| Hotline: 0983.970.780

La Masia hiện nổi tiếng toàn thế giới ở khả năng đào tạo ra các cầu thủ giỏi!

Thứ Ba 27/03/2018 , 06:30 (GMT+7)

Nếu những đứa trẻ Brazil mang hơi thở đường phố trong từng pha xử lý kỹ thuật, thì mọi chú nhóc xuất thân từ lò La Masia, Tây Ban Nha đều phải biết chạy chỗ đến đâu ngay khi chuyền bóng.

Ngược xu thế

La Masia hiện nổi tiếng toàn thế giới ở khả năng đào tạo ra các cầu thủ giỏi kỹ thuật cá nhân, với biệt tài chuyền không cần nhìn. Nhưng nếu nói điều ấy với bất cứ ai ở xứ Catalonia cách đây 4 thập niên, họ sẽ lập tức cười vào mũi người nói ra điều ấy. Vào năm 1979 đáng nhớ ấy, hầu như mọi đội bóng trên thế giới đều chơi và tôn thờ chiến thuật 4-4-2, sơ đồ đạt được hầu như mọi chuẩn mực, từ sự cân bằng công thủ, vận hành, dễ dàng tùy biến thành các sơ đồ khác.

nh-2150057784
Các thành viên nổi tiếng của lò La Masia

Mấu chốt của 4-4-2 nằm ở việc các cầu thủ cần có thể lực dồi dào, nhất là những tiền vệ trung tâm. Họ phải to khỏe, tì đè, thu hồi bóng tốt, vừa phải phát động tấn công hoặc dâng cao để hỗ trợ hàng công ghi bàn. Chính vì khắt khe như vậy mà tại vòng sơ tuyển của lò La Masia thập niên 70, có một luật bất thành văn, là những đứa trẻ vị thành niên thuộc diện mỏng cơm sẽ lập tức bị loại, bất kể chúng kỹ thuật đến đâu. Các nhà môi giới, tiền thân của các siêu cò bóng đá ngày nay, còn rỉ tai nhau: "Hãy quay về lập tức nếu có ý định giới thiệu cầu thủ thấp hơn 1m80”.

Laureano Ruiz, HLV đội một của Barca từ năm 1976, nhận ra điều bất cập. Những đứa trẻ to xác tấn công một cách rời rạc, nếu như không muốn nói là kém hơn so với những tay giàu kỹ thuật, dù nhỏ bé. Ruiz cũng nhìn ra điểm mấu chốt, là thời gian dùng sức mạnh cơ thể (những pha va chạm, đua tốc độ hay truy cản) thực tế chiếm thời lượng rất ít nếu so với việc chuyền bóng. Cầu thủ chẳng thể lao vào nhau trong cả trận như những VĐV môn bóng bầu dục, nhưng họ có thể luân chuyển bóng suốt 90 phút, từ người này qua chân người khác, liên tục trên khắp mặt sân. Ruiz thời điểm ấy trở thành người đi tiên phong trong việc đưa kỹ thuật, khả năng chạm bóng và trí tuệ sân cỏ lên hàng quan trọng.

Sau khi Ruiz ra đi, Johan Cruyff cảm nhận được sự đúng đắn trong triết lý của người tiền nhiệm, và thuyết phục Chủ tịch Barca mở lò đào tạo La Masia vào tháng 10/1979. Ý định ban đầu của cố huyền thoại người Hà Lan là “tẩy não” lũ trẻ khỏi thứ bóng đá sức mạnh chúng thường được nghe trên đài phát thanh. Muốn vậy, ông cần cách ly chúng, càng nhiều càng tốt với phương tiện truyền thông. La Masia hoạt động khép kín, buộc những chú nhóc 10-11 tuổi phải xa gia đình, và sớm sinh hoạt chung như một gia đình. Khẩu hiệu “Hơn cả một đội bóng” mà Barca giương cao ngày nay xuất phát từ bối cảnh này.

Cruyff nâng việc đào tạo lên một tầm cao mới, dạy cho học trò một triết lý bóng đá không phân biệt vị trí. Nó được gói gọn trong hai từ “tiki” (chuyền) và “taka” (chạy), cầu thủ nào cũng cần có khả năng đưa bóng chính xác cho đồng đội, trước khi di chuyển đến vị trí thuận lợi để sẵn sàng nhận lại bóng. Xem Barca bây giờ, không lạ nếu trung vệ Gerard Pique dẫn bóng đột phá hay ban bật nhuần nhuyễn với hàng tiền vệ. Để có được điều ấy, lò La Masia phải tích lũy qua vài thập niên.
 

Định nghĩa lại sức mạnh

Ngoài kỹ thuật, những cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia còn một điểm chung dễ nhận, đó là… lùn. Ngoại trừ Pique và Sergio Busquets, các cầu thủ khác đều thấp hơn 1m80. Họ có lo lắng về khả năng chống bóng bổng? Không hề, bởi những người như Messi ngay khi cắp sách theo học ở La Masia đã được nằm lòng định nghĩa về sức mạnh của Johan Cruyff.

“Không ai nhanh như VĐV điền kinh, nhưng liệu họ có chơi được bóng đá”, người giúp Barca đoạt chiếc Cup C1, mở lời trong một buổi nói chuyện hồi ông mới làm việc ở Camp Nou. Theo Cruyff, nhanh trong bóng đá không phải là chạy nhanh hơn mà là suy nghĩ nhanh hơn. Ông lấy ví dụ về một pha tranh chấp, rồi bình phẩm: “Nếu chạy cùng lúc, các bạn có thể mất quả bóng, nhưng chỉ cần suy nghĩ nhanh hơn họ 1 giây, chạy sớm hơn họ 1 giây, chắc chắn bạn sẽ chiến thắng”.

Sức mạnh trong “từ điển” của Cruyff, tương tự như vậy, nằm ở khía cạnh tinh thần. Cựu danh thủ 3 lần giành Quả bóng vàng quan điểm: “Không ai đủ sức ngăn cản bạn, trừ phi bạn chùn chân”. Ông cũng nhấn mạnh tinh thần đồng đội với học trò, nếu họ bị khai thác điểm yếu chiều cao. “Cách tốt nhất để ngăn những pha bóng bổng là không cho đối phương tạt bóng. Mà muốn họ không tạt thì trước tiên cần không để bóng rơi vào chân họ”, huyền thoại Hà Lan nhấn mạnh.

Tư tưởng của Cruyff và trước đó là những tiền bối như Rinus Michel, Laureano Ruiz như những lớp đá trầm tích phủ dày nền móng của La Masia, trực tiếp hình thành nên bản sắc và lối chơi của Barca. Dù chỉ có khoảng 10% số học viên nhí được đôn lên đội một trong gần 40 năm lịch sử, lò đào tạo này vẫn khiến nhiều chú nhóc mất ăn ngủ vì những đặc điểm riêng biệt.

Xem thêm
Bốn họa sĩ Việt kiều đầu xuân cùng 'chào Việt Nam'

Bốn họa sĩ Việt kiều Anh Bach (Bạch Hoàng Anh) Mina Ho Ferrante (Hồ Mộng Nhã Uyển) Tim Nguyen (Nguyễn K Quy) và Ly Tran (Trần Phương Ly) triển lãm nhóm tại TP.HCM.

Phim trăm tỷ đâu chỉ dành riêng sân chơi cho Trấn Thành

Phim trăm tỷ dịp Tết Ất Tỵ không còn là màn độc diễn tên tuổi Trấn Thành mà có sự rượt đuổi giữa nhiều sản phẩm giải trí được đầu tư mức độ khác nhau.

Tuyển Việt Nam đá giao hữu với Campuchia tại Bình Dương

Nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho vòng loại cuối Asian Cup 2027, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu giao hữu với đội tuyển Campuchia tại sân Gò Đậu (Bình Dương).

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.