Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, hiện nay số lượng đơn vị tham gia sản xuất giống lúa chính quy ở ĐBSCL còn rất hạn chế, với tổng năng lực cung ứng khoảng 100.000 tấn/năm.
Trong khi đó, với diện tích trồng lúa dao động từ 3,8 - 3,9 triệu ha, ông Thạch ước tính nhu cầu giống lúa khoảng 200.000 tấn/năm. Còn xét trong thực tiễn sản xuất, lượng lúa giống bà con nông dân sử dụng lên đến 500.000 tấn/năm. Do đó dư địa để phát triển, kinh doanh giống lúa ở ĐBSCL còn rất lớn.
Tuy nhiên, thời gian qua, câu chuyện chia sẻ “bản quyền” cũng như việc chuyển giao quyền sử dụng, khai thác các giống lúa được thị trường ưa chuộng như OM5451, OM18 nhận được nhiều ý kiến bàn luận. Xuất phát từ các vấn đề vi phạm về nguồn gốc giống đầu vào, chất lượng giống đầu ra và tính minh bạch trong sản xuất. Dẫn đến các trung tâm giống, doanh nghiệp, cơ sở và HTX sản xuất giống thiếu tin tưởng lẫn nhau, nên chưa tìm được tiếng nói chung.
Thời gian qua, Viện Lúa ĐBSCL với vai trò là chủ sở hữu đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp trực tiếp với các đơn vị liên quan để thống nhất việc sản xuất và kinh doanh các giống lúa trên ở ĐBSCL.
“Giống lúa dù là tài sản của cá nhân, tập thể hay nhà nước, đều phải được bảo hộ và xác lập quyền sở hữu. Còn việc có thu tiền tác quyền hay không hoặc thu bao nhiêu là vấn đề của đơn vị chủ sở hữu. Hiện nay chi phí này không định giá được mà chỉ ước tính”, lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL lý giải.
Bên cạnh đó, hiện nay một số đơn vị kinh doanh giống lúa đưa luôn chi phí chuyển giao quyền khai thác, sử dụng vào giá thành khiến giá lúa giống đội lên cao.
Trước những bất cập này, từ đầu năm 2024, Ban lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL đã thống nhất chủ trương, tiến tới xây dựng đề án đấu thầu chuyển giao quyền sử dụng và sản xuất giống lúa thuần OM34. Toàn bộ quá trình đấu thầu sẽ do đơn vị tư vấn độc lập thực hiện.
Trên cơ sở đó, Viện Lúa ĐBSCL ước tính chuyển giao quyền sử dụng và sản xuất 10.000 tấn/năm giống lúa OM34, trong thời gian 5 năm, chia thành 21 lô nhỏ, được đánh số thứ tự ngẫu nhiên.
Cụ thể, có 5 lô khối lượng sản xuất 1.000 tấn/năm; 6 lô quy mô 500 tấn/năm và 10 lô khối lượng 200 tấn/năm. Mức chi phí sàn đấu giá khởi điểm là 500 đồng/kg. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các hợp tác xã, địa phương hoặc doanh nghiệp nhỏ đều có thể tham gia chia sẻ quyền khai thác giống lúa OM34.
Sau khi triển khai các thông báo mời thầu, đã có 7 đơn vị tham gia đấu giá. Trong đó, 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Sông Tiền đã trúng thầu. Các đơn vị sẽ có phương án sản xuất, kinh doanh với khối lượng 200 tấn/đơn vị/năm.
Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL bày tỏ, thông qua hình thức đấu giá, việc chuyển giao quyền sử dụng giống lúa sẽ trở nên công khai, minh bạch, rõ ràng hơn. Đồng thời, đơn vị mong muốn hợp tác với các đơn vị chính quy, để cùng nhau phát triển ngành công nghiệp hạt giống. Nhất là hài hòa lợi ích, nâng cấp các hợp tác xã cùng đồng hành với Viện, để đảm bảo cung cấp nguồn giống cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Quan trọng nhất là tạo sự công bằng cho bà con nông dân. Bởi hiện nay lúa giống bao trắng và lúa giống chất lượng cao dù có khoảng cách, nhưng so với trước, nông dân sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
“Viện xác định hình thức đấu giá này không phải là tham vọng mà mong muốn những đơn vị đã tham gia đấu giá công khai rộng rãi, "đánh thức" lại nhận thức của cơ quan quản lý địa phương. Bởi hiện nay tình trạng lúa giống bao trắng rất nhiều. Điều này không công bằng với đơn vị tác giả và các đơn vị chính quy khác đã đầu tư chi phí, nhân lực vào hệ thống bao bì, công tác giám định, kiểm định…”, TS Thạch cho biết.
Thời gian tới, Viện Lúa ĐBSCL tiếp tục thông báo đấu giá lần thứ 2 với các lô giống lúa còn lại. Trường hợp không thành công, Viện sẽ chuyển sang hình thức áp giá chỉ định cho một số đơn vị có nhu cầu, dựa trên mức giá cao nhất của đợt đấu giá ban đầu.
Theo Quyết định số 296/QĐ-TT-CLT ngày 25/6/2024 của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), công nhận lưu hành giống cây trồng đối với giống lúa thuần OM34, giống có thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày đối với vụ đông xuân và 90 - 95 ngày đối với vụ hè thu. Chiều cao cây từ 0,9 - 1m. Năng suất tiềm năng trong vụ đông xuân từ 5,5 - 8,5 tấn/ha và vụ hè thu là 4,52 - 5,8 tấn/ha. Giống lúa này được lai tạo bởi Viện Lúa ĐBSCL, có nguồn gốc từ tổ hợp lai của 2 giống lúa IR50404 và OM5451.
Về phẩm chất hạt, giống lúa OM34 cho bề mặt gạo khá, ít bạc bụng, cơm trắng, mềm. Đây là giống lúa thuộc nhóm giống năng suất cao, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu.
Trải qua quá trình nghiên cứu đặc tính, cũng như tham quan các mô hình sản xuất thử nghiệm, đại diện các doanh nghiệp trúng thầu đánh giá, giống lúa OM34 rất tiềm năng.
Dự kiến, Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Sông Tiền sẽ cung ứng giống lúa OM34 cho các tổ hợp tác, hợp tác xã ở tỉnh Đồng Tháp đang sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo có liên kết tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao để đưa giống lúa OM34 vào sản xuất đại trà. Doanh nghiệp SSC cũng kỳ vọng nhanh chóng cung ứng giống lúa OM34 ra thị trường vào vụ hè thu 2025.