| Hotline: 0983.970.780

Lâu nay tập trung hỗ trợ sản xuất mà bỏ quên phát triển thị trường

Thứ Tư 01/02/2023 , 19:58 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao Cục Kinh tế hợp tác&Phát triển nông thôn rà soát các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, trong đó có phát triển HTX và bảo tồn làng nghề.

BATH9341

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi xây dựng nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ phát triển HTX.

Tại cuộc họp với Cục Kinh tế hợp tác & PTNT cùng một số đơn vị liên quan ngày 1/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận xét, lâu nay các chính sách hầu như tập trung hỗ trợ sản xuất mà bỏ quên công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.

Nhắc lại trăn trở của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thị trường tiêu thụ nông sản tại Hội nghị Tổng kết ngành NN-PTNT năm 2022, Bộ trưởng định hướng, rằng việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất đơn giá trị sang đa giá trị không chỉ là tổ chức các hội thi, hội chợ hay một vài cuộc triển lãm, trưng bày sản phẩm.

"Muốn người nông dân tăng thu nhập bền vững, cần giúp họ chủ động đưa càng nhiều sản phẩm ra xã hội càng tốt", ông nói. 

Để làm được, tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng trước hết cần "tri thức hóa" người nông dân, thông qua các hoạt động đào tạo cho thành viên và giám đốc các HTX. Do ngân sách có hạn, ông yêu cầu Cục Kinh tế hợp tác & PTNT tập trung nguồn lực cho 5 vùng nguyên liệu trong Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Cách đào tạo cũng được Bộ trưởng lưu ý. Theo ông, cán bộ đứng lớp cần giúp người nông dân hiểu được giá trị của hợp tác trong lịch sử loài người thông qua việc truyền cho họ sự đam mê, yêu thích nông nghiệp thay vì đi ngay vào kỹ thuật. Thông qua các hoạt động này, người nông dân sẽ thấy trân trọng, nâng niu sản phẩm họ làm ra hơn.

"Tiến tới, chúng ta có thể cấp giấy chứng nhận cho những người dân đã tham gia các lớp giảng dạy về kinh tế, thị trường tại 5 vùng nguyên liệu. Điều ấy có thể góp phần hình thành tư duy kinh tế cho những người làm nông nghiệp", người đứng đầu Bộ NN-PTNT chia sẻ. 

BATH9365

Cục trưởng Lê Đức Thịnh trình bày các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh việc thu hút người dân vào HTX, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các chính sách "giữ chân" họ. Ông gợi mở việc cho thuê máy móc nông nghiệp, hỗ trợ lãi suất cho vay... nếu đối tượng là HTX hoặc thành viên HTX.

Trong kế hoạch hành động năm 2022, phát triển HTX cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục Kinh tế hợp tác & PTNT. Cục trưởng Lê Đức Thịnh cho biết, thông qua Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản, nhiều trung tâm logistics đã được xây dựng, phục vụ cho cụm các HTX. Đồng thời, 13 tỉnh trong vùng dự án đang thí điểm một số chính sách ưu đãi tín dụng cho HTX theo chuỗi giá trị.

"Hiện các cổng thông tin cho 5 vùng nguyên liệu đã cơ bản hoàn thành. Cục Kinh tế hợp tác & PTNT đang tiếp tục phối hợp Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về giống, đất đai cho các vùng nguyên liệu", ông Thịnh bày tỏ. 

Từ 5 vùng nguyên liệu này, Cục sẽ rút kinh nghiệm và xây dựng cơ sở dữ liệu cho toàn bộ khoảng 19.000 HTX nông nghiệp trên cả nước.

Ngoài canh tác nông nghiệp truyền thống, Cục Kinh tế hợp tác & PTNT còn chú trọng phát triển hơn 1.900 làng nghề trong năm nay.

Thực tế cho thấy, nhiều làng nghề trên cả nước đang gặp khó trong khâu tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm vì không thiết kế được mẫu mã bắt mắt, hoặc xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.

Sự giúp đỡ, thông qua hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức cho bộ phận giám đốc HTX cũng gặp thách thức. Nguyên nhân bởi quỹ thời gian đi học eo hẹp của các giám đốc, cũng như cách trở về địa lý tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tại những địa bàn này, thông thường mỗi huyện chỉ tổ chức được một lớp đủ 35 học viên theo quy định.

Làng nghề mây tre đan tại huyện Phú Mỹ, TP. Hà Nội.

Làng nghề mây tre đan tại huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Cùng với việc phối hợp triển khai học liệu điện tử tới các giám đốc HTX, Cục Kinh tế hợp tác & PTNT đã và đang xây dựng chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn, đề án đào tạo chuyển đổi nghề vùng ĐBSCL và chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống...

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia tương đồng như Thái Lan, Cục tin rằng các làng nghề muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cần gắn sản phẩm với bản sắc đặc trưng vùng miền. Song song với quảng bá sản phẩm, các làng nghề phải có phương án nâng cao vai trò cộng đồng bằng cách tạo ra những câu chuyện gắn với tên gọi, nguồn gốc sản phẩm.

Thái Lan cũng từng bị EU rút "thẻ vàng" IUU, nhưng nhanh chóng cải cách ngành thủy sản nước này trong vòng 3 năm. Kinh nghiệm của xứ Chùa Vàng là phát triển nghề nông tại các tỉnh biên giới phía Nam (giáp biển) thông qua hỗ trợ kiến thức, công nghệ, đầu vào, tài chính, chế biến, tiếp thị cho người dân ven biển. 

Một điểm nhấn nữa của nông nghiệp Thái Lan, là họ ngày càng nâng cao vai trò của nông dân cao tuổi. Dù chưa chịu áp lực già hóa dân số như một số nước phương Tây, quốc gia này chủ trương thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho những "lão nông". Với lợi thế kinh nghiệm, kiến thức, lực lượng nông dân cao tuổi đủ khả năng trở thành các chủ cơ sở kinh doanh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT sắp tới sẽ phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phát triển chương trình du lịch nông thôn phải trở thành chương trình mục tiêu quốc gia. Theo ông, ngoài việc xuất khẩu nông sản thông thường qua cửa khẩu, người dân hoàn toàn có thể hình thành một con đường xuất khẩu khác là hình thức "xách tay".

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, Việt Nam đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022. Bộ trưởng Hoan nhẩm tính, chỉ cần mỗi lượt khách tiêu thụ 1 kg nông sản và 1/10 số khách này trải nghiệm du lịch nông thôn, bức tranh ngành nông nghiệp sẽ khởi sắc.

Xem thêm
Giảm chi phí, tăng năng suất nhờ ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ

Sóc Trăng Hơn 291.000 nông dân ĐBSCL đã ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ, giúp bà con đưa ra quyết định canh tác phù hợp, giảm rủi ro, tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội: Đồng ý chủ trương xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng

Hà Nội thống nhất xây 3 cầu qua sông Hồng bằng vốn đầu tư công: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.