| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp, nông thôn bị lợi dụng, cày xới như thế nào?

[Kỳ 2]: 'Đội lốt' trang trại nông nghiệp để trục lợi chính sách

Thứ Tư 31/03/2021 , 14:12 (GMT+7)

Nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng chính sách ưu đãi để đầu tư điện mặt trời áp mái nhà (MTAMN) dưới “vỏ bọc” trang trại nhằm trục lợi bán điện với giá cao.

Các dự án trang trại điện mặt trời mọc lên như 'nấm sau mưa'.

Các dự án trang trại điện mặt trời mọc lên như “nấm sau mưa”.

Theo chủ trương khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, các dự án điện MTAMN được mua với giá cao nhất là 8,38 UScent/kW (tương đương với 1.943 đồng/ kW), cao hơn hẳn các dự án điện mặt trời khác. Chính vì lợi nhuận từ chênh lệch giá giữa các kiểu đầu tư, nên doanh nghiệp sẽ tìm cách lách và đối phó với cơ quan quản lý.

Rất nhiều dự án điện MTAMN 'núp bóng' trang trại.

Rất nhiều dự án điện MTAMN "núp bóng" trang trại.

Trang trại gần như bỏ hoang

Để ghi nhận sinh động về điện MTAMN “núp bóng” trang trại, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nhiều ngày thâm nhập thực tế tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Sự thật đằng sau các công trình này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Có mặt tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) nhiều công trình điện áp mái trang trại với quy mô lớn đã hoàn thành, đi vào khai thác điện. Tuy nhiên, việc chăn nuôi ở những trang trại này lại đang “làm cho có”.

Trên vùng đất rộng lớn cạnh đường nhựa (thôn Sơn Hải 1) là khu trang trại của gia đình bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú với tổng diện tích trên 2ha. Tại đây, hệ thống điện áp mái trang trại được đầu tư bài bản với khung sắt, mái tôn kết hợp các tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, bên trong trang trại chỉ xuất hiện một vài khóm cây nhưng đều đã chết hoặc bị khô héo.

Theo danh mục kê khai của UBND xã Phước Dinh, trang trại này có tổng vốn đầu tư cả chục tỷ đồng với công năng chính là chăn nuôi cừu và trồng nghệ đen. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trang trại này chỉ đang chú trọng vào phát triển dự án điện.

Trang trại nhưng không nuôi trồng bất cứ thứ gì.

Trang trại nhưng không nuôi trồng bất cứ thứ gì.

Cách đó không xa, khu trang trại của bà Hoàng Thị Thúy Hiền cũng có quy mô khá lớn với tổng diện tích khoảng 1,3ha. Trên diện tích rộng lớn, hạ tầng trang trại bao gồm các hệ thống mái nhà được phủ kín bởi các tấm pin năng lượng mặt trời đã được hòa lưới điện. Trang trại này có tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng, danh mục đăng ký là chăn nuôi cừu nhưng hiện tại việc chăn nuôi chưa được triển khai.

Còn tại xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam hiện có 7 trang trại nông nghiệp kết hợp với việc lắp đặt điện mặt trời áp mái với công suất từ 1MWp trở xuống. Theo ông Trịnh Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, trong số trang trại trên có 5 trang trại áp dụng Thông tư 27 và 2 trang trại áp dụng Thông tư 02 của Bộ NN-PTNT với hồ sơ đăng ký ban đầu là sản xuất nông nghiệp là chính.

Tuy nhiên theo ghi nhận chúng tôi, việc chăn nuôi, trồng trọt ở nhiều trang trại cũng không đáng kể so với quy mô diện tích đất rộng lớn. Điều đáng nói, hầu hết các trạng trại này là người ngoài địa phương đến xã Phước Ninh đầu tư. Không những thế, các trang trại đều cho thuê mái để một người khác đầu tư điện mặt trời, chứ không phải chủ trang trại làm nông nghiệp tự kết hợp lắp điện mặt trời để phục vụ sản xuất.

Trang trại điện MTAMN tại xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) không thực hiện chăn nuôi.

Trang trại điện MTAMN tại xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) không thực hiện chăn nuôi.

Các dự án điện mặt trời “núp bóng” trang trại tại Tây Nguyên còn diễn ra phổ biến hơn.

Tại trang trại 2,1ha của bà Phạm Thị Hương (thôn 8, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), phóng viên ghi nhận, trang trại đã xây dựng hàng chục ô để lắp điện mặt trời. Tuy nhiên, chủ cơ sở mới cho trồng nấm trong 3 ô, số còn lại người này đã cho hàng khung sắt để treo dây trồng nấm rồi để đó. Đáng nói, trang trai được bao quanh bởi tôn cao gần 2m và luôn trong tình trạng khóa trái cửa.

Người dân gần khu vực trang trại cho biết, trang trại này có hoạt động trồng nấm nhưng hầu như không thực hiện, chỉ làm cho có rồi để đó.

Tại huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) có tổng số 29 trang trại, vừa qua cơ quan chức năng kiểm tra ngẫu nhiên 5 trang trại thì thấy 1 trang trại đã tiến hành trồng nấm và đấu nối với điện lưới của điện lực. Trong khi đó, 4 trang trại đã đấu nối điện nhưng chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trạng trại, chưa triển khai trồng trọt, chăn nuôi theo phương án đã được phê duyệt.

Tại Gia Lai, phóng viên đã thâm nhập vào một trang trại (nghe nói của lãnh đạo Công ty Điện lực) tại xã Hbông, huyện Chư Sê. Trang trại đã được đấu nối điện từ cuối tháng 12/2020 nhưng bên trong chỉ toàn đất, cỏ và rác. Theo người đàn ông làm bảo vệ khu vực này cho biết, nơi đây có 3 hệ thống điện MTAMN (công suất 3 MWp) do 2 đơn vị đứng tên là N.Q và Q.T.H. “Khi tôi đến đây trông coi thì trang trại này vẫn bỏ hoang, chưa trồng bất cứ thứ gì cả. Hiện họ đang cho xe máy ủi vào đào đất và nghe nói trồng đinh lăng hay trồng rau gì đó”, bảo vệ cho biết.

Còn tại tỉnh Đăk Nông, chỉ riêng tại xã Ea Pô (huyện Cư Jút), điện MTAMN nhiều nhiều vô kể. Tại đây, các trang trại năng lượng nằm san sát nhau rộng hàng chục hecta.

Các dãy trang trại chăn nuôi được thi công song song với nhau, bên trên lắp những tấm pin năng lượng để hứng ánh nắng. Theo người dân, công trình đã được đấu nối, bán điện từ lâu nhưng bên dưới là những bãi đất trống, cỏ dại mọc kín và không có một thân nấm nào tồn tại.

Bên trong các trang trại nông nghiệp bị bỏ hoang.

Bên trong các trang trại nông nghiệp bị bỏ hoang.

Chủ yếu để đối phó

Trong mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp điện MTAMN có thể xây dựng với công suất 1MWp và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Một cán bộ xã Phước Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) thổ lộ rằng, các dự án kiểu này ở địa phương khá nhiều nhưng việc chăn nuôi chỉ là làm để đối phó, hoàn thiện khâu đăng ký kinh doanh.

Họ đăng ký làm điện và chăn nuôi một lượt nhưng chẳng qua mua dự án đầu tư. Nếu không núp dưới “vỏ bọc” chăn nuôi thì việc đấu nối điện chậm.

Trên thực tế, việc triển khai một dự án điện mặt trời trên đất nông nghiệp không phải dễ dàng. Đối với các dự án lớn cần phải có sự phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và trải qua nhiều cuộc thẩm định. Về dự án điện áp mái trang trại, các chủ đất chỉ cần xin xác nhận của cơ quan chức năng cấp huyện, cấp xã về hình thành mô hình kinh tế trang trại là đã có thể triển khai.

“Hiện nay, địa bàn xã Phước Nam có 5 trang trại kết hợp dự án điện với chăn nuôi, trồng trọt. Trong số này, có 4 trang trại chăn nuôi, trồng trọt le ngoe. Những trang trại này đều thực hiện từ năm 2019 và đến năm 2020 đã hoàn thành và đưa vào khai thác điện”, vị cán bộ này cho biết.

Trước tình trạng đối phó của nhiều chủ trang trại, lực lượng chức năng huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã tiến hành kiểm tra nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với điện MTAMN. Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy, một số đơn vị chưa thực hiện đúng theo cam kết, hoạt động đầu tư còn sơ sài, chưa đảm bảo theo tiêu chí kinh tế trang trại, mang tính chất đối phó. Một số trang trại chưa chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng NN-PTN huyện Chư Prông cho biết, trên cơ sở đi kiểm tra, UBND huyện Chư Prông cũng đã nhắc nhở, chấn chỉnh các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết như đã quy định. Tuy nhiên ông Luyến thừa nhận, Đối với, việc quản lý các trang trại kết hợp làm điện MTAMN đang gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Chúng tôi vẫn đang chờ các Bộ, ngành Trung ương có những hướng dẫn cụ thể để các đơn vị được UBND huyện chấp thuận đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thực hiện đúng theo cam kết", ông Luyến cho biết.

Nhiều trang trại trồng cây kiều đối phó.

Nhiều trang trại trồng cây kiều đối phó.

Được hỏi về việc các trang trại không nuôi, trồng gì mà Công ty vẫn đấu nối, ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết, nếu chủ đầu tư có mái nhà của công trình xây dựng đủ điều kiện lắp đặt hệ thống ĐMTMN, hồ sơ thủ tục hợp lệ, lưới điện khu vực đủ khả năng hấp thụ và giải tỏa công suất, hệ thống ĐMTMN được đầu tư đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì PCGL phải thỏa thuận đấu nối và nghiệm thu đóng điện, ký kết hợp đồng mua bán điện.

Còn việc sử dụng công trình xây dựng đúng công năng, mục đích sử dụng theo đăng ký là trách nhiệm của nhà đầu tư dưới sự kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chuyên ngành có thẩm quyền.

Ông Đỗ Nguyên Hưng, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho hay, vấn đề điện áp mái không giống như các dự án điện mặt trời lớn là phải quy hoạch. Phía điện lực chỉ thỏa thuận đấu nối điện với khách hàng nếu họ đảm bảo được các tiêu chí về áp mái của Bộ Công thương. Bên cạnh đó, việc đấu nối điện với khách hàng sẽ phù thuộc vào khả năng truyền tải của lưới điện khu vực đó, tức là còn khả năng truyền tải thì ngành điện sẽ ký hợp đồng, còn không còn thì thôi.

“Chỉ cần có mái an toàn là cho đấu nối. Còn vấn đề họ có chăn nuôi hay không thì thuộc thẩm quyền chức năng của địa phương”, ông Hưng khẳng định.

Trước câu hỏi về trách nhiệm các dự án điện mặt trời áp mái phát triển ồ ạt không kiểm soát, ông Võ Đình Vinh, Phó Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận cho biết, vấn đề này Sở Công thương không quản lý. Thời gian qua, việc phát triển này cũng không có ý kiến của tỉnh, ngành mà người mua và người bán tự thương lượng ký kết hợp đồng với nhau.

Xem thêm
Ông Phạm Gia Túc làm Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Bộ Chính trị vừa quyết định điều động, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc giữ chức Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.