| Hotline: 0983.970.780

Lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện là đúng!

Thứ Hai 26/11/2018 , 15:50 (GMT+7)

Ngày 25/5/2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có Quyết định 55/QĐ-UBND-TL thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, TX, TP trực thuộc UBND huyện, TX, TP trên cơ sở sáp nhập 4 cơ quan cũ bao gồm: Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và Trạm Thủy sản.

Tránh chồng chéo, tách bạch nhiệm vụ

Việc thành lập trung tâm huyện nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây cũng là giải pháp quan trọng về mặt tổ chức, sắp xếp lại bộ máy nhằm thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

15-31-36_nong_dn_ti_mot_lop_dy_nghe
Nông dân tại một lớp dạy nghề

Trước đây mặc dù thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện, nhưng các trạm lại trực thuộc Sở NN– PTNT tỉnh, dẫn đến tình trạng trùng lắp về chức năng đối với Phòng NN– PTNT tại địa phương, thiếu tính nhất quán trong sự chỉ đạo giữa huyện và tỉnh.

Một hạn chế khác chính là tình trạng thiếu linh hoạt trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chung, do mỗi trạm đều có cơ quan cấp trên khác nhau (các Chi cục trực thuộc Sở NN- PTNT). Như vậy, việc thành lập trung tâm sẽ khắc phục được những bất cập về mặt cơ chế.

Thứ nhất, về chức năng nhiệm vụ: trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ thực hiện các chức năng mang tính chất dịch vụ, hỗ trợ các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Toàn bộ chức năng quản lý nhà nước sẽ được chuyển giao về Phòng NN– PTNT huyện. Việc tách bạch giữa hai chức năng này sẽ tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, đồng thời hiệu quả hoạt động sẽ được nâng lên do không còn chồng chéo về chức năng.

Tiếp theo, thống nhất trong điều hành: khắc phục tình trạng một đơn vị nhưng chịu sự chỉ đạo của các Chi cục tỉnh lẫn UBND cấp huyện. Việc thống nhất đầu mối trong điều hành sẽ thiết lập một cơ chế nhanh chóng khi cần thiết huy động nguồn lực cho các nhiệm vụ chung, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Cuối cùng, năng suất làm việc sẽ tăng lên do cùng công tác trong một đơn vị, tất cả phấn đấu vì mục tiêu chung cho địa phương.
 

Đã tạo ra những đột phá mới

Để tạo ra chuyển biến tích cực, hoạt động của trung tâm phải mang tính đột phá và hiệu quả, tránh lặp lại những cơ chế quản lý của các đơn vị cũ. Mỗi cán bộ phải thay đổi tư duy cá nhân, từ quan điểm “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, khơi dậy lòng nhiệt thành, tinh thần cống hiến vì nhiệm vụ chung.

Cụ thể hơn, cần có kế hoạch thực hiện mang tính chủ động và sáng tạo đối với một số nhiệm vụ. Đối với nhiệm vụ kết nối giữa nông dân và DN, kết nối cung cầu, đây là một nhiệm vụ mới và trọng tâm. Vì thực tế cho thấy, việc tiêu thụ và kết nối thị trường chính là khâu quan trọng nhất trong chuỗi giá trị nông sản, đây cũng là khâu mang lại thu nhập cao nhất cho nông dân. Vì vậy, nếu tổ chức kết nối tốt sẽ tạo ra bước đột phá mới trong SX nông nghiệp.

Để thực hiện tốt công việc này, đòi hỏi phải chủ động, mời gọi các DN mới trên nhiều lĩnh vực đến tham gia tiêu thụ. Bên cạnh các công ty lớn, cần phải chú ý đến các đầu mối phân phối khác, tuy sản lượng tiêu thụ nhỏ nhưng rất có tiềm năng. Thực tế cho thấy, liên kết tiêu thụ luôn là bài toán khó khăn nhất trong tái cơ cấu ngành do nông dân và DN chưa tạo được niềm tin lẫn nhau, một khi niềm tin đã được gây dựng, các khó khăn về kỹ thuật sẽ được hóa giải dần.

Đối với nhiệm vụ chuyển giao KHKT, xây dựng mô hình trình diễn, phải thay đổi cơ bản về mặt hình thức và chất lượng của các mô hình, tập huấn. Thứ nhất, việc chuyển giao cần tiệm cận với tiến bộ mới. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, hầu hết nông dân đều có thể cập nhật các thông tin kỹ thuật qua internet. Vì vậy, mỗi cán bộ phải tự cập nhật kiến thức liên tục.

Mặt khác, lãnh đạo trung tâm phải chủ động tạo dựng mối quan hệ với các Viện, Trường ĐH, Trung tâm…vì đây là đầu mối cho các tiến bộ khoa học, từ đó kết nối tạo điều kiện cho cán bộ tiếp xúc với các công nghệ mới, tiếp thu và chuyển giao lại cho nông dân.

Đối với nhiệm vụ đào tạo nghề lao động nông thôn, tương tự nhiệm vụ chuyển giao KHKT. Trong thời gian dài cần phải thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung đào tạo theo nhu cầu của nông dân. Ngoài ra, nên phân bổ lại thời gian dạy nghề theo hướng: giảm số giờ lý thuyết, thay vào đó tăng cường thêm các buổi trao đổi kinh nghiệm với các hộ dân đã nuôi trồng thành công, mời thêm một số diễn giả có chuyên môn đến thuyết trình, và tham quan thực tế.

Đặc biệt chú trọng dạy nghề kết hợp với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, theo hướng hữu cơ, vì đây là xu hướng mới của thị trường, các sản phẩm được chứng nhận sẽ dễ dàng tiêu thụ với giá cao hơn.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện được thành lập với kỳ vọng tạo ra sức bật mới cho quá trình tái cơ cấu ngành. Chưa thể đánh giá ngay hiệu quả trong thời gian ngắn, tuy nhiên sự chuyển biến về tư duy chính là thành công đầu tiên có thể cảm nhận được. Hy vọng rằng, trung tâm sẽ trở thành đòn bẩy đích thực, gắn kết các thành phần trong chuỗi giá trị nông sản, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.

 

(Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.