| Hotline: 0983.970.780

Làng chài lòng hồ thủy điện Sê San 4

Thứ Tư 17/06/2020 , 09:10 (GMT+7)

Giữa mênh mông lòng hồ thủy điện Sê San 4, từ một vài người đến bắt cá mưu sinh, thì nay đã thành một làng chài giữa vùng cao nguyên đầy nắng gió.

 Những lồng bè nuôi cá của cư dân xóm lòng hồ.

 Những lồng bè nuôi cá của cư dân xóm lòng hồ.

Trên lòng hồ thủy điện Se San 4 nằm giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, giáp với biên giới Campuchia, hiện đang có 29 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống.

Trước đây, những hộ dân này gắn bó cả cuộc đời mình trên những chiếc thuyền, trôi nổi khắp các con sông, đập nước, xem con thuyền là nhà, sông nước là quê hương.

Họ đã từng sống, từng lênh đênh trên những con thuyền được coi là mái nhà của họ mấy chục năm qua. Nghe chuyện về cuộc đời của họ cứ thấy chông chênh buồn.

Họ lênh đênh một đời như thế. Những ngày đầu lên đây lập nghiệp, mỗi người một chiếc bè hoặc xuồng 3m2, trên phủ chiếc bạt cũ, ngày đi đánh cá, thả câu, đêm về bè ngủ trong tiếng sóng rì rào của sông nước.

Cuộc sống lang bạt trên những chiếc bè tạm bợ, không giấy tờ tạm trú, không nhà cửa… chứa đựng nhiều khó khăn bất trắc. Họ gắn bó cả đời với nghề, rồi lại truyền nghề cho con, cháu. Họ mơ ước được lên bờ sinh sống, để thoát khỏi kiếp nổi lênh đời người trên sông nước.

Nằm sát bờ là chiếc thuyền, và cũng là mái ấm của 5 con người trong gia đình chị Vũ Thị Huyền, năm nay đã 39 tuổi.

Chị kể: “Gia đình tôi là hộ nghèo, từ đời cha ông chúng tôi đã gắn bó với con thuyền, dòng sông và những lòng hồ mênh mang như thế này. Tôi đã nghĩ rằng đời con tôi cũng vậy! Và biết đâu đấy đến đời cháu tôi cũng vậy chăng!”, chị Huyền tâm sự.

Hàng chục năm trời, 29 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sống hòa hợp với nhau, cùng dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Đã có bao nhiêu con người sinh ra, lớn lên trên những con sông này, họ đã sống cuộc sống khổ cực, quanh năm suốt tháng chỉ biết nghề chài lưới.

Cái “cần câu cơm” để lại chỉ giúp họ tìm được con tôm, con cá trang trải cho cuộc sống hàng ngày nhưng chẳng đủ, và cứ thế nghèo khó nối tiếp nghèo khó, họ không thể tự quyết định được cuộc đời của mình.

Phát triển dịch vụ trên lòng hồ.

Phát triển dịch vụ trên lòng hồ.

Ông Nguyễn Hải Triều, quê An Giang chia sẻ, hầu như năm nào cũng có người đến cất chòi, gia nhập làng chài. Họ đến từ các vùng miền khác nhau như Cà Mau, An Giang, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hải Dương… Mỗi đêm, nếu may mắn thì kiếm được hơn 100.000 đồng. Số tiền ấy vừa đủ nuôi gia đình vài miệng ăn.

Đó là những người có kinh nghiệm, chứ nhiều người mới đến thì rất nhiều đêm vác lưới về không. Chiếm số đông ở làng chài này vẫn là cư dân các tỉnh miền Tây, dân miền sông nước. Có đến 14 hộ trong làng đến từ An Giang, Long An, Cà Mau…

Và mỗi người một quê, nhưng cùng chung phận mưu sinh xứ người. Tất cả những người dân hợp thành một xóm nổi lênh đênh trên lòng hồ này sống nhờ vào nguồn tôm, cá, ốc, hến mà con nước đục ngầu bùn của dòng sông mang lại.

Xóm lòng hồ giờ nhiều những lồng bè nuôi cá để đảm bảo kinh tế.

Xóm lòng hồ giờ nhiều những lồng bè nuôi cá để đảm bảo kinh tế.

Cuộc sống lênh đênh vô định và đầy khốn khó tưởng chừng kéo dài mãi, nhưng đến năm 2014, những cư dân của xóm lòng hồ này đánh bạo viết đơn gửi lên xã xin cấp hộ khẩu thường trú ở phía sông bên tỉnh Kon Tum, thuộc địa phận xã Ia Tơi huyện Ia H’Drai.

Dùng dằng mãi, nhưng rồi đầu năm 2018, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hùng sau khi đi thăm và tìm hiểu cuộc sống của những hộ dân ở làng chài này, đã chỉ đạo chính quyền địa phương nhập khẩu, cấp đất ở, tạo điều kiện cho dân làng chài lên bờ, cho con cái học hành. Và làng chài ấy giờ thuộc thôn 7, xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum).

Anh Nguyễn Thành Nhân, cư dân của làng chài vui mừng khôn xiết, vì tưởng những phận đời vô gia cư ấy chỉ biết quẩn quanh trên lòng hồ, thì nhờ sự quan tâm của chính quyền, những cư dân làng chài đã được cấp sổ hộ khẩu, 400m2 đất ở và 50 triệu đồng để dựng nhà trên bờ, có điện lưới quốc gia kéo về từng nhà, cuộc sống đổi thay chóng mặt.

Nhiều cư dân xóm lòng hồ đã thích ứng rất nhanh, vừa nuôi cá lồng bè vừa làm dịch vụ du lịch.

Nhiều cư dân xóm lòng hồ đã thích ứng rất nhanh, vừa nuôi cá lồng bè vừa làm dịch vụ du lịch.

Bây giờ, xóm lòng hồ này chỉ cách bờ sông vài trăm mét, đông vui, nhộn nhịp khi chiều xuống. Khi ấy lũ trẻ đi học về, người lớn sau một ngày dong thuyền ngược xuôi kiếm sống cũng trở về neo bến để lên nhà. Quanh nhà, họ thả mấy con gà con vịt hay nuôi bầy heo nhỏ để cải thiện.

Phụ nữ, trẻ em lo tắm giặt, nấu nướng, đàn ông túm tụm lại cùng chia sẻ về con nước lòng hồ, về bầy cá đang nuôi trong lồng bè của mình, nói về những dự định tương lai hay cùng nhâm nhi ly rượu để xua tan đi bao mệt nhọc của một ngày mưu sinh vất vả.

Chưa hết, nhiều người đã tận dụng những chiếc thuyền của mình để làm nơi bán hàng, mở thêm dịch vụ đi thuyền trên lòng hồ câu cá. Những chiếc thuyền làm nơi cư ngụ lênh đênh trên mặt nước ngày xưa trở thành những quán ăn để phục vụ mọi người.

Nhiều người tìm đến với khu vực lòng hồ này đã vô cùng sửng sốt, bởi cái tiếng làng chài nghèo lênh đênh mặt hồ ngày xưa đã không còn nữa, thay vào đó là sự nhộn nhịp và bắt kịp với làn sóng thay đổi khá nhanh.

Chiều về, những cư dân xóm lòng hồ lại đi xuồng về nhà ở trên bờ.

Chiều về, những cư dân xóm lòng hồ lại đi xuồng về nhà ở trên bờ.

Đời sống của những hộ dân làng chài xưa giờ đã khác. Nhiều hộ dân vừa đánh bắt cá, chế biến cá lại vừa làm dịch vụ du lịch.

Ông Chế Hồng Nhân, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, cho biết: “Chính quyền địa phương cũng có đề xuất cải tạo bến cá, xin địa phương các cấp đưa ra giải pháp kinh doanh phát triển thành khu du lịch bài bản và cụ thể hơn để thay đổi đời sống người dân. Cùng với đó, thành lập HTX nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân về kỹ thuật, đầu ra cho những loài thủy hải sản nuôi trồng trong lòng hồ như cá trắm, diêu hồng, cá cơm, cá thác lác…”.

Bây giờ, thu nhập đã khá hơn, con cái được đi học đầy đủ. Lòng hồ nghèo khó ngày xưa giờ đã thành quê hương thứ 2 của họ.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.