| Hotline: 0983.970.780

Lập Thạch chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ Bảy 13/08/2016 , 07:01 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó nỗi đau cho những số phận bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin với bao gia đình cùng nhiều thế hệ... 

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách, bằng những hành động giàu tính nhân văn, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động tài trợ, giúp đỡ, ủng hộ, chăm sóc cho nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc.

Ông Nguyễn Kim Thạch (thôn Xuân Quang, xã Văn Quán) là thương binh hạng 4, nạn nhân da cam được xem là gia đình tiêu biểu của ý chí vươn lên. Nhập ngũ năm 1967, ông tham gia chiến đấu 7 năm 6 tháng tại các các mặt trận Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng…, là những nơi Mỹ rải chất độc hóa học nhiều nhất.

Do bị nhiễm chất độc da cam nên trong 5 người con có 1 người đã chết, 1 người phải trải qua nhiều lần phẫu thuật. Vượt qua những khó khăn của cuộc sống, ông đã nuôi các con trưởng thành và xây dựng cuộc sống cho các con. Tuy đã 70 tuổi nhưng ông vẫn luôn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, hiện gia đình ông đang thả 6 sào ao cá, nuôi hàng trăm con vịt, 4 nái lợn, 3 nái trâu… cùng với con trai ông chuyên chở vật liệu xây dựng. Trừ chi phí, trung bình hàng năm gia đình ông thu lãi 500 triệu đồng.

Không được may mắn như ông Thạch, nhiều nạn nhân da cam trên địa bàn huyện cuộc sống còn gặp khó khăn, có những gia đình có hai đến ba người con cùng bị phơi nhiễm. Hầu hết những nạn nhân chất độc da cam không có khả năng hay rất khó khăn trong việc sinh hoạt cá nhân chưa nói đến lao động. Mặt khác họ lại thường xuyên ốm đau. Do đó, những gia đình có nạn nhân chất độc da cam thường có hoàn cảnh rất khó khăn về kinh tế.

Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, huyện đã triển khai nhiều phong trào và xây dựng quỹ ''Đền ơn đáp nghĩa", “uống nước nhớ nguồn”, "ủng hộ nạn nhân chất độc da cam" giúp đỡ các gia đình chính sách, nạn nhân da cam...

Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện có 1.783 hội viên sinh hoạt ở 20 hội cơ sở. Để giúp hội viên tự vươn lên trong cuộc sống, tham gia phát triển kinh tế, Hội vận động góp quỹ giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, tổng số quỹ hiện có trên 829 triệu đồng.

Từ nguồn quỹ này và bằng ý thức vươn lên, nhiều hội viên đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ, nên đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định như: Trần Thị Oanh - tổ dân phố Cộng Hòa, thị trấn Hoa Sơn; Nguyễn Văn Mão - thôn Minh Khai, xã Xuân Lôi; Lê Huy Toàn - thôn Phú Hậu, xã Sơn Đông; Đỗ Quốc Tới - thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích… Không chỉ vậy, nhiều hội viên tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ xây dựng nông thôn mới, đã đóng góp được hơn 600 triệu đồng, 2.617 công, 17.150m2 đất cho xây dựng nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông nông thôn.

Đặc biệt, Hội thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền và quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ nạn nhân, đến nay, quỹ đã vận động được hơn 278 triệu đồng. Hội vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm tặng quà cho các nạn nhân da cam nhân ngày lễ, Tết…

Trong dịp Tết Bính Thân 2016, Hội đã vận động được 348 xuất quà trị giá 72,350 triệu đồng. Hội tiến hành khảo sát các gia đình nạn nhân khó khăn và vận động hỗ trợ xây dựng nhà, trong 5 năm qua hỗ trợ xây dựng nhà cho 12 nạn nhân da cam. Hội thường xuyên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện đưa nạn nhân da cam đi điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng tỉnh. Ngoài ra, thông qua tổ chức Hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như dạy nghề, tạo việc làm cho những người có khả năng lao động.

Vươn lên bằng nghị lực và tình yêu cuộc sống, nhưng thực tế những nạn nhân chất độc da cam/điôxin vẫn đang hàng ngày phải đối diện với nỗi đau về thể xác, tinh thần và sự khó khăn trong cuộc mưu sinh. Những nạn nhân da cam rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của toàn xã hội, giúp họ vượt qua khó khăn, quên đi những mất mát thiệt thòi để hoà nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.