| Hotline: 0983.970.780

'Nóng' chuyện bản quyền giống lúa OM 18 tại miền Tây

Thứ Ba 24/05/2022 , 06:45 (GMT+7)

Nhu cầu sử dụng giống lúa OM 18 của nông dân ĐBSCL tăng mạnh, tuy nhiên việc tiếp cận giống lúa này gặp khó khi địa phương và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung.

Khó tiếp cận do vướng bản quyền

Giống lúa OM 18 hiện nay đang là ưu tiên lựa chọn trong gieo sạ của nhiều nông dân vùng ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp.

Với đặc tính thời gian sinh trưởng ngắn từ 95 – 100 ngày, giống lúa OM 18 chống chịu sâu bệnh tốt, đẻ nhánh khỏe, thích hợp cho các vùng 3 vụ/năm, thích nghi tốt với nhiều vùng sinh thái ở ĐBSCL, chịu được độ mặn 3 – 4 phần nghìn, lại cho năng suất cao.

Giống lúa OM 18 hiện nay đang là ưu tiên lựa chọn trong gieo sạ của nhiều nông dân vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Giống lúa OM 18 hiện nay đang là ưu tiên lựa chọn trong gieo sạ của nhiều nông dân vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Xét về ưu điểm chất lượng hạt gạo, giống lúa OM 18 có hạt thon dài, trong, cơm trắng, mềm, thơm nhẹ..., đạt chuẩn xuất khẩu

Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện lúa ĐBSCL nghiên cứu chọn tạo và đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL.

Điển hình tại tỉnh Kiên Giang, trong cơ cấu giống của tỉnh trong 2 vụ mùa vừa qua, các giống lúa chất lượng cao được sử dụng lên tới 98,1%. Đặc biệt, tỉnh xoay trục về các giống lúa thị trường đang có nhu cầu cao như ST24, ST25 và OM 18. Đứng trước thực tế nhu cầu về giống lúa OM 18 ngày càng tăng cao, thế nhưng để tiếp cận được giống lúa này, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cho rằng “khó” do dính bản quyền giống lúa.

Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, hiện nay việc chia sẻ bản quyền còn gặp khó khăn. Rất khó mời doanh nghiệp để trao đổi, chia sẻ, đàm phán để thực hiện theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ.

Ông Toàn cũng nhấn mạnh, hiện nay giống lúa OM 18 đang thịnh hành, nên địa phương có nhu cầu và mong muốn được chia sẻ bản quyền, trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. “Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang sẽ làm trung gian quản lý, để làm sao chia sẻ bản quyền mang tính công bằng giữa doanh nghiệp và đơn vị nắm bản quyền”, ông Toàn khẳng định.

Cũng như ông Lê Hữu Toàn, một số địa phương khác ở khu vực ĐBSCL cho rằng đang có nhu cầu được cung cấp giống lúa OM 18 từ phía Viện lúa ĐBSCL và các doanh nghiệp được quyền khai thác theo thỏa thuận với chủ sở hữu. Từ đó, có lượng giống chất lượng, đủ số lượng cho người dân địa phương gieo sạ.

Chủ sở hữu giống lúa OM 18 nói gì?

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL phân tích: Mặc dù là đơn vị chủ sở hữu giống lúa OM 18, song trong việc phát triển giống lúa, hiện nay Viện không có đủ nguồn kinh phí để làm công tác trình diễn giống ở các địa phương, nên bắt buộc phải hợp tác với các doanh nghiệp để chuyển giao quyền khai thác giống lúa OM 18.

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL khẳng định sẵn sàng có phương án đảm bảo nguồn cung giống OM 18 cho các địa phương có nhu cầu. Ảnh: Kim Anh.

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL khẳng định sẵn sàng có phương án đảm bảo nguồn cung giống OM 18 cho các địa phương có nhu cầu. Ảnh: Kim Anh.

Ông Thạch chỉ ra rằng: "Không phải tự nhiên giống OM 18 phát triển mạnh như vậy, doanh nghiệp đã phải bỏ ra chi phí rất lớn gọi là chi phí phát triển giống. Dù có sản phẩm khoa học công nghệ tốt nhưng không kết nối với đầu ra được thì sản phẩm cũng bỏ đi”.

Ông Thạch đưa ra minh chứng thời gian qua, ngoài các doanh nghiệp tư nhân, Viện đã triển khai giống OM 232 cho một trung tâm giống, nhưng đến nay giống lúa này không phát triển được. Điều đó cho thấy nếu không có chiến lược, kết nối với đơn vị nội địa hoặc xuất khẩu, không có cách tiếp cận thị trường sẽ không thể xây dựng nên thương hiệu cho giống lúa.

Nói về khó khăn của các địa phương trong việc đàm phán với doanh nghiệp về bản quyền giống lúa OM 18, ông Thạch cho biết: Viện đã tổ chức nhiều cuộc họp với các trung tâm giống, doanh nghiệp, cơ sở, HTX sản xuất giống lớn nhỏ nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung bởi giữa các đơn vị chưa có sự tin tưởng lẫn nhau.

Phương án được Viện lúa ĐBSCL đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng giống lúa OM 18 ra sản xuất, theo ông Thạch, đó là các địa phương có nhu cầu, đang gặp khó khăn trong việc đàm phán với doanh nghiệp thì liên hệ với Viện. Viện sẽ đứng ra làm việc với doanh nghiệp và sẵn sàng cam kết với các địa phương để có phương án cung ứng kịp thời, đảm bảo nhu cầu cho các địa phương.

Năm 2017, Bộ NN-PTNT đã công nhận giống lúa mới với giống OM 18 và cho phép sản xuất thử nghiệm tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Theo văn bằng bảo hộ giống cây trồng do Cục Trồng trọt cấp ngày 2/4/2018 và hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối với giống lúa thuần OM 18 với Viện lúa ĐBSCL, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị được khai thác, kinh doanh giống lúa thuần OM 18.

Đây là giống lúa đã được chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm từ năm 2011. Việc hợp tác chặt chẽ về bản quyền giữa Viện lúa ĐBSCL và doanh nghiệp sẽ góp phần đáp ứng tốt nhu cầu lúa giống chất lượng cao của bà con nông dân.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Bình luận mới nhất