Lợi nhuận thu về từ điện mặt trời áp mái nhà (MTAMN) rất “khủng” nên nhiều người không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực trang trại.
Xây dựng điện mặt trời kết hợp trang trại nông nghiệp chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa cho việc mua bán điện với giá ưu đãi của Chính phủ. Điều đó đồng nghĩa với việc ngành nông nghiệp đang bị phá nát không thương tiếc.
Tanh bành ngành nông nghiệp
Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục thâm nhập vào các dự án MTAMN “núp bóng” trang trại ở xã Phước Nam, tỉnh Ninh Thuận. Các trang trại mọc lên san sát nhau nhưng chỉ có mục đích chính là kinh doanh điện.
Một cán bộ xã nói rằng, chủ các trang trại đa phần là người từ nơi khác đến mua đất, thuê đất, xin lập trang trại nuôi dê, cừu, trồng đinh lăng, nấm linh chi để kết hợp khai thác điện áp mái. Nhưng qua nhiều năm triển khai, việc chăn nuôi chỉ le ngoe vài con, trồng vài cây, thậm chí có trang trại còn chưa hoàn thiện hoặc không có động thái hoàn thiện hạ tầng chăn nuôi, trồng trọt.
Điển hình như khu vực trang trại của ông Nguyễn Phạm Bảo Huy tại thôn Phước lập, xã Phước Nam. Trên giấy tờ, trang trại này được của UBND huyện Thuận Nam cấp chứng nhận mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi bò, dê, cừu.
Tuy nhiên, dưới những mái pin năng lượng mặt trời chỉ có một số ít vật nuôi, ở giữa trồng được ít cây đinh lăng, còn lại là đất trống, cây bụi hoang dại. Cạnh nơi này, 2 trang trại khác với quy mô lên đến cả ha cũng được xây dựng kiên cố với tường bao, hệ thống mái tôn kết hợp đặt pin năng lượng mặt trời. Trong khi hệ thống pin đã hòa lưới điện thì phần trang trại phía dưới chưa hề được triển khai trồng trọt hay chăn nuôi.
Cán bộ xã Phước Nam cho biết, đối với một số dự án trang trại, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra về tình hình chăn nuôi và xác nhận các trang trại không thực hiện đúng như giấy tờ đăng ký. Lực lượng chức năng đề nghị chủ trang trại khắc phục nhưng tại đây chỉ sửa đổi bằng cách chăn nuôi một số ít gia súc để đối phó.
Trong khi đó, tại xã Phước Dinh, 2 trang trại của gia đình bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú và Hoàng Thị Thúy Hiền đều bị UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính vì chuyển đổi mục đích trái phép tổng diện tích 17.000m2 đất trồng cây hàng năm sang đất phi nông nghiệp. UBND xã Phước Dinh buộc các chủ đất khôi phục hiện trạng đất nhưng đến nay vẫn chưa chấp hành.
Còn tại tỉnh Đăk Lăk, theo ghi nhận của phóng viên tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), có ít nhất hàng chục dự án điện MTAMN núp bóng trang trại nông nghiệp. Theo đó các dãy nhà trang trại được thi công nằm song song nhau với trụ sắt và đế bê tông cao khoảng 3m, phía trên lắp pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, phần bên dưới đào đất nham nhở, đặc biệt không có bất cứ hoạt động nông nghiệp nào.
Nơi đây, phóng viên ghi nhận ít nhất 4 công trình điện MTAMN nằm liền kề nhau và được bao quanh bởi tường rào và dây thép gai. Bên trong trang trại này, những tấm pin năng lượng được lắp trên những dãy nhà đế bằng bê tông, cột bằng sắt rộng hàng chục m2, nằm song song với nhau.
Các dãy nhà này được vây lại bằng lưới màu đen, rất khó quan sát được bên trong trồng gì, nuôi gì. Cùng với đó, là hệ thống đường dây điện đấu nối được bố trí thuận lợi ở các góc khác nhau của khu đất.
Dưới lớp mái đặt tấm pin năng lượng mặt trời này được chủ đầu tư bố trí dàn treo làm nấm bầu ngư. Tuy nhiên phóng viên quan sát những dây này không mọc được bất kỳ cây nấm nào, các bì nilon khô khốc, mốc meo không có đấu hiệu của sự sống.
Tương tự, tại xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có ít nhất 4 trang trại điện MTAMN với công suất trên 10 MWp đã được được đấu nối điện. Bên trong trang trại được xây dựng rất bài bản với các trụ bê tông, cột sắt rất kiện cố. Tuy nhiên, trang trại vẫn chưa được nuôi trồng bất cứ thứ gì. Theo người dân nơi đây cho biết, nghe đâu các trang trại nơi đây dự định sẽ trồng dược liệu và trồng nấm.
Người dân này còn cho biết, chủ trang trại này chủ yếu kinh doanh MTAMN sẵn sàng cho mượn đất phía dưới và hỗ trợ 20 triệu đồng nếu ai đồng ý chăn nuôi.
Thừa nhận lúng túng trong quản lý
Một nhà đầu tư điện MTAMN tại Gia Lai cho biết, vì lợi nhuận từ chênh lệch giá giữa các hệ thống điện mặt trời nên chủ đầu tư sẽ tìm cách lách và đối phó với cơ quan quản lý. Cụ thể, họ vẫn sẽ đầu tư chăn nuôi nhưng theo kiểu đối phó nuôi vài con, trồng vài cây. Khi cơ quan chức năng đi kiểm trac thì họ lấy lý do bị chết do dịch bệnh.
Theo nhà đầu tư nay, để phát triển nông nghiệp phải có thị trường chứ đầu tư vào không bán ra được thì cũng khó. Trong khi đó, điện mặt trời chỉ cần đấu nối là có tiền.
Trước những lo ngại về việc ngành nông nghiệp bị phá nát, phóng viên đã liên hệ với các lãnh đạo ngành nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên để tìm câu trả lời.
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện Đoàn liên ngành do Sở Công Thương chủ trình đang kiểm tra các hệ thống điện mặt trời “núp bóng” các trang trại trên địa bàn tỉnh. “Sở NN-PTNT là thành viên đoàn nên không thể phát ngôn về vấn đề này. Khi nào đoàn tổng kết thì chúng tôi sẽ có ý kiến của mình”, ông Dần nói.
Tương tự, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk khi được phóng viên liên hệ vấn đề điện mặt trời “đội lốp” dự án trang trại thì ông này cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm. Do đó, ông Côn hẹn phóng viên đến trụ sở để làm việc.
Ông Phạm Văn Binh, Giám Đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, sau khi có những thông tin dư luận cho rằng, việc phát triển điện MTAMN kết hợp với trang trại nhưng thực tế chưa phải trang trại. Vấn đề này được đặt ra từ cuối năm 2020 và tỉnh Gia lai cũng đã chỉ đạo đi kiểm tra, uốn nắn.
Tuy nhiên, từ trước Tết, Gia Lai xảy ra tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2 nên việc đi kiểm tra, thanh tra đã phải tạm dừng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và UBND các tỉnh tập trung kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm trong khi thực hiện điện MTAMN. Hiện nay chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh để thực hiện lại vấn đề kiểm tra để đảm bảo hệ thống điện MTAMN đi vào đúng quỹ đạo.
Ông Binh cũng cho biết, trên thực tế ngành công thương chỉ quản lý về mặt nhà nước, còn về đất đai thì Sở TN-MT quản lý, trang trại là của Sở NN-PTNT quản lý, mua bán điện do Công ty điện lực Gia Lai chịu trách nhiệm. Ban đầu, các Sở, ngành cũng chưa hình dung được việc phát triển của hệ thống này nên việc thanh tra sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Phát triển điện MTAMN là chủ trương rất đúng đắn nên Thủ tướng Chính phủ mới ban hành chính sách khuyến khích. Nhưng nói về việc điện MTAMN kết hợp với trang trại lại là câu chuyện không hề dề dàng. Không thể nói hôm trước, hôm sau đã đạt được tiêu chí trang trại”, ông Binh thừa nhận và cho biết, các nhà đầu tư “núp bóng” trang trại để kinh doanh điện là có, nhưng để nêu rõ các trường hợp cụ thể thì đợi đến khi kết thúc kiểm tra sẽ báo cáo cụ thể.
Ông Phạm Văn Binh cho biết, Đoàn liên ngành sẽ đi kiểm tra theo trình tự về mục đích sử dụng đất, phát triển trang trại, công năng của trang trại, vấn đề đấu nối điện mái nhà. Nếu hệ thống điện MTAMN sai phạm hoặc chưa đúng chỗ nào thì chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý ở chỗ đó.
Chẳng hạn, chưa đảm bảo về công năng xây dựng thì yêu cầu nhà đầu tư hoàn chỉnh ngay. Còn nếu đây chưa phải trang trại thì buộc nhà đầu tư phải thực hiện đúng mục đích làm trang trại. Còn nếu sai phạm nặng như sử dụng đất sai mục đích và hệ thống không có trang trại thì buộc nhà đầu tư phải trả lại như hiện trạng ban đầu
Ông Phạm Duy Du, Giám Đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị chỉ có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác để làm trang trại. Còn riêng về lĩnh vực điện áp mái không thuộc lĩnh vực quản lý nên chúng tôi không biết được.
Còn các chủ đầu tư chuyển đổi đất sang làm trang trại nhưng lại không làm là sai quy định. Vấn đề này cơ quan chức năng của địa phương phải giải quyết, xử lý.