mỗi lần tìm thấy đề tài tôi cố gắng tìm hiểu tất các góc độ của con “xúc xắc” ấy, một chấm, hai chấm, ba chấm, bốn chấm thường chưa muốn dừng lại mà phải tìm tiếp năm chấm, sáu chấm - những góc độ sâu nhất của đề tài rồi mới bắt tay vào viết. Chỉ như thế tôi mới thấy hết sự hứng thú của nông thôn.

Bản thân tôi và các phóng viên khác ở Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn và thấm nhuần sự chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo báo qua các thời kỳ.

Thực tế, những đề tài nông thôn vẫn có những vấn đề gai góc nhất định. Có những tranh cãi, những phản hồi, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn kiên định bước tiếp trên con đường Báo Nông nghiệp Việt Nam đã chọn với một niềm tin sẽ đi đến đích. Và cả “ngôi nhà” Nông nghiệp Việt Nam, nơi mà tôi nhớ nhà văn Văn Chinh từng viết rằng “có một cái trần nhà để phóng viên mặc sức “múa kiếm” mà không sợ bị thương”. Con đường ấy, định hình rõ ràng như thế, tôi và những thế hệ phóng viên nối tiếp, cứ thế bước đi thôi.

Nhà báo Hoàng Anh (áo đen) cùng đồng nghiệp vào bãi vàng Mà Sa Phìn, Lào Cai.


Nhà báo Hoàng Anh: Nông thôn qua ngòi bút của Dương Đình Tường có lúc hấp dẫn, có lúc xót xa, lại có khi bí bách, nhức nhối, thậm chí là cả những tranh cãi… Nhưng rồi cuối cùng, đọng lại vẫn là sự phản ánh đúng thực tế, phản ánh những gì đang diễn ra ở nông thôn như thế. Tôi vẫn thường thấy anh trăn trở khá lâu sau những bài viết của mình.

Nhà báo Dương Đình Tường: Ngoài phản ánh được thực tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tôi mong mỏi sau mỗi bài viết là tác động xã hội của nó theo hướng tích cực, là cả xã hội mà nhất là các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà nước hiểu được các vấn đề đang xảy ra trong khối tam nông, nhu cầu đang có của nông dân và bắt tay vào hành động. Tôi mong mỏi, sau mỗi bài viết của mình và các đồng nghiệp khác, đời sống của nông dân ở khu vực đó và rộng ra là trên toàn quốc có chút ít thay đổi tốt hơn.

Năm nay là lần thứ tư tôi đạt giải Báo chí Quốc gia, cảm giác hồi hộp đã vơi dần, nhưng niềm vui thì vẫn vẹn nguyên vẹn như cũ. Vui không hẳn vì chuyện giải mà cái chính là hiệu ứng xã hội của mỗi loạt bài của mình…

Đó là “Mối lo làng quê” lần đầu tiên đề cập đến một chuyện lạ ở nông thôn, người nông dân làm đơn xin trả lại ruộng vì hiệu quả sản xuất quá thấp. Sau khi báo đăng tải, trở thành một sự kiện nóng ở trong Quốc hội và thúc đẩy nhà nước phải dồn điền đổi thửa, “cởi trói” thêm cho khu vực nông thôn.

Đó là “Những hạt ngô máu” nói về chuyện hàng ngàn hộ nông dân ở Sơn La phải vay nợ dạng tín dụng đen của các đại lý nông nghiệp đến mức sau một thời gian nhiều người phải gán trâu bò, ruộng nương. Sau khi báo đăng tải, tỉnh Sơn La phải chỉ đạo công an vào cuộc, thu hồi lại đất đai, khoanh nợ cho bà con.

Đó là “Trong những ngôi nhà được dựng bằng chai thuốc sâu” nói về chuyện nhiều đồng bào Mông ở Sơn La lạm dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, không chỉ dùng bừa bãi trên nương, dưới ruộng mà còn mang cả vỏ chai về để dựng nhà. Sau khi báo đăng tải, tỉnh Sơn La đã huy động lực lượng đi thu hồi vỏ chai thuốc sâu, tuyên truyền cho đại lý cũng như nông dân biết cách dùng thuốc sâu bốn đúng. Và năm nay, đó là loạt “Thuốc độc ở chính trong ta”…

Nhà báo Hoàng Anh: Nhân nói về loạt bài "Thuốc độc ở chính trong ta", có thể nói rằng, đây là một vấn đề tưởng chừng như “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng qua cách khai thác của anh, ngòi bút của anh đã tạo được hiệu ứng xã hội và được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia 2018 chấm giải B thể loại phóng sự. Chúc mừng anh một lần nữa.

Tôi thấy rằng, có những đề tài ở nông thôn không bao giờ cũ, viết vào thời điểm nào cũng thời sự, cũng nhức nhối. Chẳng lẽ những vấn đề ở nông thôn nó dai dẳng hơn, ít được quan tâm hơn so với những vấn đề ở đô thị chăng?!
 

-tuong-h-3092656695
Ảnh: Tùng Đinh.


Nhà báo Dương Đình Tường: Về loạt bài này, tôi tình cờ được một giáo viên chuyên dạy về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kể về kết quả thử máu phát hiện nhiễm dư lượng hóa chất của nhiều thành viên lớp học cộng đồng mà đa số là cán bộ, lãnh đạo xã hay phòng ban của 4 huyện ngoại thành Hà Nội. Không chỉ có vậy mà hàng trăm nông dân ở Hà Nam, kể cả những đứa trẻ chưa bao giờ biết đến đồng ruộng cũng bị nhiễm thuốc BVTV trong máu.

Sức khỏe và ô nhiễm môi trường luôn là mối quan tâm của toàn xã hội. Với mong muốn tuyên truyền cho người nông dân biết tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV không phải đâu xa lạ mà với chính bản thân và người thân mình.

Cho người tiêu dùng nhận biết những sản phẩm nào thường sử dụng nhiều thuốc BVTV, cách mà họ vô tình đang tiếp tay cho việc lạm dụng thuốc.

Cho nhà quản lý biết đường đi của những thuốc BVTV độc hại giá rẻ và thúc đẩy họ phải hành động để ngăn chặn hiện tượng này tôi quyết tâm thực hiện bằng được tuyến bài.

Sau khi báo cáo đề tài và nhận được sự ủng hộ cao từ lãnh đạo báo, tôi liền đi thực tế. Trong các huyện ngoại thành Hà Nội nổi lên có Mê Linh - vựa hoa của thành phố nhưng cũng là nơi sử dụng thuốc trừ sâu nhiều nhất, gấp khoảng 10 - 15 lần so với những huyện trồng lúa.

Tại đây dân đi phun thuốc phải chụp kín mặt nạ phòng độc, nhiều người còn sử dụng bể chứa bằng nhựa loại 1.000 lít để hòa thuốc rồi dùng máy bơm công suất cao để xịt.

Hóa chất bốc lên tạo thành một làn sương phủ kín không gian khiến cho bất kỳ ai đi qua cũng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt.
 

Nhà báo Hoàng Anh (trái) và nhà báo Dương Đình Tường. Ảnh: Tùng Đinh.


Trong quá trình tìm hiểu thông tin, tôi cũng gặp một số trở ngại nhất là chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, quản lý bởi họ e ngại trách nhiệm. Đây cũng là vấn đề chung của các nhà báo khi tác nghiệp, rất thiếu sự hợp tác, cung cấp thông tin từ phía có thẩm quyền nên để có được thông tin hai chiều là rất vất vả…

Tất cả những thông tin, cảm xúc đó được tôi chuyển tải hết vào trong bài. Loạt phóng sự điều tra “Thuốc độc ở chính trong ta” do báo Nông nghiệp Việt Nam đi tiên phong đó đã gây tác động mạnh mẽ cho xã hội nhất là khi được hàng loạt đài truyền hình, báo, đài tiếng nói, trang mạng như VTV, Nhân dân, Lao động, Zing.vn, VTC, Vietnamnet, VOV… tiếp sức, thực hiện phản ánh, tìm hiểu tiếp.

Chủ đề thuốc sâu ở trong máu đã thu hút sự quan tâm của hàng chục triệu người trong suốt mấy tháng 7 - 8 của năm 2018.

Nhiều cuộc họp và hội thảo đã diễn ra ở Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ Thực vật để bàn cách hạn chế việc lạm dụng thuốc. Cụ thể đến năm 2020 cắt giảm 30% tên sản phẩm thương mại thuốc BVTV hiện đang lưu hành tại Việt Nam, tức khoảng 1.000 sản phẩm (hiện tại đang có trên 4.000 sản phẩm).

Không phải đâu xa, trước tiên, ngay trong năm 2018, 2019 là những hoạt chất độc nhất được loại bỏ như 2.4 D, Paraquat (có tác dụng trừ cỏ mạnh giống như chất đi ô xin trong chiến tranh), Acephate, Diaziuon, Malathion với hàng trăm sản phẩm thương mại trên thị trường đã bị cấm. 


Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi được đóng góp những bài báo có hiệu ứng xã hội cao, có sức lan tỏa, góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc BVTV, thay đổi cuộc sống của họ theo chiều hướng tích cực hơn. Đó là phần thưởng cao quý nhất của cuộc đời người làm báo.

Nhà báo Hoàng Anh: Trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, Dương Đình Tường vẫn thường nói, anh đi cơ sở không bao giờ ngủ nhà khách hay khách sạn, là bởi vì muốn tận dụng tối đa thời gian ở với những người nông dân. Anh muốn thở bằng bầu không khí của họ, ăn bữa cơm hàng ngày của họ, sinh hoạt cuộc sống của họ để làm bạn với người nông dân nhằm khai thác tư liệu trong những câu chuyện bên mâm cơm gia đình hay chén nước chè, như thể 2 người nông dân chia sẻ, tâm sự với nhau vậy.

Nó tạo nên phong cách “lọ mọ” Dương Đình Tường, “tiết kiệm” thế, hẳn phải có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhiều tình cảm với người dân lắm.

Nhà báo Dương Đình Tường: Tôi nhớ lần đi bộ cả một buổi đường núi trong bùn lầy lúc ngập mắt cá chân, lúc ngập bắp chân, có những hòn đá to như nửa gian nhà cũng trôi tuột xuống đường của đợt lũ quét chết 35 người ở xã Du Tiến, huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang năm 2004.

Có người mẹ đã kể lại trong nước mắt rằng khi lũ đến hai tay chị ôm được hai đứa con mà bơi, đến khi mệt quá phải thả một đứa để cứu một đứa, mấy ngày sau đứa con này đi vệ sinh, phân vẫn còn dính đầy rều rác bởi lúc trước chúng trôi vào mồm.

Tôi nhớ lần đi theo thuyền buôn trên sông Đà bốn ngày bốn đêm ngược Hòa Bình lên Sơn La, ngủ cùng với hàng hóa gà lợn, ngan vịt, lúc đầu hàng hóa chật chội còn phải ngủ ngồi, sau mỗi phiên chợ ven bờ ghé vào, hàng hóa vơi đi được duỗi thêm chân thành ngủ co, cuối tuyến mới được ngủ nằm.

Tôi nhớ có lần đi đánh cá mòi trên sông Hồng, đi bắt cà ra trên sông Kinh Thầy hay lặn bào ngư giữa biển Đông ở gần đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ.

Và trên hết nỗi vất vả ấy, tôi không thể quên được tình cảm của người nông dân đã dành cho mình như có anh người Thái ở huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình đã phải đi mấy cái dốc chỉ để xin về cái mật lợn nấu canh rau cải cho tôi ăn, như có chú người Dao ở bản Cỏi, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã không ngần ngại lấy mấy con chuột rừng gác bếp dự trữ cho cả mùa đông của nhà mình để đãi tôi, như những nông dân ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương nơi tôi ghi nhận về nạn viết đơn xin trả lại ruộng đã mời tôi ngủ lại nhà mình, dùng với họ bữa cơm dưa cà, mắm muối, như những nông dân ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đã cùng tôi ăn uống, chuyện trò tâm sự trên một cái chiếu trải ra giữa sân nhà, dưới gió mát và trăng sao…

Đó không chỉ là những kỷ niệm mà còn là tình cảm quý báu của người nông dân, nếu không “ăn ngủ” với họ để viết bài thì không bao giờ có được.

Những điều day dứt

Nhà báo Dương Đình Tường. Ảnh: Tùng Đinh.

“Năm 2004, tôi đưa ra khái niệm “làng ung thư” ở Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ), một khái niệm trước đó chưa từng xuất hiện trên báo chí Việt Nam.

Khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phát hành, rất nhiều cơ quan báo chí, đại biểu quốc hội lên tiếng, thậm chí là tranh cãi vì làm sao có chuyện tỷ lệ ung thư ở một ngôi làng trung du có thể cao như thế được? Tôi còn bị công an theo dõi vì thực hiện loạt bài ấy.

15 năm rồi, bây giờ, như chúng ta biết, môi trường nông thôn là vấn đề nhức nhối, day dứt nhất. Cứ 10 đám ma ở quê thì 3 - 4 đám là người bị K. Khái niệm làng ung thư đã quá phổ biến, ở khắp mọi nơi. Người nông dân bị động lắm. Họ phải hít bầu không khí của nhiều nhà máy, sử dụng nguồn nước chung với nhiều nhà máy, đến bữa cơm hàng ngày cũng chưa thể nói là an toàn”, nhà báo Dương Đình Tường.

Ánh sáng luôn nhiều hơn bóng tối

“Lẽ dĩ nhiên nông thôn còn khó khăn, vất vả nhưng đó cũng là nơi lưu giữ những câu chuyện thắm đậm tình người như giá trị vốn có của nông thôn Việt tích tụ tự ngàn năm.

Dù bất luận thế nào tôi vẫn luôn tin rằng người tốt nhiều hơn kẻ xấu, ánh sáng nhiều hơn bóng tối.

Những nhân vật trong các bài viết của tôi vốn bình dị nhưng những gì họ đã làm cho xã hội mang những giá trị nhân văn rất sâu sắc.

Đó là chị Nguyễn Thị Oanh ở Hưng Yên 4 năm ròng rã chăm sóc người hàng xóm tật nguyền.

Đó là thầy Mông Văn Nguyễn, giáo viên ở nơi gian khổ nhất tỉnh Cao Bằng (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm), người thầy đẽo thang lên với học sinh đồng bào Mông giữa bạt ngàn đá tai mèo để rồi cuối cùng hi sinh cả tính mạng mình cho vùng đất ấy, cho đồng bào, cho những thế hệ học sinh ở đấy…

Tôi nghĩ rằng, những câu chuyện ấy cực kỳ giá trị, là niềm tin, đặc biệt trong bối cảnh thông tin trên báo chí phần tích cực đang quá khiêm tốn so với tiêu cực như hiện nay”, nhà báo Dương Đình Tường.

 

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.