| Hotline: 0983.970.780

'Mua nhầm' ngựa non, không phối được giống

Thứ Năm 16/04/2020 , 09:26 (GMT+7)

Sau gần 2 năm, số ngựa đực Cabardin do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bát Xát (Lào Cai) mua về hỗ trợ bà con phát triển đàn ngựa địa phương không thể giao phối.

Con ngựa Cabardin 25% máu ngoại nuôi tại nhà chị Vừ Thị Dở. Ảnh: H.D.

Con ngựa Cabardin 25% máu ngoại nuôi tại nhà chị Vừ Thị Dở. Ảnh: H.D.

Mua giống ngoại để cải tạo ngựa địa phương

Sau khi có quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc, giai đoạn 2018-2020 (bổ sung cho đề án 01, giai đoạn 2016-2020) của Huyện uỷ Bát Xát và thực hiện kế hoạch của UBND huyện, Phòng NN- PTNT huyện này được giao chủ trì phối hợp cơ quan liên quan duy trì ổn định đàn đại gia súc, phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hoá…

Theo đó, các hộ dân tham gia đề án ở các xã Sàng Ma Sáo, Ngải Thầu, Cốc Mỳ, A Lù, mỗi hộ được vay vốn ngân hàng 170 triệu đồng mua 10 con ngựa, không phải trả lãi suất trong vòng 3 năm. Số tiền lãi vay vốn ngân hàng mà các hộ được miễn thực chất là ngân sách huyện phải chi trả. Sau 3 năm, các hộ tham gia đề án sẽ phải tự trả lãi và cả tiền gốc cho ngân hàng.

Tham gia đề án, huyện còn hỗ trợ các hộ tiền làm chuồng, cứ 10 con trở lên được hỗ trợ 2 chuồng nuôi nhốt (2 triệu đồng/chuồng); hỗ trợ trồng 0,5 ha cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho ngựa với kinh phí trên 6 triệu đồng.

Giai đoạn 1 năm 2017 có 17 hộ dân ở Sàng Ma Sáo và 3 hộ dân ở Ngải Thầu mua tổng cộng 200 con ngựa; giai đoạn 2 năm 2018 có 5 hộ Cốc Mỳ, 5 hộ ở A Lù mua tổng cộng 100 con ngựa.

Điều đáng nói ở giai đoạn 2, tổng kinh phí hỗ trợ cho đề án là hơn 1 tỷ đồng thì tiền lãi ngân hàng huyện hỗ trợ cho các hộ là 612 triệu đồng, và đặc biệt huyện dành 360 triệu đồng để mua 9 con ngựa đực Cabardin 25% máu ngoại với mục tiêu để cải tạo, nâng cao thể trạng đàn ngựa địa phương.

Sau đó, việc mua 9 con ngựa đực giống Cabardin được giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát. Và riêng xã Sàng Ma Sáo được giao 6 con ngựa Cabardin, 3 con còn lại được giao cho xã A Lù, Ngải Thầu, Cốc Mỳ (mỗi xã 1 con).

Sở dĩ Sàng Ma Sáo được ưu tiên nhất là bởi theo tiếng Quan Hoả tên của xã này có nghĩa là "bãi giữ ngựa" với địa hình có nhiều nơi bằng phẳng, cỏ tốt nên rất thích hợp để nuôi và phát triển đàn ngựa. Hơn nữa việc này đã được minh chứng qua hàng trăm năm.

Ngựa Cabardin có thể hình to lớn, nhưng còn non nên không phối giống được với ngựa địa phương. Ảnh: H.Đ

Ngựa Cabardin có thể hình to lớn, nhưng còn non nên không phối giống được với ngựa địa phương. Ảnh: H.Đ

Gần hai năm ngựa không "nhảy"

Theo tìm hiểu, các hộ dân mua ngựa theo đề án, hầu hết họ chỉ mua ngựa cái nên thiếu trầm trọng ngựa đực để phối giống.

Vì vậy, số ngựa Cabardin không chỉ giải quyết việc cải tạo giống ngựa địa phương mà còn giúp giải bài toán trên khi số lượng đàn ngựa cái tăng vọt.

Cuối tháng 8/2018, sau khi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát mua xong 9 con ngựa đực giống Cabardin, đích thân ông Lưu Trọng Dương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát ký biên bản bàn giao ngựa Cabardin cho xã A Lù, Ngải Thầu… theo đề án.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, theo phản ánh của người dân do ngựa đực Cabardin 25% máu ngoại mua về còn non nên không nhảy được (phối giống với ngựa cái của bà con nuôi).

Bà Vừ Thị Dở (thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo) cho biết, nhà bà năm 2017 vay vốn Nhà nước được 170 triệu đồng mua 10 con ngựa giống. Nhà nước còn hỗ trợ chuồng, trồng cỏ. Tuy nhiên, con ngựa đực được cấp chưa phối được con nào. "Con ngựa được cấp còn non nên nuôi mấy năm rồi giờ nó mới tập nhảy được một tí", bà Dở nói.

Không chỉ mình nhà bà Vừ Thị Dở gặp phải tình huống trên mà tại nhà bà Liều Thị Mể, hộ cùng thôn, con ngựa đực Cabardin được cấp đến nay vẫn không thể phối giống.

Vì vậy, khoảng 9 hộ ở Sàng Ma Sáo tự mua con ngựa đực khác giúp phối với số ngựa cái đã mua. Những hộ không có điều kiện thì chăn thả cùng với hy vọng phối được giống cho ngựa.

Thế nên, mục tiêu cải tạo, nâng cao thể trạng đàn ngựa địa phương từ ngựa lai chưa đạt được như mục tiêu của đề án.

UBND huyện Bát Xát đã có văn bản yêu cầu UBND xã Sàng Ma Sáo thông báo cho 8 hộ dân của xã tới ngày 21/4/2020 sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng để phát triển chăn nuôi ngựa hàng hoá. Các hộ này phải tự trả lãi và gốc tính từ thời điểm trên.

Về ngựa Cabardin của huyện, ông Lý Trường Sơn trước là cán bộ địa chính – nông nghiệp nay làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Sàng Ma Sáo, người theo sát đề án này tại xã cho biết, ngựa thành thục về tính thì phải hơn 4 tuổi, nhưng ngựa Cabardin chỉ hơn 3 tuổi nên không phối được mặc dù nhìn khá to.

Ngoài ra, thời điểm ngựa nhận về sức khoẻ tốt nhưng người ta nuôi công nghiệp nên thời gian đầu ngựa gầy…

Ông Lý A Khoa – Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo cho biết, lúc đấy, riêng các hộ nuôi ngựa trong dự án phải mua 10 con từ tiền vay 170 triệu đồng (bình quân 17 triệu đồng/con).

Trong khi đó dân nuôi theo vùng, một hộ mua con đực rồi cho các hộ còn lại mượn. Song đến năm thứ hai thì không ổn vì ngựa động đực đồng loạt nên không đủ con đực đáp ứng.

UBND xã đề nghị huyện mua ngựa đực về để lai giống. 17 hộ được cấp 6 con. Tuy nhiên, ngựa Cabardin mà Trung tâm Dịch vụ giống nông nghiệp huyện mua về rất to, rất đắt nhưng còn non quá nên không nhảy được.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.