Ngày 16/9/2021, 14 Hiệp hội doanh nghiệp, gồm Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), đã gửi Thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam để đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.
Trong thư, các Hiệp hội cho biết giãn cách, phong toả diện rộng và kéo dài khiến các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể kéo dài.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP.HCM tháng 8/2021 giảm 49,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%; khoảng 18% DN EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông dân, ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.
Trong tinh thần cao nhất của cộng đồng DN là luôn chung tay với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với các tiếp cận chống dịch linh hoạt mới, thì yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách.
Để đảm bảo cả 3 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội như “kiềng 3 chân”, cộng đồng DN rất hoan nghênh Thủ Tướng Chính Phủ, tại cuộc họp ngày 29/8/2021, đã xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, tức là chuyển từ mục tiêu “Zero Covid” hiện nay sang mục tiêu “Sống chung với Covid-19”. Quan điểm này phù hợp với quan điểm của WHO nêu ngày 7/9/2021 và quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Để thực hiện được yêu cầu cấp bách lúc này, các Hiệp hội doanh nghiệp sau khi trao đổi nhiều lần với các DN thành viên và chuyên gia, đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới” thống nhất quản lý trên toàn quốc để vừa từng bước phù hợp phục hồi kinh tế, mà vẫn kiềm chế được dịch.
Chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” gồm 11 nội dung. Nội dung đầu tiên là thống nhất quản lý toàn quốc. Trong nội dung này, có một kiến nghị rất quan trọng mà các hiệp hội gửi lên Thủ tướng Chính phủ là ban hành chỉ thị phòng chống dịch (PCD) phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế Chỉ thị 1 số 15,16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”. Chỉ thị mới cần phải quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện PCD - phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Cũng trong nội dung thứ nhất, các hiệp hội kiến nghị trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành PCD cho các tổ chức/DN. Không cực đoan đóng cửa DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.
Kiến nghị Chính phủ lập tổ đặc biệt để kiểm tra, giám sát lưu thông, chống ách tắc hàng hoá bằng đường dây nóng. Các địa phương chỉ được phép kiểm tra PCD đối với người trên các phương tiện vận chuyển tại điểm đi và điểm đến. Các tỉnh thành cần thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp - là thành viên Ban chỉ đạo PCD, có kênh liên lạc trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để kịp thời giải quyết các vấn đề của DN.
Ban chỉ đạo PCD địa phương cần bố trí tăng thêm các đại diện của khối kinh tế (Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, NN-PTNT, Tổ công tác hỗ trợ DN, đại diện các DN và Hiệp hội).
Xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp (KCN). Khuyến khích các DN nằm ngoài KCN xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để phòng chống dịch cho CBCNV của mình và gia đình CBCNV của DN.
Các nội dung khác của chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” gồm: Quản lý dịch bệnh theo Điểm (Điểm dân cư; Điểm dịch vụ; Điểm sản xuất); phòng chống dịch tại Điểm sản xuất; phòng chống dịch tại điểm dân cư; phòng chống dịch đối với giao thông vận tải; cách ly y tế; xét nghiệm y tế; chi trả phí xét nghiệm và điều trị; hỗ trợ phục hồi kinh tế; thống kê y tế, thử nghiệm PCD chi phí thấp; thông tin tuyên truyền.