Phục vụ dân sinh, quốc phòng
Ngựa của người Việt đã có từ hàng ngàn năm trước, chủ yếu là ngựa màu và ngựa trắng. Qua thời gian ngựa bị đồng huyết nên có đặc điểm chung là thấp nhỏ, sức thồ, kéo kém. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi xây dựng và thực hiện đề tài “Phát triển ngựa lai phù hợp với miền núi”. Giống ngựa Cabardin của nước Nga nặng cả nửa tấn với sức thồ, kéo vô địch thế giới được đưa về để nhân giống.
Tiến sỹ Tạ Văn Cần (Phó giám đốc trung tâm) cho biết, nếu chỉ nhập cơ học ngựa về để phục vụ thì vô cùng đắt đỏ, không có sản xuất nào đáp ứng được bài toán hiệu quả kinh tế. Mặt khác, do trọng lượng cơ thể của ngựa giống Cabardin rất lớn không phù hợp với địa hình miền núi nước ta.
Công trình nghiên cứu lai tạo giữa ngựa Cabardin với ngựa Việt Nam được chú trọng thực hiện, theo dõi một cách hệ thống và cho kết quả tốt. Hàng chục ngàn con ngựa lai 25% máu Cabardin được tạo ra và chuyển giao con lai phục vụ cho sản xuất. Nơi đón nhận những con ngựa mang 2 dòng máu ngựa Nga và ngựa Việt Nam chủ yếu là khu vực miền núi phía Bắc. Thể trạng, tầm vóc cũng như sức kéo, sức thồ của ngựa tăng 30 - 40%. Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi tiếp tục thực hiện đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước về chọn lọc, lai tạo ngựa địa phương với ngựa Cabardin phục vụ dân sinh và quốc phòng. Đề tài đã tạo ra ngựa thuần và con lai ngựa Cabardin có sức làm việc cao hơn 30 - 50% so với ngựa nội. Giống ngựa mới này giúp ích nhiều cho tuần tra canh gác miền biên cương của tổ quốc.
Phục vụ du lịch, thể thao
Từ năm 2006 - 2014, Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi đã thực hiện công trình nghiên cứu lai tạo ngựa phục vụ thể thao, du lịch. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm chia sẻ, kết quả nghiên cứu đã góp phần làm phong phú thêm nguồn gen giống ngựa Việt Nam, đồng thời mở ra hướng phát triển loại hình thể thao du lịch về ngựa, làm đa dạng hóa các loại hình thể thao văn hóa lành mạnh.
Bắt tay thực hiện, các cán bộ, kỹ sư của Trung tâm đã nghiên cứu và quyết định sử dụng tinh ngựa đua nhập ngoại để thụ tinh nhân tạo cho ngựa cái 25% máu ngựa Cabardin.
Kết quả, ngựa được tạo ra có ngoại hình hướng đua rõ rệt. Toàn thân kết hợp chắc chắn, cân đối, đi lại hoạt bát nhanh nhẹn. Phần đầu và cổ kết hợp chặt chẽ, mắt to, lồi, tinh nhanh. Ngựa có ngực nở sâu và rộng, vai nở, lưng thẳng, phẳng, rộng, mình dài, bụng thon chắc và gọn, mông nở. Bốn chân cao, thẳng, chắc, to khỏe, không bị chạm khoeo, vành móng dày, đế móng tròn, ngón chân và bàn chân nhỏ, dẻo, linh hoạt. Đặc biệt, khả năng chạy của ngựa đạt kết quả tốt với tốc độ 43km/giờ.
Tiếp tục phát triển đề tài, Trung tâm đã xây dựng được quy trình huấn luyện, tiếp xúc, tiêu chuẩn dinh dưỡng cho ngựa lai đua. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại cho biết, ngựa lai đua là bước đi thích hợp để tận dụng, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh hiện có góp phần phát triển kinh tế xã hội của ngành và địa phương. Đơn vị đang xây dựng phương án trình Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) xin phép được đầu tư các hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, còn liên kết với các trường đua ngựa để cung cấp ngựa đua chất lượng cao.
Một đối tác Hàn Quốc cũng đã đặt lịch làm việc để bàn việc hợp tác nhân giống ngựa phục vụ các hoạt động văn thóa, thể thao, du lịch. Hiện nay, đã có nhiều sân golf trong cả nước tìm đến Trung tâm đặt vấn đề cung cấp ngựa cho họ, đáp ứng nhu cầu cưỡi ngựa chơi golf. Nhiều trang trại, bãi biển muốn có giống ngựa nói trên để phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm. Giống ngựa mới cũng như quy trình huấn luyện bài bản đã khá hữu ích đối với nhiệm vụ phục vụ quốc phòng. Đó là việc huấn luyện tại chỗ của Trung đoàn kỵ binh và phục vụ tuần tra biên giới, vùng cao.