Từ ngày 11/3, với quan điểm nhà nước và nhân dân cùng làm, Đảng ủy, chính quyền xã Phúc Hòa đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giải phóng mặt bằng, hiến đất, tài sản trên đất làm đường mà không lấy tiền hỗ trợ, đền bù của Nhà nước.
Tính đến nay, 67 hộ dân trên địa bàn các thôn có tuyến đường chạy qua đã tình nguyện hiến đất và cây trồng trên hơn 10.500m2 đất, 100m2 tường rào cùng khoảng 1.000 cây trồng các loại.
Ông Ngô Xuân Tuyến ở thôn Quất Du 2 cho biết, việc xây tuyến đường rộng rãi, khang trang đúng với ý nguyện của nhân dân. Do đó, ngay khi chính quyền xã tổ chức tuyên truyền, vận động, ông cùng bà con hàng xóm đã không tiếc công, tiếc của ủng hộ.
Trong ngày ra quân, xã Phúc Hòa đã huy động các lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ, công chức xã cùng đông đảo người dân tham gia giải phóng mặt bằng, chặt hạ cây cối trên đất… nhằm bàn giao mặt bằng nhanh chóng cho nhà thầu thi công.
Xã Phúc Hòa được xem là vùng trọng điểm vải thiều chín sớm của huyện Tân Yên, cũng như toàn tỉnh Bắc Giang. Toàn xã hiện có khoảng 700ha vải, chiếm khoảng 2/3 tổng diện tích toàn huyện Tân Yên. Với ưu thế về thời vụ, chất lượng, vải sớm Phúc Hòa được đông đảo các doanh nghiệp, người dân lựa chọn, đặt hàng, với giá thường cao hơn vải chính vụ.
Trong năm 2023, vải sớm Phúc Hòa có khoảng 15ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU.
Việc mở rộng, nâng cấp tuyến đường vào các thôn Quất Du 2, Phúc Lễ, Lân Thịnh - những vùng trọng điểm sản xuất vải thiều chín sớm - góp phần quan trọng giúp người dân tiêu thụ, quảng bá đặc sản này, theo Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Tiệp.
Cùng với việc nâng cấp tuyến đường vào vùng vải, xã Phúc Hòa còn đặt mục tiêu mở rộng nhiều tuyến trọng điểm, liên xã, liên thôn và giao thông nội đồng trong năm 2024.
Dự kiến, trong năm nay, chính quyền xã và người dân sẽ hoàn thành khoảng 5km đường. 5km còn lại sẽ được hoàn thành từ nay đến tháng 6/2025.
Xã Phúc Hòa là một trong 6 xã của huyện Tân Yên đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cùng với Việt Lập, Hợp Đức, Ngọc Châu, Phúc Sơn, Quế Nham. UBND huyện cho biết, sẽ dành khoảng 80 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng danh sách này. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 38 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh, huyện, xã và các nguồn vốn khác.
Huyện sẽ tập trung vào vấn đề quy hoạch, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn trong năm 2024, phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác của địa phương liên tục tăng qua các năm, hiện đạt hơn 150 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gần 3 lần so với năm 2011.
Huyện đang duy trì sản xuất tại 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài những thế mạnh vốn có, Tân Yên hiện ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất đối với một số cây rau quả thực phẩm, rau quả chế biến có giá trị kinh tế cao như ngô ngọt, lạc, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa bao tử, ớt…