Ngộp thở bên những trang trại điện
Tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), các dự án điện mặt trời lớn nhỏ mọc lên gần nhau đã khiến cảnh vật và môi trường nơi đây thay đổi hẳn. Chỉ tay về cánh đồng pin năng lượng mặt trời sau nhà, bà Nguyễn Thị Thu Hương ngán ngẩm: “Đó, tầm trưa nhìn lên chỉ thấy một khoảng mênh mông sáng lóa, khó chịu lắm”.
Nhà bà Hương nằm bên quốc lộ 1A, trước nhà nhìn ra biển và sau lưng là một khoảng đồng bằng hẹp rồi đến triền núi. Khi các dự án điện mặt trời đổ về địa phương thì toàn bộ không gian, cánh đồng, triền núi sau nhà bà đều được trải thảm bởi những tấm pin năng lượng.
Theo bà Hương, kể từ khi các cánh đồng được phủ bằng pin năng lượng mặt trời, nhiệt độ ở khu vực cũng trở nên thay đổi.
Bà chia sẻ: “Ninh Thuận nắng, gió nhưng cái nắng gió trước đây khác với bây giờ. Trước đây nắng có gắt nhưng gió thổi vào cũng thấy mát dịu, không nắng gắt như bây giờ. Giường, chiếu, bàn, tủ… đều nóng ran”. Bà Hương chia sẻ và cho biết, gia đình bà mở máy quạt nhưng luồng gió phả ra nóng như máy sấy tóc.
Tại Đăk Lăk, căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Quy (ngụ thôn 8, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) nằm cách dự án điện mặt trời chỉ hơn 200m. Từ sân nhà ông Quy đứng nhìn thẳng về trang trại điện mặt trời thấy hàng trăm tấm pin năng lượng đang hấp thụ ánh nắng và phản quang sáng lóa.
Theo ông Quy, trang trại nơi đây có giấy phép là trồng nấm nhưng hầu như không thực hiện, chủ trang trại chỉ làm vài hàng rồi để đó.
“Lúc xưa trời mát hơn, từ khi có dự án điện mặt trời này không khí xung quanh nóng hơn. Rồi không biết những tấm pin năng lượng sau thời gian xử lý sao”, ông Quy lo lắng.
Theo ông Quy, điện năng lượng phải thực hiện xa khu dân cư chứ làm sát nhà dân như thế này rất nguy hiểm. Rồi còn mưa xuống, các chất độc của pin mặt trời rửa trôi, ngấm vào đất, lẫn vào nước sinh hoạt, nước tưới… thì không ai biết được tác hạn ghê gớm thế nào!
Đồng cỏ thu hẹp, cây trồng khô héo, nông dân bỏ xứ
Tại tỉnh Ninh Thuận, các dự án điện mặt trời hiện diện đã khiến việc chăn nuôi gia súc của người dân chịu nhiều ảnh hưởng. Đồng cỏ bị thu hẹp nên nhiều hộ gia đình buộc phải bỏ nghề chăn nuôi, bỏ xứ để đi tìm kế sinh nhai.
Dưới cái nắng gay gắt, bà Não Thị Kim Oanh (ngụ xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) xua đàn cừu qua những bãi đất nóng như sa mạc.
Bà nói, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, các dự án điện đã đua nhau mọc lên khiến những cánh đồng cỏ ở rìa núi đều đã thành nhà máy. Dê, cừu không có đủ thức ăn nên người chăn nuôi phải đưa đi thật xa hoặc vay mượn tiền mua cám, mua cỏ để đầu tư. Trường hợp không có vốn để duy trì chăn nuôi thì bán rồi giải nghệ, kiếm việc khác mưu sinh.
Cũng theo bà Oanh, khi các dự án điện chưa hình thành ở địa phương, người dân trong xã chăn nuôi dê, cừu, bò rất nhiều. Việc chăn nuôi tuy không mang đến sự giàu có nhưng chí ít nó cũng đảm bảo được cuộc sống cho người dân.
“Ngày xưa người ta nuôi nhiều lắm nhưng giờ bán hết rồi. Bán dê, cừu rồi thì chuyển qua làm ruộng, xin vào làm công ty. Có người thất nghiệp ngồi ở nhà sống nhờ vào con cháu”, bà Oanh tâm sự.
Ở thôn Văn Lâm 3 (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) bà Châu Thị Cái đang cố gắng duy trì đàn cừu 80 con vì đây là kế sinh nhai duy nhất của gia đình. Bà Cái đã bước vào độ tuổi 50 nên luôn lo lắng về kế sinh nhai. Một khi khô hạn, đàn cừu hết đồng cỏ để ăn, bà sẽ phải bỏ nghề, rồi thất nghiệp.
Trước đây, bà Cái chăn nuôi cừu thuê cho một hộ dân và nhờ sự tích góp nên gây dựng được 80 cừu lớn nhỏ để nuôi. Năm 2020, chủ trang trại của bà đã quyết định bán toàn bộ cừu, nghỉ chăn nuôi nên bà bơ vơ. “Bây giờ tôi một mình nuôi 80 cừu của gia đình. Nếu nay mai hết chỗ chăn thì bán, nghỉ nuôi, ở nhà”, bà Châu Thị Cái thở dài.
Tương tự, căn nhà của ông Nguyễn Văn Bình (ngụ buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) nằm bên rìa của 3 dự án điện mặt trời với hàng nghìn tấm pin năng lượng. Từ căn nhà của ông Bình nhìn ra, 3 dự án trên vạc 2 quả đồi để xây dựng trang trại điện mặt trời. Theo ông Bình, từ khi những trang trại này đi vào hoạt động thì hàng chục nhà dân xung quanh cảm nhận nhiệt độ tăng hơn lúc xưa.
“Gia đình có hơn 1ha cây trồng gần các dự án điện mặt trời, nắng phản quang từ pin khiến cây khô héo nhanh hơn. Với tình hình này, diện tích cây trồng của gia đình sẽ chết nhanh”, ông Bình lo lắng.
Ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Cư Pô, huyện Ea Jút (Đăk Nông) cho biết, trên địa bàn có gần chục dự án đăng ký trang trại rồi lắp điện mặt trời bên trên.
Ban đầu, các chủ đầu tư đăng ký trang trại để được UBND huyện cấp giấy phép. Tuy nhiên, sau khi được cấp phép một số trang trại không thực hiện chăn nuôi hay trồng trọt gì liên quan đến nông nghiệp.
“Địa phương cũng kết hợp với các phòng ban của UBND huyện đi kiểm tra và có đề xuất xử lý đối với những trường hợp này. Các chủ trang trại không làm đúng theo các giấy phép đăng ký là sai”, ông Xoan khẳng định.
Kiểm tra, xử lý sai phạm các dự án điện mặt trời
Ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kiun cho biết, địa phương đã yêu cầu các chủ trang trại thực hiện đúng theo giấy phép được cấp là hoạt động nông nghiệp.
“Hiện địa phương đã thành lập đoàn công tác kiểm tra những trang trại này. Những trang trại không thực hiện đúng theo giấy phép thì sau khi có kết quả kiểm tra, UBND huyện sẽ yêu cầu những đơn vị này tuân thủ. Trong trường hợp các chủ trang trại không thực hiện thì UBND huyện mới ra quyết định đình chỉ các dự án này”, ông Huy nói.
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trước đây các dự án điệm mặt trời xin giấy phép thực hiện mô hình trang trại, sau đó mới lắp điện mặt trời bên trên. Sau khi thực hiện hồ sơ trang trại thì UBND TP đã yêu cầu thực hiện đúng các quy định trong đề án. Còn điện áp mái thì chủ trang trại thỏa thuận với Công ty điện lực. Đương nhiên, trong trường hợp này trách nhiệm của chính quyền xã phải tham gia, kiểm tra những trang trại này.
“Việc xin chủ trương trang trại nhưng không thực hiện là ảnh hưởng đến việc quy hoạch nông nghiệp của địa phương. Theo quy định sau 6 tháng thì cơ quan chức năng sẽ kiểm tra các dự án, nếu không đảm bảo theo hồ sơ trang trại được cấp thì sẽ thu hồi giấy phép”, ông Hưng nói.
Theo chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, mục đích chính khi cơ quan chức năng cấp phép trang trại không phải ưu tiên cho điện mặt trời mà là sản xuất nông nghiệp bên dưới.
“Quan điểm của UBND TP là xử lý nghiêm những trang trại không thực hiện theo giấy phép. Địa phương tạo điều khiện các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, nếu như anh không thực hiện thì phải xử lý, không để trường hợp biến tướng ra được”, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột nhấn mạnh.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện địa phương phát hiện có một số bất cập. Cụ thể, chủ đầu tư làm hồ sơ trang trại rất bài bản nhưng một sau thời gian hoạt động không hiệu quả thì chỉ còn lại chức năng là điện mặt trời.
Về việc này, địa phương quản lý thấy bất cập sẽ phải xử lý, nếu trường hợp vượt thẩm quyền, thành phố sẽ đề xuất UBND tỉnh kiểm tra, xử lý theo quy định.
Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đăk Lăk cho biết, địa phương đã nắm được thông tin một số trang trại sau khi xin chủ trương thành lập nhưng không hoạt động nông nghiệp mà chủ yếu lắp điện mặt trời.
“Sở đã thành lập đoàn kiểm tra đối với các dự án điện mặt trời. Theo đó, Đoàn sẽ kiểm tra từ ngày 31/3 kéo dài trong 15 ngày để nắm lại tình hình. Sau đó, Sở sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh về sai phạm của những dự án này và hướng xử lý ra sao. Khi đó sẽ có thông tin trả lời báo chí cụ thể”, ông Khôi nói.